Hotline 24/7
08983-08983

Không có chuyện “câu giờ” để níu viện phí bệnh nhân

Để hướng tới văn minh bệnh viện, nhiều chuyên gia cho rằng, cần phải có sự thay đổi từ cả hai phía: Người thầy thuốc và bệnh nhân.

Trao đổi với PV Báo GĐ&XH, PGS.TS Trần Ngọc Lương, Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương cho rằng, trước hết, người thầy thuốc phải cố gắng thay đổi nhiều hơn. “Dĩ nhiên việc thay đổi phong cách phục vụ không phải chỉ ngày một ngày hai, mà phải thực hiện liên tục”, PGS.TS Trần Ngọc Lương nói.

Bộ Y tế mong muốn các bệnh viện cần tăng cường đào tạo kỹ năng mềm xử lý tình huống cho cán bộ y tế một cách thường xuyên. Ảnh: Chí Cường
Bộ Y tế mong muốn các bệnh viện cần tăng cường đào tạo kỹ năng mềm xử lý tình huống cho cán bộ y tế một cách thường xuyên. Ảnh: Chí Cường

Cần sự hợp tác từ hai phía

PGS.TS Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc BV Bạch Mai mong muốn có sự chia sẻ của người bệnh và sự hợp tác của người nhà bệnh nhân trong việc thực hiện các quy định của bệnh viện. Ông nói: “Yêu cầu của bệnh viện là không được mang chăn chiếu, xô chậu vào phòng điều trị, nhưng khi bảo vệ chặn lại thì người nhà lại cho rằng bệnh viện làm khó. Ở nước ngoài, muốn khám bệnh phải đăng ký trước nhiều tuần, nhiều tháng nhưng ở nước ta, đến bệnh viện là phải được khám ngay. Tại BV Bạch Mai, bệnh nhân đến xếp hàng từ 4g30 sáng, do đó 6g sáng chúng tôi đã thực hiện khám bệnh và khám đến khi hết bệnh nhân, tức là khoảng 6 - 7g tối. Mỗi ngày, bác sĩ phải làm việc khoảng 10 - 12 tiếng nên cũng rất áp lực”.

Cũng liên quan đến sự “hợp tác” giữa thầy thuốc và bệnh nhân, ngày 2/8, tại buổi giao lưu trực tuyến với chủ đề “Văn minh bệnh viện: Cần giải quyết nhiều vấn đề” do Bộ Y tế và Báo Người lao động tổ chức, trả lời câu hỏi của một độc giả cho rằng: “Ở nhiều bệnh viện lớn, có các thời điểm bệnh nhân nội trú quá đông so với số giường, dẫn đến phải nằm ghép hay nằm hành lang. Vậy bệnh viện có phương án nào để hạn chế bất tiện cho bệnh nhân, ngăn ngừa nhiễm khuẩn bệnh viện và làm cho không gian bệnh viện không bị nhếch nhác khi có người nằm ngay tại lối đi?”, PGS.TS Nguyễn Hoài Nam, giảng viên Trường ĐH Y Dược TPHCM cho rằng, nếu có sự hợp tác tốt giữa nhân viên y tế và bệnh nhân, thân nhân bệnh nhân thì vẫn có thể tìm ra câu trả lời hữu hiệu.

“Nếu bệnh viện quá đông, có thể cho bệnh nhân xuất viện sớm, giảm bớt ngày nằm viện khi bệnh nhân đã ổn định; phát triển các cơ sở điều dưỡng nhằm tiếp tục săn sóc người bệnh sau khi nằm viện. Ngoài ra, nên phát triển các cơ sở điều trị trong ngày. Ví dụ một số loại phẫu thuật có thể thực hiện trong ngày và bệnh nhân ra về vào buổi chiều”, PGS.TS Nguyễn Hoài Nam nói. Về phía bệnh nhân và thân nhân bệnh nhân, theo PGS.TS Nguyễn Hoài Nam, chỉ đến bệnh viện khám và điều trị khi thực sự cần thiết. Ví dụ những bệnh nhẹ như hắt hơi, sổ mũi, cảm sốt thông thường thì không nhất thiết đến bệnh viện mà nên đến khám ở hệ thống bác sĩ gia đình hay hệ thống y tế cơ sở và đặt niềm tin vào những bác sĩ này. Việc phát triển hệ thống bác sĩ gia đình cũng là một giải pháp rất tốt nhằm giảm tải cho các bệnh viện.

Do đó, trước ý kiến cho rằng bác sĩ và bệnh viện cố tình không cho người dân biết sớm bệnh tình để "câu giờ" buộc họ phải trả tiền viện phí, TS Nguyễn Đình Phú, Giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115 khẳng định: Hiện nay, Bệnh viện đang quá tải, cần rút ngắn thời gian nằm viện là tiêu chí chấm điểm chất lượng của bệnh viện hàng năm. Hàng tuần, hàng tháng đều có báo cáo tình hình bệnh nhân nặng, bệnh nhân nằm lâu và các nguyên nhân. Do vậy, không có tình trạng "câu giờ" nằm viện cho người bệnh.

