Hotline 24/7
08983-08983

Mỹ sẵn sàng vào cuộc nếu ngoại giao Biển Đông bất thành

Các quan chức Mỹ cho biết Washington đang thực hiện chiến dịch ngoại giao thầm lặng nhằm ngăn các nước trong khu vực Biển Đông hành động quyết liệt sau phán quyết của Tòa trọng tài thường trực (PCA).

Tàu tuần dương Trung Quốc trên Biển Đông - Ảnh: Reuters

Tàu tuần dương Trung Quốc trên Biển Đông - Ảnh: Reuters

Mong muốn vấn đề được giải quyết theo lý trí

“Điều chúng tôi muốn là làm lắng dịu tình hình để những vấn đề như thế này được giải quyết một cách lý trí thay vì theo cảm xúc” - Reuters ngày 14/7 dẫn lời một quan chức ngoại giao Mỹ xác nhận.

Nguồn tin này cũng cho biết chiến dịch diễn ra âm thầm nhằm tránh hiểu lầm rằng Mỹ dẫn đầu một liên minh đối phó với Bắc Kinh.

Các nguồn tin khác cho biết thông điệp này được chuyển đến các nước ASEAN như Philippines, Indonesia, Việt Nam thông qua các lãnh sự quán, phái đoàn ngoại giao.

Các quan chức cấp cao của Mỹ như Bộ trưởng quốc phòng Ashton Carter, ngoại trưởng John Kerry cũng tham gia trao đổi trực tiếp với quan chức cấp cao của các nước.

Chiến dịch được triển khai ngay sau phán quyết của PCA hôm 12/7, theo đó bác bỏ tuyên bố chủ quyền lịch sử của Trung Quốc bên trong đường chín đoạn mà Bắc Kinh tham vọng độc chiếm trên Biển Đông.

Các quan chức Mỹ hi vọng nỗ lực ngoại giao này sẽ thành công ở Indonesia, trong bối cảnh Jakarta chuẩn bị đưa hàng trăm ngư dân ra vùng biển Natuna để khẳng định chủ quyền, và ở Philippines, nước thường xuyên bị các tàu cá và tàu hải quân Trung Quốc quấy phá.

Trung Quốc nói một đằng làm một nẻo

Bộ trưởng Quốc phòng Philippines mới đây tiết lộ rằng trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Mỹ Ashton Carter sau phán quyết, ông Carter đã nói rằng phía Trung Quốc sẽ kiềm chế và kêu gọi Mỹ cũng làm vậy.

Nhưng theo Reuters, Trung Quốc hôm 13/7 đã đưa hai máy bay dân sự hạ cánh ở hai sân bay mà nước này xây dựng trên các bãi đá chiếm đóng trái phép thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Điều này khiến Mỹ lo ngại sẽ làm gia tăng căng thẳng trong khu vực. “Chúng tôi không có lợi lộc gì trong chuyện này ngoài niềm tin vào sự tự do đi lại - người phát ngôn Mark Toner của Mỹ nói - Điều chúng tôi muốn thấy ở khu vực đang rất căng này là sự lắng dịu căng thẳng và muốn các bên dành thời gian nghĩ về việc làm sao để tìm một cách tiến tới trong hòa bình”.

Tuy nhiên một quan chức quốc phòng Mỹ nói rằng trong trường hợp vận động ngoại giao thất bại và căng thẳng tiếp tục leo thang, hải quân và không quân Mỹ sẵn sàng vào cuộc để gìn giữ tự do đi lại trên biển và trên không ở Biển Đông.

Nghị sĩ dân chủ Ben Cardin, thành viên cấp cao của Ủy ban đối ngoại Thượng viện Mỹ, cho biết khả năng đối đầu trên Biển Đông sẽ giảm xuống nếu các nước như Philippines, Việt Nam, Indonesia phối hợp với Mỹ thay vì hành động riêng rẽ.

“Tôi nghĩ Trung Quốc không muốn đối đầu với Mỹ" - ông Cardin nói.

Phán quyết của PCA dự kiến sẽ là chủ đề nóng lại cuộc họp vào cuối tháng này của các nước ASEAN tại Lào. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị sẽ tham dự cuộc họp này.


Theo Trần Phương - Tuổi trẻ

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X