Hotline 24/7
08983-08983

Mẹ của chiến sĩ hy sinh: "Đừng bỏ mẹ mà đi, Tú ơi!"

Ra đi khi mới tròn 20 tuổi, chiến sĩ Trương Văn Tú bỏ lại ước mơ đeo đuổi nghề y. Bà con lối xóm nghe tin ai cũng tiếc thương cho chàng trai trẻ hiếu thuận, lễ phép.

Chiều 17/12, gia đình chiến sĩ Trương Văn Tú (20 tuổi, ở xã Diễn Trường, huyện Diễn Châu, Nghệ An) chìm trong nỗi đau mất mát. Anh Tú là một trong 5 chiến sĩ hy sinh khi đi làm nhiệm vụ xây dựng đường tuần tra biên giới Việt - Lào thuộc địa phận tỉnh Quảng Nam. 

Căn nhà nằm giữa khối xóm cũng đông hơn thường ngày. Bạn bè, làng xóm đến chia buồn, góp tay dọn dẹp nhà cửa, sửa soạn bàn thờ để đón thi hài người con của quê hương về với đất mẹ.

Ngồi thẫn thờ giữa những người hàng xóm, ông Trương Văn Chiến (48 tuổi, bố anh Tú) thi thoảng lại lấy vạt áo lau nước mắt. Ông cho biết, gia đình nhận được hung tin từ 21h30 ngày 16/12. Và 8h sáng hôm sau, lãnh đạo đơn vị của anh Tú mới thông báo chính thức về cho gia đình.

“Lúc đầu chúng tôi không dám tin đó là sự thật, chỉ mong sao họ nhầm lẫn con mình. Nhưng đến khi theo dõi trên báo đài thì mọi người ai cũng bàng hoàng”, ông tâm sự.

Đang làm thuê ở Bắc Ninh, ông Chiến lập tức bắt xe về trong đêm. Sáng hôm sau về đến nhà thấy mọi người đã tập trung rất đông. Nghe tiếng vợ Trần Thị Sơn gào khóc gọi tên con, ông lặng đi.

“Thế là con ra đi thật rồi, trên xe tôi chỉ cầu mong về đến nhà nghe mọi người nói thông tin cháu nó hy sinh không phải là sự thật nhưng...”, ông Chiến bỏ lửng, mắt nhìn xa xăm.

Chiến sĩ
Chiến sĩ Trương Văn Tú (phải) trong một tấm ảnh được treo trang trọng ở khung ảnh của gia đình

Trương Văn Tú là con út trong gia đình có 2 anh em, bố mẹ đều làm nông nghiệp. Đầu năm 2013, sau khi tốt nghiệp THPT, anh xung phong lên đường nhập ngũ.

Nhờ có chí tiến thủ, sau khi vào quân ngũ, Tú được đưa đi huấn huyện tại Quảng Ninh rồi về Hải Phòng tham gia lớp học y tá quân y. Ra trường anh được phân về Đoàn 885, Lữ đoàn công binh E83 (Bộ tư lệnh Vùng 3 Quân chủng Hải quân).

Gần 2 năm tham gia nghĩa vụ quân sự, Tú ít khi nghỉ phép. Sau khi về Vùng 3 Hải quân huấn luyện, anh vinh dự được 2 lần ra công tác ở Trường Sa. Theo đánh giá của cấp trên, Tú là y tá giỏi, tận tâm, luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

“Nó là người sống rất tình cảm, mỗi lẫn gọi điện về cho vợ chồng chúng tôi nó đều hứa sẽ cố gắng rèn luyện tốt, chấp hành kỷ luật và không quên hỏi thăm mọi người trong xóm”, ông Chiến nói.

Tháng 8 vừa qua, chiến sĩ trẻ này được về nghỉ phép. Thời gian ngắn, Tú không đi chơi mà tận dụng giúp bố mẹ trong công việc đồng áng. Bà con trong xóm ai cũng khen vợ chồng ông Chiến tốt số vì có đứa con hiếu thảo.

Bà Sơn (áo hoa) từ lúc nghe tin con gặp nạn đến giờ chỉ biết khóc ngất gọi tên con. Bà được những người phụ nữ láng giềng ngồi cạnh chăm sóc.
Bà Sơn (áo hoa) từ lúc nghe tin con gặp nạn đến giờ chỉ biết khóc

Ngồi trên chiếc giường cũ kỹ, bà Sơn được những người hàng xóm tới hỏi thăm, chăm sóc. Từ lúc nhận được hung tin, bà không ăn uống gì mà chỉ ngồi khóc gọi tên con khiến ai cũng thấy xót xa. Chỉ mới cách đây ít hôm, Tú gọi điện cho bà nói là Tết này sẽ được về sum họp với gia đình, vậy mà giờ đã ra đi mãi mãi.

“Con ơi, sao con nói Tết về với bố mẹ, anh trai mà giờ lại nằm lạnh nơi đất khách quê người vậy? Mọi người hãy gọi con tôi về đi, đừng bỏ mẹ mà đi Tú ơi!”, tiếng khóc của bà Sơn khiến nhiều người không cầm được nước mắt.

Theo lời bà Sơn, mỗi lần tâm sự với mẹ qua điện thoại, Tú đều vạch ra những ước mơ, dự định cho tương lai của mình sau khi kết thúc đợt huấn luyện nghĩa vụ quân sự. Theo đó, anh sẽ học tiếp để trở thành một y tá giỏi. Thế nhưng giờ đây mọi thứ đều tan biến. Nghĩ đến đây nước mắt người mẹ lại trào ra.

Nhiều người không phải là thân thích nhưng khi nhìn lại những bức ảnh của chiến sĩ Tú đều rơm rớm nước mắt.
Nhiều người không phải là thân thích nhưng khi nhìn lại những bức ảnh của chiến sĩ Tú đều rơm rớm nước mắt

Những hàng xóm có mặt tại gia đình ông Chiến cũng bày tỏ tiếc thương cho cuộc đời ngắn ngủi của người chiến sĩ. “Thằng Tú nó ngoan hiền, lễ phép và sống biết kính trên, nhường dưới. Ở trong xóm này ai cũng quý nó. Cháu ra đi, để lại nỗi đau khôn nguôi cho gia đình và mọi người”, bà Chu Thị Trí (55 tuổi) Chiến chia sẻ.

Còn ông Trần Đức Hùng (52 tuổi) than thở: “Nó là bạn học cùng đứa con thứ 3 của tôi. Là người trong xóm nên nó hay qua nhà chơi, học cùng bạn. Tôi thấy nó hiền lắm, sao ông trời lại bắt nó đi như thế?”.

Sáng 17/12, những người thân của chiến sĩ Trương Văn Tú đã vào Đà Nẵng làm thủ tục chuẩn bị đón thi thể của anh về quê nhà. Dự kiến, trưa 18/12, di hài của chiến sĩ trẻ sẽ về tới quê nhà.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X