Hotline 24/7
08983-08983

Mỹ - Triều hục hặc vì một bộ phim

Dường như Mỹ có ít lựa chọn ứng phó với Triều Tiên sau cuộc tấn công mạng nhằm vào hãng phim Sony Pictures mà họ đổ lỗi cho Bình Nhưỡng.

Hãng Thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA hôm 20/12 dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Triều Tiên cho biết nước này muốn cùng Mỹ điều tra vụ tấn công mạng nhằm vào hãng Sony Pictures. "Nếu Washington từ chối điều tra chung và tiếp tục buộc tội Triều Tiên, sẽ có hậu quả nghiêm trọng" - KCNA nhấn mạnh.

Trước đó một ngày, Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) tuyên bố chính Triều Tiên đứng sau vụ tấn công mạng và hành động này vượt khỏi khuôn khổ "hành xử có thể chấp nhận" của một quốc gia.

Tại cuộc họp báo cuối năm tổ chức cùng ngày, Tổng thống Barack Obama khẳng định Mỹ sẽ có hành động "đáp trả tương xứng" đối với Triều Tiên. Nhận định Bình Nhưỡng đã hành động độc lập, Tổng thống Obama kêu gọi Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và Nga cùng kiềm chế Triều Tiên.

Áp phích bộ phim The Interview bên ngoài một rạp hát ở New York - MỹẢnh: EPA
Áp phích bộ phim The Interview bên ngoài một rạp hát ở New York - MỹẢnh: EPA

Củng cố thêm kết luận của FBI, GS Yang Moo-Jin thuộc Trường ĐH Nghiên cứu Triều Tiên (Hàn Quốc) cho rằng: "Triều Tiên đủ sức để tấn công website của chính phủ, tư nhân ở Hàn Quốc cùng các nước khác".

Trả lời Reuters, một nhà ngoại giao Triều Tiên tại Liên Hiệp Quốc khẳng định Bình Nhưỡng không hề liên quan đến cuộc tấn công mạng.

Đối với Sony Pictures, Tổng thống Obama cho rằng đáng lý hãng phim nên thông báo trước với ông về việc hoãn công chiếu bộ phim The Interview - có nội dung ám sát nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và dự kiến ra mắt ngày 25/12.

Trong khi đó, Giám đốc điều hành Sony Pictures, ông Michael Lynton, khẳng định công ty không đầu hàng trước các tin tặc và vẫn đang tìm kiếm cơ hội để trình làng The Interview.

Tuy tuyên bố mạnh miệng song Washington dường như có ít lựa chọn ứng phó Bình Nhưỡng. Giới quan sát cho rằng sẽ không có chuyện Mỹ phát động tấn công quân sự Triều Tiên vì chuyện này trong khi tăng cường cấm vận hay tấn công mạng đáp trả cũng chẳng được ích lợi gì.

Nguyên nhân: Triều Tiên gần như "không còn gì để mất" bởi kinh tế và hệ thống internet của đất nước cô lập này đã quá yếu kém!

Ngày 20/12, trong khi Nhật Bản và Hàn Quốc lên án cuộc tấn công mạng nhắm vào Sony Pictures thì truyền thông Trung Quốc đăng tải hàng loạt bài viết công kích hãng phim Mỹ.

Các báo này cho rằng The Interview là một bộ phim bất kính và cáo buộc các nhà làm phim Mỹ có thái độ sai trái khi chế giễu ông Kim Jong-un. Theo chuyên viên tư vấn an ninh mạng SSP Blue Hemanshu Nigam, Sony Pictures có thể tổn thất khoảng 500 triệu USD vì vụ này.

Triều Tiên tẩy chay họp nhân quyền

15 nước thành viên Hội đồng Bảo an (HĐBA) Liên Hiệp Quốc lần đầu tiên tổ chức cuộc họp bàn về tình hình nhân quyền tại Triều Tiên và khả năng đưa Bình Nhưỡng ra Tòa án Hình sự Quốc tế vào ngày 22/12 mặc cho những phản đối từ phía Trung Quốc và Nga. Triều Tiên đã tuyên bố không cử đại diện đến tham dự cuộc họp trên.

"Chúng tôi không công nhận cuộc họp của HĐBA. Vấn đề nhân quyền của chúng tôi không thuộc quyền hạn của HĐBA" - cố vấn chính trị đại diện cho phái đoàn Triều Tiên tại Liên Hiệp Quốc Kim Song phát biểu.

Ngày 20/12, Triều Tiên tiếp tục tuyên bố tăng cường sức mạnh hạt nhân để đối phó với chính sách thù địch của Mỹ.

Theo Huệ Bình - Người lao động

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X