Hotline 24/7
08983-08983

"Người hy sinh thế mạng" trong hải chiến Gạc Ma

Cả gia đình nghe loáng thoáng trên loa truyền thanh của hợp tác xã thông báo tin về những người lính mất tích ở đảo đá Gạc Ma, trong đó có tên Phan Tấn Dư, nhưng chẳng ai tin...

Đang “dư” thành… thiếu

Con đường vào nhà cụ Lê Thị Niệm (SN 1928, ở thôn Mỹ Thạnh Nam, xã Hòa Phong, huyện Tây Hòa, mẹ liệt sĩ Phan Tấn Dư - liệt sĩ hy sinh trong hải chiến Gạc Ma 1988) dù chỉ vừa chiếc xe máy chạy nhưng hai bên vệ đường nở đầy hoa.

Trước nhà, những cây cau cao vút cùng với những nhành hoa đủ sắc màu, lung linh trong nắng tạo nên bức tranh khung cảnh thôn quê đằm thắm.

Bên trong ngôi nhà, cụ Niệm với chiếc lưng còng đang lần từng bước thắp nhang cho con trai.

“Mấy ngày trước, cụ cúng giỗ cho thằng Dư, giờ dọn dẹp, lau chùi lại cho gọn gàng, sạch sẽ. Hồi nó sống, nó ngăn nắp, gọn gàng lắm nên khi nó hy sinh cụ cũng phải tươm tất cho bàn thờ của nó”, thấy có khách, cụ nói bằng giọng hiền hiền.

Ngồi trò chuyện, cụ Niệm cho biết mình sinh tất thảy 13 người con. Đến nay chỉ còn lại 2 trai, 5 gái.

Các con trai của cụ đều có gia đình riêng nên giờ cụ sống với người con gái út và đứa cháu ngoại tại ngôi nhà từ đường này.

Cụ bảo: “Hai thằng con trai của cụ nó bảo là để nó đón về chăm sóc, nhưng cụ không chịu.

Ngôi nhà này là nơi thời cúng ông bà từ bao đời nay nên cụ phải ở lại để lo nhang đèn, còn thờ cúng thằng Dư nữa. Khi nào cụ nhắm mắt thì tụi nó sẽ thờ cúng nơi tụi nó sinh sống, chứ giờ thì cụ phải lo”.

Liệt sĩ Phan Tấn Dư, người đã anh dũng nằm xuống nơi biển đảo năm nào trong trận hải chiến Gạc Ma là con thứ 10 của cụ Niệm.

“Sinh đến đứa thứ 9 là tôi hụt hơi rồi. Thầm khấn trời Phật cho tôi đừng sinh nữa. Nhưng rồi đứa con thứ 10 vẫn chào đời. Tôi đặt tên nó là Dư, nghĩa là đứa con ngoài mong muốn.

Tôi không ngờ cái tên Dư đặt cho con ấy lại chẳng được dư. Nó sống với tôi được 22 năm thì ra đi vĩnh viễn”, cụ Niệm vừa lý giải cái tên của con vừa lấy tay lau dòng nước mắt.


Nhắc đến người con đã hy sinh của mình, cụ Niệm không cầm được nước mắt.

Nhắc đến người con đã hy sinh của mình, cụ Niệm không cầm được nước mắt

Thấy mẹ mình nghẹn ngào, bà Phan Thị Nhung (SN 1970, con gái út cụ Niệm) đến bên an ủi: “Mẹ đừng khóc nữa. Đợi vài ngày nữa là đến 14/3, các anh em đồng chí đồng đội của anh Dư sẽ về thăm mẹ. Mẹ nên vui để đón các con, mẹ mà buồn, các anh ấy cũng buồn đấy!”.

Khuyên mẹ xong, bà Nhung quay về phía tôi rồi bảo: “Từ Tết đến nay thời tiết thất thường nên mẹ liên tục uống thuốc vì sợ ngã bệnh. Nửa tháng là nhờ bác sĩ đến truyền cho mẹ bình nước để mẹ khỏe.

Hôm 27 tháng Giêng vừa rồi giỗ anh Dư, có mấy anh cựu binh ở gần đến lo giỗ. Mấy hôm nay mẹ đang trông ngóng đến ngày 14/3 để gặp những đồng đội của anh Dư ở các nơi về thăm, đặc biệt là anh Dũng”.

