Hotline 24/7
08983-08983

"Luật báo chí mới sẽ đảm bảo tốt hơn quyền tự do ngôn luận"

Luật báo chí mới sẽ đảm bảo tốt hơn nữa quyền tự do ngôn luận, quyền tiếp cận thông tin của công dân phù hợp với điều kiện phát triển của đất nước.

Sáng nay (28/05/2014), tại TPHCM, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức Hội thảo "Góp ý xây dựng Luật Báo chí" khu vực phía Nam.

Chủ trì hội thảo có ông Trương Minh Tuấn - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, ông Nguyễn Thế Kỷ - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, ông Phạm Quốc Toàn - Phó chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam.

Tham dự còn có đại diện các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, đại diện các tổ chức chính trị xã hội, các Ủy ban của Quốc hội, lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM, lãnh đạo các cơ quan báo, đài khu vực phía Nam.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn cho biết: Bộ Thông tin và Truyền thông được giao chủ trì soạn thảo Luật Báo chí trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp tháng 10/2015.

 - 1Hội thảo đang diễn ra tại TPHCM

Qua tổng kết 15 năm thi hành và xu hướng phát triển của báo chí thời gian tới, đồng thời thể chế hoá các nguyên tắc, quan điểm của Đảng về công tác tư tưởng, lý luận và báo chí trước yêu cầu mới, Bộ TT&TT xác định việc xây dựng Luật Báo chí lần này phải đáp ứng các yêu cầu:

Thứ nhất, Luật Báo chí phải nhằm đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước; tạo điều kiện thuận lợi cho báo chí phát triển đúng định hướng, đúng pháp luật, phục vụ có hiệu quả công cuộc công nghiệp, hiện đại hóa đất nước.

Thứ hai, triển khai thực hiện quy định của Hiến pháp năm 2013, trong đó có quy định mới hết sức quan trọng đó là: "Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định".

Vì vậy, Luật Báo chí mới phải đảm bảo những quy định trong luật đáp ứng tốt hơn nữa quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí và đặc biệt là quyền tiếp cận thông tin của công dân phù hợp điều kiện phát triển của đất nước.

Thứ ba, các quy định trong Luật Báo chí cần khắc phục những bất cập, những vấn đề chưa đầy đủ, chưa hoàn chỉnh, chưa đáp ứng được yêu cầu do sự phát triển nhanh chóng của tình hình mới ở trong nước và trên thế giới; đồng thời đảm bảo sự thống nhất với các quy định của pháp luật có liên quan, tạo điều kiện cho báo chí phát triển.

Thứ tư, khắc phục những mặt hạn chế, thiếu sót của hoạt động báo chí như trong thời gian qua do các quy định pháp luật còn thiếu hoặc chưa rõ ràng; đề cao trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ của các cơ quan báo chí, nhà báo; trách nhiệm của toàn xã hội đối với hoạt động báo chí, góp phần thực hiện thắng lợi đường lối, chính sách của Đảng vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Thứ năm, việc xây dựng Luật Báo chí trên cơ sở tổng kết 15 năm thi hành Luật Báo chí năm 1989, Luật sửa đổi, bổ sung năm 1999 và xu hướng phát triển của báo chí thời gian tới; cần cụ thể hóa và đưa vào luật các quy định đã thực hiện thời gian qua còn phù hợp mà trước đây được quy định tại các văn bản dưới luật; cố gắng cụ thế các quy định trong luật để có thể áp dụng ngay, tránh nhiều văn bản hướng dẫn.

Trước đó, vào ngày 21/05/2015, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức hội thảo xin ý kiến góp ý của đại diện các bộ, ngành; đại diện lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh phía Bắc; đại diện các cơ quan báo chí, Đài phát thanh - truyền hình ở Trung ương và các tỉnh phía Bắc.

Tại Hội thảo lần này, Thứ trưởng Trương Minh Tuấn đề nghị những người tham dự cho ý kiến về kết cấu và những nội dung quy định trong dự thảo Luật Báo chí để Tổ chức biên tập tổng hợp, chỉnh sửa, hoàn thiện dự thảo.

Theo Hà Anh - Khám phá

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X