Hotline 24/7
08983-08983

Mũi khoan thứ 2 đã đến nơi 12 nạn nhân mắc kẹt

Mũi khoan thứ 2 từ cửa xả sau hầm đã đến nơi các công nhân gặp nạn hầm thủy điện Đạ Dâng (Lâm Đồng). Mũi này được thông mang lại nhiều hy vọng cho nhóm công nhân đang mắc kẹt.

Mũi khoan thứ 2 đã đến nơi 12 nạn nhân mắc kẹt
Công việc đào ngách phụ tiến triển khá tốt. Ảnh: Trường Nguyên

12h30, phóng viên Trường Nguyên từ hiện trường cho biết sau khi nổ mìn phá đá thành công, việc đào ngách bên phải hầm chính khá thuận lợi, đã sâu được 15 mét. Như vậy còn khoảng 15 mét nữa là đến nơi các nạn nhân gặp nạn. Hầm nay cao trên 1,2 mét, phụ trách ngách này là các công nhân có kinh nghiệm của Tập đoàn Than - khoáng sản.

12h, hiện mũi khoan thứ 2 tạm thời dừng để công nhân trộn hỗn hợp bột hóa chất vào nước rồi bơm vào lỗ khoan. Hỗn hợp này có tác dụng bịt kín, chống thấm quanh thành ống, tránh nước thẩm thấu xuống hầm theo mũi khoan.

11h45, theo phóng viên Hải An, hiện mũi khoan thứ 2 trên đỉnh đồi đã đi được 11 mét. Ngày hôm qua, một mũi khoan tại đây khi xuống đến 42 m thì bị gãy, buộc đơn vị cứu hộ phải tìm điểm khác để khoan. Mũi khoan thứ 3 dự kiến bắt đầu vào đầu giờ chiều nay, cách mũi thứ 2 khoảng 10 m. Xe ủi đang san mặt bằng để lắp đặt dàn khoan.  

11h20, theo các bác sĩ BV Chợ Rẫy có mặt tại hiện trường, nhiều ngày nay 12 công nhân chỉ uống sữa, cháo nên sức khỏe có suy giảm. Do đó, đội cấp cứu đã chuyển 50 túi dung dịch nhiều dinh dưỡng vào trong hầm, tuy nhiên, vì điều kiện khó khăn nên mới chỉ chuyển được 8 túi.

Mũi khoan thứ 2 đã đến nơi 12 nạn nhân mắc kẹt
Các công nhân trộn hỗn hợp để cho vào lỗ khoan. Ảnh: Hải An

Đây là loại dung dịch rất giàu dinh dưỡng, giúp nạn nhân chống lạnh và tăng khả năng đề kháng của cơ thể.

11h, bà Trương Thị Mai - Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội - đã có mặt để thị sát công tác cứu hộ, động viên các đơn vị.

10h50, tại hiện trường có hàng chục y bác sĩ túc trực. Phương án cấp cứu cho các nạn nhân cũng được đưa ra. Theo đó, sẽ có 3 tổ cấp cứu: Tổ 1 gồm 3 bác sĩ, 10 điều dưỡng vào trong hầm cấp cứu 12 nạn nhân khi nhận được thông tin; Tổ 2 gồm 2 bác sĩ và 3 điều dưỡng đứng ở cửa hầm để đón nạn nhân; Tổ 3 gồm 4 người ở tại lán y tế.

10h40, theo phóng viên Khải Hoàng, ngách cứu nạn bên phải của hầm chính được các đơn vị cứu hộ của Tập đoàn Than - Khoáng sản đào được 18 mét. Như vậy còn khoảng 15 mét nữa là tiếp cận được cán nạn nhân.

Trong khi đó, tại cửa hầm phía sau, người nhà nạn nhân đang đợi thư của các công nhân được chuyển ra qua ống dẫn.

10h20, các chuyên gia kỹ thuật đã cho nổ mìn phá đá thành công tại nhánh hầm phụ bên phải đường hầm chính. Hiện chướng ngại vật ở nhánh này đã được phá bỏ, công tác đào đang rất thuận lợi. 

"Phương án nổ mìn phá đá trong hầm đã được các chuyên gia tính toán tỉ mỉ và chính xác, đảm bảo an toàn tuyệt đối", một chuyên gia chia sẻ.

Về lá thư của Phó chủ tịch tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Văn Yên gửi động viên qua đường ống, các công nhân đã nhận được nhưng chưa thể hồi âm vì điều kiện bên trong chưa cho phép.

10h, phóng viên Trường Nguyên dẫn lời Bí thư tỉnh uỷ tỉnh Lâm Đồng cho biết hiện tại lực lượng tham gia cứu hộ lên đến 700 người. Tinh thần, sức khoẻ của các công nhân mắc kẹt hiện rất tốt. Các bác sĩ của BV Chợ Rẫy (TPHCM) đã truyền được dung dịch dinh dưỡng cho các công nhân nên sức khoẻ của họ nhanh chóng hồi phục.

Hiện sực liên lạc của lực lượng cứu hộ với các nạn nhân trong hầm luôn thông suốt và khá tốt. Sau khi mũi khoan phía hạ lưu thông được vách hầm đến với các công nhân, nước đã rút ra ngoài rất nhiều. Hiện các chuyên gia đang yêu cầu các công nhân mắc kẹt đánh dấu mực nước để tính tốc độ thoát nước ra ngoài.