Nghe con gái nói vậy, cụ Niệm lại lấy tay lau dòng nước mắt. Trên khuôn mặt đầy những nếp nhăn của người mẹ tảo tần này lại ánh lên niềm mong đợi.

Cụ đợi đồng đội của con tề tựu trong ngày họp mặt của những cựu binh Gạc Ma, cũng là tưởng niệm những người đã anh dũng hy sinh, trong đó có con trai cụ.

Nỗi đau quá đỗi bất ngờ

Đến giờ, người mẹ này không thể nào quên hình ảnh cuối cùng được nhìn thấy người con trai của mình bước sang tuổi 22, rồi sau đó vĩnh viễn gửi mình nơi hải đảo xa xôi của Tổ quốc.

Đó là cái Tết cuối cùng cụ được nhìn thấy mặt con, hình ảnh ấy luôn thức ngủ trong lòng cụ suốt mấy chục năm qua.

Cụ kể: “Năm đó, thằng Dư về ăn Tết cùng gia đình sau hai cái Tết xa nhà. Nó về nhà là dọn dẹp nhà cửa ngay.

Về ngày trước thì ngày sau nó xuống gian bếp, mở tất cả các nắp thùng đựng lúa, vỗ vào từng chiếc bao kiểm tra xem lúa còn bao nhiêu.

Thấy thùng nào cũng rỗng, bao nào cũng toàn lúa lép dành cho gà, nó ôm tôi rồi nói còn mấy tháng nữa ra quân, con sẽ về phụ giúp ba má chứ gia cảnh thế này, khổ quá!

Hồi đó còn hợp tác xã, nhà toàn đàn bà con gái, bám vào công điểm được mấy ký lúa đâu, nó lo cũng phải”.

Nói rồi, cụ Niệm lại xúc động: “Nó nói khi nào nó ra quân là sẽ cưới vợ rồi xin anh chị để cả đời nó chăm sóc cho cụ, để cụ có con dâu mà nhờ.

Ấy vậy mà chỉ trong tích tắc nó đã hy sinh. Lúc đầu tôi không tin con mình đã hy sinh, nhưng rồi đó lại là sự thật. Nghe tin đó, lòng tôi như bị trăm ngàn mũi tên đâm vào”.

Di ảnh liệt sĩ Phan Tấn Dư
Di ảnh liệt sĩ Phan Tấn Dư

Theo lời kể của bà Nhung, hồi ấy, trong một chiều giông gió, cả nhà lo cuốn rạ vì sợ mưa ướt.

Khi ấy, cả gia đình nghe loáng thoáng trên loa truyền thanh của hợp tác xã thông báo tin về những người lính mất tích ở đảo đá Gạc Ma, trong đó có tên Phan Tấn Dư.

“Cả nhà chẳng ai tin điều ấy. Cứ nghĩ một ai đó trùng tên với anh Dư thôi. Ảnh mới về ăn Tết, vừa trở lại đơn vị, có nghe ảnh nói đi Trường Sa đâu mà mất tích.

Thế nhưng, khi nghe họ đọc lại lần nữa: Phan Tấn Dư con ông Phan Bình Đố và bà Lê Thị Niệm ở Tây Hòa thì má tôi ngã quỵ giữa đồng ruộng”, bà Nhung, con gái cụ Niệm nhớ lại.

Trong buổi chiều và tối hôm ấy, cụ Niệm dù ngã quỵ nhưng trong lòng không nghĩ con mình hy sinh nên bảo các con tìm cách liên lạc với đơn vị của con để chứng thực thông tin lần nữa.

Lần thứ ba khi nghe đơn vị thằng Dư xác nhận, tôi như chết lặng. Con hy sinh nhưng tôi chẳng được nhìn mặt con trước lúc mất”, cụ Niệm nghẹn ngào tâm sự.

“Cho con được thay Dư chăm sóc má”

Trong suốt buổi trò chuyện, cụ Niệm luôn nhắc đến người đồng đội của con mình. Đó là cựu binh Nguyễn Văn Dũng (SN 1966, ở TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa).

Cụ bảo, cụ xem ông Dũng như con ruột, ông Dũng cũng xem cụ như chính mẹ mình. Hễ nửa tháng, đôi mươi ngày là ông Dũng lại bắt xe từ TP Nha Trang ra thăm cụ.