Tăng cường tập huấn kỹ năng mềm cho cán bộ y tế

Bên cạnh đó, PGS.TS Nguyễn Hoài Nam cũng cho rằng, cũng do tình trạng quá tải cục bộ nên ở một số bệnh viện, cán bộ y tế rất ít khi có thời gian để cùng đối thoại với bệnh nhân hoặc người nhà. Chính vì vậy, trước khi hỏi hay đối thoại với thầy thuốc, bệnh nhân và thân nhân nên chuẩn bị trước cho mình những câu hỏi đi vào trọng tâm, ngắn gọn, súc tích và trong khi đối thoại, cố gắng tránh các câu hỏi lặp đi lặp lại nhiều lần, làm lãng phí thời gian. Nếu có nhiều thân nhân, trước khi đối thoại với nhân viên y tế, nên bàn bạc trước và chọn ra một người đại diện thì hiệu quả hơn nhiều.

Chia sẻ về những vụ việc bệnh nhân và người nhà "gây hấn" với cán bộ y tế thời gian gần đây, PGS.TS Nguyễn Hoài Nam cho rằng, điều này gây một áp lực rất lớn lên tâm lý của người thầy thuốc khiến công tác chuyên môn gặp nhiều trở ngại. "Đôi lúc, với cương vị người thầy thuốc, chúng tôi cảm thấy rằng không ai bảo vệ chúng tôi cả và cảm thấy rất đơn độc. Có những chuyện có thể giải quyết nhẹ nhàng, êm đẹp cho cả hai phía, nhưng vì một số áp lực tâm lý, thân nhân bệnh nhân lại có những hành động vượt ngoài tầm kiểm soát, không tôn trọng pháp luật, làm mất đi tình cảm tốt đẹp giữa thầy thuốc và bệnh nhân", PGS.TS Nguyễn Hoài Nam nói.

Cũng liên quan đến vấn đề ứng xử trong cơ sở y tế, TS Phạm Văn Tác, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Y tế) cho rằng, cán bộ y tế khi ngồi học trên ghế nhà trường ĐH Y - Dược chủ yếu học tập về chuyên môn y học. Do đó, các kỹ năng ứng xử trong xã hội chắc chắn còn nhiều hạn chế, cần phải hoàn thiện. Theo TS Phạm Văn Tác, để làm tốt việc này, Bộ Y tế mong muốn các bệnh viện cần tăng cường đào tạo kỹ năng mềm xử lý tình huống cho cán bộ y tế một cách thường xuyên, bởi họ cũng là những con người có xương thịt, do đó, mọi tình huống khi tiếp xúc trong xã hội đều phải có kiến thức và kỹ năng nhất định.

TS Phạm Văn Tác cho biết: “Trong giai đoạn tới, Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ đạo các trường ĐH, CĐ, Trung cấp Y - Dược cần tăng cường giảng dạy về kỹ năng ứng xử, giải quyết tình huống cho sinh viên. Có như vậy, khi họ là cán bộ y tế thực thụ, họ đã được trang bị cả kiến thức, kỹ năng về y học cùng các kiến thức kỹ năng về giao tiếp ứng xử để chủ động xử lý các tình huống trong quá trình làm việc, hướng tới sự hài lòng của các bên liên quan".

Trong tổng kết sau 1 năm thực hiện phong trào “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng người bệnh”, Bộ Y tế có đánh giá chỉ số hài lòng gần 88% là đã vượt yêu cầu về cải cách hành chính của Chính phủ (hơn 80% vào năm 2020). Một số người cho rằng mới chỉ thăm dò trên 10 bệnh viện mà đã khẳng định như vậy là hơi lạc quan.

TS Phạm Văn Tác, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Y tế) khẳng định: Đây là một cuộc đánh giá nhanh, độc lập, theo phương pháp cắt ngang, do Viện Chiến lược và Chính sách Y tế thực hiện cùng các nhà khoa học trực tiếp hỏi và trao đổi với cả hai phía: Người bệnh và thầy thuốc.

TS Phạm Văn Tác cho biết: "Chúng tôi có thể khẳng định, đây là kết quả tương đối khách quan và như vậy bước đầu, Quyết định 2151 về đổi mới phong cách thái độ phục vụ hướng tới hài lòng người bệnh đã được người dân và người bệnh đón nhận và đánh giá công tâm. Tuy nhiên, mọi việc vẫn phải tiếp tục để ngày càng hướng tới sự hài lòng của người bệnh tốt hơn. Thời gian tới, trong chương trình cải cách hành chính giai đoạn 2016 - 2020 của Chính phủ và giao Bộ Y tế thực hiện có đánh giá về sự hài lòng của người dân với các dịch vụ y tế công. Đồng thời, tiến tới Bộ Y tế sẽ có chủ trương xây dựng kế hoạch để các cơ quan đánh giá độc lập, gắn với xếp hạng bệnh viện và công khai hóa để mọi người dân biết”.


Theo Võ Thu - Gia đình và Xã hội

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X