9h45, ông Nguyễn Hữu Hùng - Phó tham mưu trưởng Binh chủng Công binh, Bộ Quốc phòng - cho biết: "Đường hầm bên phải do các kỹ sư mỏ từ Quảng Ninh đào đang gặp phải đá cứng, lực lượng cứu hộ đang tính tới phương án cho nổ mìn".

9h30, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng cho biết đang tính đến phương án thuê các chuyên gia nước ngoài tham gia công tác cứu hộ. 

Sáng nay, huyện Lạc Dương có nắng ấm, thuận lợi cho công tác cứu hộ.

Mũi khoan thứ 2 đã đến nơi 12 nạn nhân mắc kẹt
Mũi khoan tại cửa hầm phía hạ lưu đã thông. Ảnh: Trường Nguyên

9h20, hiện tại mũi khoan tại cửa hầm phía hạ lưu đã được thông. Rất nhiều nước và bùn cát được đưa ra ngoài. Mũi hầm này được thông mang lại nhiều hy vọng cho nhóm công nhân đang mắc kẹt. 

Về lá thư được gửi khuya 18/12, đến nay các công nhân vẫn chưa hồi âm.

9h, phóng viên Trường Nguyên cho biết hơn 36 giờ khoan liên tục, mũi khoan bên phải cửa hầm hạ lưu (hầm xả) đã sắp xuyên qua được lớp tường dầy 60 m đến với các công nhân.

Rạng sáng 19/12, nhiều công nhân ở cửa hàm hạ lưu vui mừng thông báo mũi khoan đường kính 6 cm đã vượt mức 55 m, chỉ còn khoảng 5 m nữa sẽ thông vào nơi các công nhân đang mắc kẹt. 

Tất cả mọi người vui mừng vì nếu thông được mũi khoan này, các nhu yếu phẩm, vật dụng chống rét sẽ chuyển được đến các nạn nhân, giúp thoát nước trong hầm ra nhanh hơn. Nếu tiếp tục thuận lợi, mũi khoan này có thể được thông vào chiều hôm nay.

Mũi khoan thứ 2 đã đến nơi 12 nạn nhân mắc kẹt
Lực lượng cứu hộ iên tục chuyển gỗ vào để gia cố hầm. Ảnh: Hải An

Tại cửa hầm chính, hai nhánh hầm phụ hình vòng cung vẫn đang được khẩn trương thi công. Trong đó, nhánh hầm phụ bên phải đã đào được 15 m, nhánh hầm trái đào được 10 m. Theo một số thông tin, từ nhánh hầm phụ bên trái phải đào thêm một ngách khác nữa vì nhánh này đang gặp chướng ngại vật.

Về nhánh hầm đào thẳng từ đỉnh đồi xuống nơi các công nhân bị kẹt đang gặp nhiều khó khăn vì trước đó mũi khoan đào được 40m đã bị gãy, phải làm lại từ đầu nên tiến độ khá chậm.

Một kỹ sư cho biết, dù tình hình đang rất khả quan, tuy nhiên không loại trừ khả năng gặp khó khăn bất ngờ. Vị này cũng thông tin tình hình sức khỏe, tinh thần của các công nhân trong hầm vẫn ổn định, dù có vài người bị hạ thân nhiệt do lạnh sau 3 ngày ngâm trong nước.

8h30, ông Đặng Hồng Chiến, công nhân Công ty cổ phần Sông Đà 505 (là anh trai của nạn nhân nữ duy nhất đang bị mắc kẹt bên trong hầm Đặng Thị Hồng Ngọc) cho biết mỗi ngày, lượng cháo được đưa vào cho 12 công nhân được chia làm 6 lần, mỗi lần 20 lít, tổng cộng là 120 lít cháo/ngày. Nước suối, nước gừng được đưa vào mỗi ngày 3 lần, mỗi lần 5 lít, còn sữa thì 40 lít/ngày. 

8h, phóng viên Khải Hoàng thông tin đường hầm cứu nạn bên trái đã đào được 15 mét, hầm thứ 2 được hơn 10 mét, công việc của đội cứu hộ khá thuận lợi vì không gặp đá cứng. Nếu mọi việc thuận lợi thì chỉ còn khoảng 15 - 20 mét nữa là tiếp cận nơi 12 công nhân gặp nạn.  

Mũi khoan thứ 2 đã đến nơi 12 nạn nhân mắc kẹt
Các đội cứu hộ làm việc thâu đêm. Ảnh Hải An

7h30 ngày 19/12 (ngày thứ 4 cứu hộ 12 nạn nhân bị kẹt trong hầm thủy điện Đạ Dâng, xã Lát, huyện Lạc Dương, Lâm Đồng), theo phóng viên tại hiện trường, suốt đêm 18/12, hàng trăm chiến sĩ cứu hộ vẫn túc trực tại hiện trường thực hiện công tác cứu hộ 24/24 giờ để nhanh chóng giải cứu các công nhân vẫn đang mắc kẹt trong hầm thủy điện. Một xe đèn công suất lớn được điều động đến chiếu sáng khu vực.

Thông tin mới nhất từ lực lượng cứu hộ, tại cửa hầm phía hạ lưu, mũi khoan 6 cm khá thuận lợi. Đến gần 0h ngày 19/12, mũi khoan ở đây đạt hơn 50m, chỉ còn khoảng 10m nữa sẽ đến nơi khác nạn nhân bị kẹt.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X