Hotline 24/7
08983-08983

Khó xác định nhũ nhi bị sốt xuất huyết

Theo những nghiên cứu tại BV Nhi Đồng 1, thì tỷ lệ sốt xuất huyết (SXH) ở trẻ nhũ nhi chiếm 5-8% trường hợp mắc bệnh.

Đặc biệt, nhũ nhi bị SXH rất nguy hiểm do chẩn đoán khó và dễ lầm với các bệnh nhiễm siêu vi, viêm họng, bệnh tay-chân-miệng, nhiễm trùng tiêu hóa vì triệu chứng của bệnh SXH thường không rõ ràng.
 
Trẻ nhũ nhi bị SXH có thể sốt và kèm theo các triệu chứng khác như ho, sổ mũi, tiêu chảy, nhưng việc chẩn đoán rất khó trong giai đoạn đầu vì các xét nghiệm công thức máu sớm cũng không giúp chẩn đoán xác định đúng bệnh. Ngoài ra, một đối tượng khác cũng gặp nguy hiểm khi mắc SXH là trẻ dư cân, béo phì.
 
Điều trị SXH ở trẻ dư cân - béo phì gặp nhiều khó khăn trong vấn đề theo dõi, bù dịch vì phải tính lượng dịch truyền điều chỉnh theo cân nặng, chiều cao. Trẻ dư cân - béo phì khi truyền dịch cũng dễ bị nguy cơ cao huyết áp và suy hô hấp nhiều hơn so với trẻ bình thường. Những biến chứng về rối loạn chuyển hóa cũng thường dễ xảy ra hơn trên bệnh nhân béo phì và góp phần làm nặng thêm tình trạng SXH.

Hiện nay, nhiều bậc cha mẹ vẫn còn cạo gió, cắt lể làm cho da trẻ bị xuất huyết kéo dài, nhiễm trùng nặng thêm; dùng Aspirin để hạ sốt, giảm đau làm tăng nguy cơ xuất huyết tiêu hóa; cho trẻ ăn uống thức ăn có màu nâu, đen, đỏ như nước xá xị, coca, sôcôla, làm khó phân biệt với xuất huyết tiêu hóa khi trẻ bị ói; kiêng ăn uống quá mức do sợ trẻ ói nhiều, càng làm cho trẻ bị cô đặc máu, hạ đường huyết.

Trẻ bị sốt mặc quần áo quá dày vì sợ bị lạnh, càng làm cho trẻ khó hạ nhiệt và dễ bị co giật. Nếu vắt chanh vào miệng khi trẻ sốt cao, co giật làm trẻ dễ bị hít sặc hoặc càng có phản xạ co thắt thanh quản, ngưng thở kéo dài hơn; lau nước lạnh, rượu, cồn khi trẻ sốt cao nhằm hạ nhiệt độ nhanh nhưng làm cho trẻ bị lạnh run, co mạch, da nổi bông; truyền dịch quá sớm ở các phòng khám tư hoặc tại nhà do thấy trẻ ăn uống kém làm cho dịch thoát ra ngoài mô kẽ…
 
Phụ huynh chỉ có thói quen cho trẻ nằm ngủ mùng vào buổi tối, trong khi muỗi vằn gây bệnh SXH đốt người vào ban ngày và lúc sẫm tối.
 
Giai đoạn nặng của bệnh thường xảy ra vào ngày thứ ba-sáu khi sốt bắt đầu giảm. Trường hợp nặng, nếu không được điều trị kịp thời, trẻ bị trụy mạch hoặc xuất huyết trầm trọng, tổn thương đa cơ quan, có thể dẫn đến tử vong.
 
Khi trẻ bị đau bụng, ói nhiều, ói có máu, tiêu phân đen, chảy máu mũi, chảy máu răng, xuất huyết âm đạo, lừ đừ hoặc bứt rứt, tay chân lạnh, tiểu ít, nên cho bé đến bệnh viện ngay. Trẻ nhũ nhi, dư cân, phụ nữ có thai, người già hoặc có những bệnh lý mạn tính của tim, phổi, thận, bị SXH dễ diễn tiến nặng, nên cần phải chú ý theo dõi sát.

AloBacsi.vn (Theo Phụ nữ TPHCM)

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X