Hotline 24/7
08983-08983

Làm ăn ở Triều Tiên như đầu tư mạo hiểm

Giới doanh nhân khẳng định họ vẫn có lãi, song cũng phải chịu rất nhiều rủi ro khi đầu tư ở Triều Tiên do các lệnh trừng phạt, cơ sở hạ tầng xuống cấp...

Triều Tiên có thể là quốc gia khắc nghiệt với việc kinh doanh bậc nhất thế giới, nhưng nhiều doanh nhân cho biết nước này rất có tiềm năng với các nhà đầu tư mạo hiểm. Trong một sự kiện được coi là "hội thảo kinh doanh đầu tiên về Triều Tiên", được tổ chức tại Đại học Kyungnam (Hàn Quốc), các doanh nhân và cố vấn nước ngoài đã chia sẻ về kinh nghiệm của mình.

Quan hệ thương mại và đầu tư giữa hai miền Triều Tiên đã đình trệ từ sau việc Bình Nhưỡng đánh chìm một tàu chiến Hàn Quốc năm 2010. Việc này đã tạo cơ hội cho Trung Quốc lấp đầy khoảng trống tại đây. Tuy nhiên, ngoài Trung Quốc, doanh nhân nhiều nước khác cũng đã có mặt tại Triều Tiên. Khi thế giới trải qua quá trình toàn cầu hóa, hàng hóa Triều Tiên cũng lặng lẽ góp mặt trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

"Triều Tiên từng được gọi là một trong những quốc gia cô lập nhất thế giới", Paul Tjia - một nhân viên tư vấn làm việc cho GPI Consultancy đánh giá, "Nhưng giờ mọi chuyện khác rồi".

Chỉ vào bức ảnh một sản phẩm thời trang cho nữ giới, ông cho biết sợi này nhập từ New Zealand, còn cúc lấy từ Italy. Tuy nhiên, việc dệt vải lại được thực hiện ở Triều Tiên và sản phẩm hoàn thiện tại Trung Quốc. "Trên nhãn có ghi 'Made in China', nhưng phần lớn công đoạn được thực hiện ở Triều Tiên", ông nói.

Tjia khen ngợi ngành dệt may của Triều Tiên và cho biết giá lao động ở đây rẻ nhất châu Á. Dù vậy, lao động nước này lại có tay nghề cao, nhà máy thì sạch sẽ và rộng rãi hơn Trung Quốc hay Bangladesh. Những nhà buôn châu Âu thường đưa vải vóc mẫu cho công nhân Triều Tiên, và nhận lại sản phẩm chất lượng tốt chỉ trong một hoặc hai ngày.

Dù vậy, Tjia cho rằng công nghệ thông tin, đặc biệt là nhập liệu, sản xuất phần mềm và hoạt họa mới là các ngành tiềm năng. Ông cho biết công nhân Triều Tiên đã tự học tiếng Latin để nhập liệu cho một trường đại học châu Âu muốn số hóa thư viện. Một số doanh nghiệp châu Âu muốn số hóa danh bạ để làm marketing cũng dùng nhân công Triều Tiên.

Theo Tjia, Triều Tiên đang làm nhiều công việc phức tạp khác trong ngành công nghệ thông tin cho khách hàng nước ngoài. Trong đó có thiết kế phần mềm ngân hàng Hồi giáo cho một nhà băng Trung Đông.

lam-an-o-trieu-tien-nhu-dau-tu-mao-hiem

Bên trong một siêu thị ở Triều Tiên. Ảnh: BBC

Tài nguyên thiên nhiên của Triều Tiên cũng được cho là đang có mặt trên toàn cầu. Tony Michell - người sáng lập Công ty Tư vấn Doanh nghiệp Á - Âu cho biết vàng khai thác từ Triều Tiên được sử dụng trong sản phẩm của 65 công ty quốc tế năm 2014, theo báo cáo của giới chức Mỹ.

Bất chấp căng thẳng chính trị giữa Bình Nhưỡng và các nước láng giềng, nhiều chuyên gia cho rằng Triều Tiên là một trong những nơi có vị trí chiến lược nhất để kinh doanh. "Đây là một địa điểm tuyệt vời, nằm gần nền kinh tế lớn thứ nhì và thứ ba thế giới (Trung Quốc và Nhật Bản), gần cả Hàn Quốc và Nga nữa", James Min - giám đốc cấp cao hãng chuyển phát DHL cho biết. DHL hiện cũng hoạt động tại Triều Tiên.

Ông Min cho biết một lý do nữa để hoạt động tại Triều Tiên là "lợi ích cho những người đến đầu tiên là rất lớn". Dù vậy, nhiều người vẫn nghi ngờ liệu các công ty này có thể có lãi khi kinh doanh tại đây hay không.

Những doanh nhân giàu kinh nghiệm khẳng định là có. Một phần vì kinh tế tư nhân đã dần len lỏi vào Triều Tiên, sau nạn đói nghiêm trọng thập niên 90. Những người còn sống sau thời kỳ đó hiểu rằng họ cần thay đổi để tự bảo vệ. Dù không có số liệu chính thức, nhiều nhà quan sát cho rằng phần lớn người Triều Tiên đang sống nhờ vào nền kinh tế thị trường, chủ yếu nhờ giao dịch qua biên giới với Trung Quốc.