Cụ Niệm kể: “Mấy năm sau ngày thằng Dư mất, có người trong Nha Trang ra hỏi đây có phải là nhà Phan Tấn Dư không? Cả nhà mừng quá, nghĩ thằng Dư mất tích đâu đó, nay trở về.

Nhưng rồi nó bảo, con là Dũng, bạn Dư đây. Con tìm nhà má suốt mấy năm nay. Giờ tìm được nhà rồi, cho con được làm con má, thay Dư chăm sóc má.

Nói rồi, cụ Niệm bảo bà Dung bắt máy lên gọi cựu binh tên Dũng. Qua điện thoại, ông Dũng cho biết: “Dù không trực tiếp tham gia trận hải chiến đẫm máu ngày 14/3/1988, nhưng có lẽ tôi là một trong những người lính bị ám ảnh nhất với trận đánh ấy.

Tôi và đồng chí Dư cùng tuổi Bính Ngọ, nhập ngũ cùng ngày, thời còn tỉnh Phú Khánh”.


Cụ Niệm ở lại luôn trong ngôi nhà từ đường để ngày ngày hương khói cho con.

Cụ Niệm ở lại luôn trong ngôi nhà từ đường để ngày ngày hương khói cho con

Cựu binh Dũng cho biết thêm, những ngày đầu tháng 3/1988, toàn đơn vị được quán triệt nhiệm vụ trước lúc lên tàu trực chỉ Trường Sa.

“Chúng tôi đã xác định đi chuyến này là rất gay go vì không khí hầm hập từ các bãi đá thuộc cụm đảo Sinh Tồn liên tục dội về Cam Ranh.

Vì vậy, đêm trước hôm lên tàu ra Trường Sa, anh em có ngồi lai rai với nhau một bữa…”.

Đang nói nửa chừng, giọng ông Dũng nghẹn lại nơi cổ họng: “Tôi là lính thông tin, nhiệm vụ a lô tình hình cho toàn đơn vị nhưng nói không ra hơi như thế thì đi Trường Sa làm sao được!

Chỉ huy đơn vị buộc phải tìm người thay thế. Anh nuôi quân Phan Tấn Dư, người cũng từng được đào tạo một khóa ngắn ngày về truyền tin, được chọn lấp vào chỗ trống đó.

Ba ngày sau chuyến đi, tin từ Trường Sa báo về cho biết, anh Dư mất tích. Nghe tin, tôi giật thót tim vì mình đã may mắn, nhưng nỗi ân hận lập tức dày vò tôi suốt những ngày sau đó”.

Người cựu binh này vẫn luôn coi liệt sĩ Phan Tấn Dư là "người hy sinh thế mạng" cho mình trong hải chiến Gạc Ma.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngay sau đó ông Dũng cũng đi ra Trường Sa và bị thương. Ba năm sau, ông khoác ba lô trở về bằng đôi chân không lành lặn.

Ông tâm sự: “Tôi và anh Dư chưa bao giờ là bạn thân của nhau lúc tại ngũ, nhưng bây giờ, tôi đã thành đứa con nuôi của mẹ Niệm.

Tôi nguyện trọn đời sống có thủy chung và trách nhiệm với mẹ. Với tôi, anh Dư như người chết thế cho tôi vậy”.

Vừa xong cuộc nói chuyện với cựu binh Dũng qua điện thoại, cụ Niệm chỉ tay về phía những luống hoa trước nhà nói:

“Ý tưởng trồng những luống hoa ở ngoài đường vào đến nhà là của đồng chí, đồng đội thằng Dư đó. Nghĩ đến tình cảm của tụi nó dành cho cụ và thằng Dư, cụ thấy ấm lòng lắm!

Mỗi khi khỏe là cụ với đứa cháu ngoại chăm sóc những luống hoa này để nó tươi tốt, nở hoa như chính cuộc đời thằng Dư vậy”.

Gần 30 năm qua, nhà liệt sĩ Dư trở thành nơi gặp gỡ của những người lính Trường Sa quê Phú Yên vào mỗi dịp giỗ liệt sĩ 27 tháng Giêng cũng như ngày 14/3.

Mỗi lần như thế, cụ Niệm vừa cảm thấy ấm lòng lại vừa xa xót. Cụ vẫn suốt đời thiếu Dư nhưng bù đắp vào nơi trống vắng ấy là tình cảm của bao bạn bè, đồng đội của con cụ.

Theo Phan Đình Phùng - Tri thức trẻ

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X