Hotline 24/7
08983-08983

Nhiều tỉnh đề nghị Bí thư, Chủ tịch được bảo vệ đặc biệt

Sau vụ nổ súng vào lãnh đạo ở một tỉnh, đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung thêm chức danh được bảo vệ đặc biệt.

Tại phiên thảo luận về dự thảo Luật cảnh vệ chiều 6/6, đại biểu Quốc hội Đỗ Văn Bình cho rằng, khi có tình hình phức tạp ở địa phương thì có thể ảnh hưởng đến an toàn của một số cán bộ chủ chốt.

“Nếu để xảy ra tình huống mất an toàn thì không chỉ là vấn đề an ninh tại địa phương, mà còn ảnh hưởng đến tình hình chung cả nước”, ông nói.

Từ cách tiếp cận trên, đại biểu thành phố Hải Phòng đề nghị, ngoài 18 đối tượng được cảnh vệ theo quy định của dự thảo Luật, cần thiết bổ sung biện pháp bảo vệ đặc biệt trong thời gian nhất định cho một số lãnh đạo chủ chốt các bộ, ngành và địa phương.

nhieu-tinh-de-nghi-bi-thu-chu-tich-duoc-bao-ve-dac-biet

Ông Võ Trọng Việt - Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng an ninh của Quốc hội. Ảnh: quochoi.vn

Ông Võ Trọng Việt, Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng An ninh cũng cho biết, sau sự việc nổ súng vào lãnh đạo ở một tỉnh, nhiều địa phương đã đề nghị Bí thư, Chủ tịch cũng nằm trong diện được cảnh vệ.

Ngoài ra, một số ý kiến đề xuất đưa các chức danh như Chánh án toà án nhân dân tối cao, Tổng kiểm toán Nhà nước… vào đối tượng cảnh vệ.

Tuy nhiên, theo ông Việt, cần phân biệt rõ khái niệm cảnh vệ và bảo vệ. Cảnh vệ là tập trung vào bảo vệ “yếu nhân”, những vị trí cực kỳ quan trọng mà như quy định hiện hành có khoảng 18 vị trí. “Căn cứ trên thực tiễn, việc giữ nguyên các đối tượng cảnh vệ như hiện nay là phù hợp”, ông Việt nói.

Cũng tại phiên thảo luận, các đại biểu băn khoăn về nguyên tắc nổ súng của người cảnh vệ khi thi hành nhiệm vụ.

Trước việc dự thảo luật quy định “cán bộ chiến sĩ cảnh vệ được nổ súng gây thương tích cho đối tượng đang đột nhập vào khu vực, mục tiêu cảnh vệ, sau khi đã ra hiệu lệnh dừng lại và bắn cảnh báo nhưng không hiệu quả”, đại biểu Nguyễn Hữu Chính cho rằng quy định như vậy là cứng nhắc và chưa phù hợp.

Ông phân tích, với quy định như trên, người cảnh vệ nổ súng dẫn tới hậu quả chết người là vi phạm pháp luật. Song trong thực tiễn, súng là loại vũ khí quân dụng có khả năng sát thương lớn, gây hại tới tính mạng, sức khoẻ con người. “Khó có thể đảm bảo được việc nổ súng như quy định của điều luật này, nghĩa là trong mọi trường hợp đều chỉ gây thương tích. Ví dụ buổi tối, phạm vi quan sát kém, vị trí nhằm bắn không rõ, hậu quả chết người xảy ra là tất yếu”, ông Chính băn khoăn.

Đại biểu Bùi Quốc Phòng thì cho rằng, cần cân nhắc kỹ việc nổ súng liên quan tới tính mạng con người. Ông đề nghị xem xét, quy định rõ hơn về hành vi tấn công trực tiếp đối tượng cảnh vệ hoặc chiến sĩ cảnh vệ đang thực hiện nhiệm vụ, qua đó sẽ tránh việc lạm dụng khi nổ súng.

Tuy nhiên, ông Võ Trọng Việt khẳng định, ở dự Luật này đã xác định rõ các nguyên tắc như nổ súng có cảnh báo và không cảnh báo. Nổ súng cảnh báo khi có đối tượng đột nhập vào nơi cấm. Cao hơn, nếu đối tượng chống đối, có hành động nguy hiểm thì vô hiệu hoá. “Vấn đề là lực lượng công an, quận đội huấn luyện người cảnh vệ sao cho xử lý các tình huống trong thực tế thật tốt”, ông nói.

Theo dự thảo Luật, cảnh vệ là công tác bảo vệ đặc biệt do Nhà nước tổ chức thực hiện để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho đối tượng cảnh vệ. 

Đối tượng cảnh vệ là người giữ chức vụ, chức danh cấp cao của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; khách quốc tế đến thăm và làm việc tại Việt Nam; khu vực trọng yếu...

Đối tượng cảnh vệ gồm: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng; Uỷ viên Bộ Chính trị; Bí thư Trung ương Đảng; Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó chủ tịch nước, Phó chủ tịch Quốc hội, Phó thủ tướng...


Theo Nguyễn Hoài - VnExpress

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X