Từ khi nhà lãnh đạo Triều Tiên - Kim Jong Un lên nắm quyền năm 2012, ông đã tăng cường củng cố kinh tế. Giới chuyên gia cũng lạc quan về hai chương trình cải tổ đang được thực hiện khá thận trọng. Một là tăng quyền tự chủ cho các nhà máy và trang trại của nhà nước. Và một là lập các đặc khu kinh tế. Hiện Triều Tiên đã có hơn 20 đặc khu kinh tế, với nhiều ưu đãi về thuế và thuê đất.

Những người thường xuyên tới Triều Tiên nhận xét kinh tế nước này có suy yếu, nhưng không sụp đổ vì các lệnh trừng phạt của quốc tế. Thủ đô Bình Nhưỡng vẫn đang phát triển. Mọi người mua điện thoại di động, nuôi thú cưng, đi taxi và bắt đầu du lịch vòng quanh đất nước. Quán ăn, quán cà phê và trung tâm thương mại cũng ngày càng xuất hiện nhiều trên các con phố.

"Trong vài năm qua, số người biết thưởng thức cà phê đã ngày một tăng. Họ lục tung cả thành phố để tìm nơi ngon nhất", Ri Hyon A - nhân viên pha chế tại một quán café nổi tiếng ở Bình Nhưỡng cho biết, "Chúng tôi có nhiều khách quen lắm".

lam-an-o-trieu-tien-nhu-dau-tu-mao-hiem-1

Quán cà phê Ri Hyon A làm việc có rất nhiều sản phẩm. Ảnh: AP

Quán của Ri chỉ là một trong hàng trăm quán café tại Bình Nhưỡng. Họ mở cửa từ tháng 1 và bán đủ thứ, từ caramel macchiato tới sinh tố dâu. Hạt cà phê được nhập khẩu từ Trung Quốc mỗi tháng.

"Người Triều Tiên thích cappuccino nhất", Ri cho biết. Cô từng tới Trung Quốc học nghề và đã thử Starbucks. "Tôi uống rồi, nhưng không thấy thích lắm", Ri nói.

Còn tại một trung tâm thương mại ở Bình Nhưỡng, khách hàng đang bận rộn đổi đôla Mỹ và NDT Trung Quốc sang won Triều Tiên. Họ sẽ dùng số tiền đó để mua vô vàn hàng nhập khẩu tại đây. Ví dụ, một chai bia Nhật Bản có giá 35.000 won Triều Tiên, tương đương 4,5 USD theo tỷ giá ở trung tâm này.

Tuy vậy, việc kinh doanh tại Triều Tiên vẫn là một thách thức lớn. "Đầu tư mạo hiểm tức là 3 trong 10 dự án có thể có lợi nhuận. Nhưng ở Triều Tiên, việc này là siêu mạo hiểm, vì có thể chỉ là một trên 10 thôi", Michell cho biết.

Bên cạnh đó, thủ tục hành chính cũng là vấn đề, khi chính các cơ quan nhà nước còn cạnh tranh lẫn nhau. Và việc chuyển tiền ra khỏi nước này cũng khó khăn do các lệnh trừng phạt của Mỹ. Bên cạnh đó, hệ thống viễn thông chỉ dành cho người nước ngoài lại không kết nối với mạng trong nước. Và người Triều Tiên cũng ít được tiếp cận với Internet, chủ yếu giới hạn trong mạng nội bộ.

Cơ sở hạ tầng ở Triều Tiên đang xuống cấp. Hệ thống điện và đường sắt không hoạt động trơn tru. Đường bộ cũng nhiều ổ gà. "Luật pháp ở đây còn nhiều lỗ hổng lắm", Andray Abrahamian - Giám đốc Chosun Exchange - một tổ chức phi đào tạo chính phủ cho biết, "Anh phải tin tưởng những người mình làm việc cùng".

Bên cạnh đó, Triều Tiên đang phải chịu nhiều lệnh trừng phạt từ Liên Hợp Quốc, Mỹ, Liên minh châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản và nhiều nước khác. "Anh cần cố vấn luật tốt và tuân thủ các quy định chặt chẽ, để không vi phạm các lệnh trừng phạt này", Min cho biết. Dĩ nhiên, bạn cũng phải tìm hiểu kỹ về đối tác Triều Tiên để đảm bảo họ không nằm trong danh sách đen. Ở Bình Nhưỡng có các hãng luật quốc tế chuyên cung cấp dịch vụ này.

Dù vậy, đến nay, rất nhiều thương hiệu lớn vẫn chưa nhảy vào Triều Tiên. "Cơ hội đầu tư cỡ vừa và nhỏ ở đây thì nhiều lắm. Nhưng đầu tư lớn thì vẫn bị ràng buộc bởi chính trị", Min giải thích

Theo số liệu của CIA Factbook, nền kinh tế Triều Tiên có quy mô khá nhỏ, với GDP chỉ khoảng 40 tỷ USD. Con số này thấp hơn rất nhiều so với khoảng 1.300 tỷ USD của Hàn Quốc. Tuy nhiên, Abrahamian cho rằng thế giới vẫn cần theo dõi sát và ủng hộ con đường cải tổ, thân thiện với doanh nghiệp mà Bình Nhưỡng đang hướng tới.

Theo Hà Thu - VnExpress/ Nikkei/BBC

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X