Hotline 24/7
08983-08983

Khổ qua - khổ tận cam lai

Bắt đầu sự nghiệp bằng trồng khổ qua rừng với các sản phẩm tận dụng được dược tính, nhưng phải vượt qua biết bao cơn khổ, đôi vợ chồng Thuận - Lộc ở Cần Thơ đang chờ ngày hái quả.


Thuận Lộc hiện tại cung cấp sáu loại sản phẩm, từ hạt giống, trà khổ qua rừng xắt lát, nguyên trái, trà dây, trà túi lọc, tới phân trùn quế và làm dịch vụ tưới nhỏ giọt, đôi vợ chồng này còn sẵn sàng hướng dẫn kỹ thuật nếu ai cần.

Không khổ làm sao qua

Khổ qua rừng được định danh khoa học Gymnopetalum, loài Momordica charantia và có cái tên mỹ miều “Cẩm lệ chi” hay “Lương qua”.

Mấy người bạn hóm hỉnh của Trương Hữu Thuận, chủ nhãn hàng Trà khổ qua rừng Thuận Lộc, tư vấn kiểu rừng xanh: “ậy, cứ vẽ hình Tarzan đu dây đi hái khổ qua rừng trên bổn hiệu cho vui mắt”.

Ý tưởng rừng xanh và giai thoại chưa được xét tới vì đôi vợ chồng son Trương Hữu Thuận, sinh năm 1979, và Hoàng Thị Hồng Lộc, sinh năm 1985, còn vướng víu điều gì đó trong thiết kế bộ nhận diện bổn hiệu trà khổ qua rừng Thuận - Lộc.

Cô vợ, Hồng Lộc, thú thiệt: rối rắm ở chỗ muốn ghi công dụng của trà để người tiêu dùng có thông tin đầy đủ giá trị sản phẩm, nhưng cơ quan chức năng địa phương cứ bảo không được, và phải ra Hà Nội vì ghi “hỗ trợ điều trị…”, mà như thế thì từ trà sẽ biến thành thực phẩm chức năng”.

Khi đã được trả lời là không được phép ghi, bất tuân thì sẽ bị phạt dù “khổ chủ” Thuận Lộc chưa từng được chỉ bảo những quy định này “toạ lạc” trong văn bản nào!?

“Tại sao đơn vị khác được phép ghi những nội dung có cùng ý đó, còn mình thì không? Sản phẩm mình tốt cho người đái tháo đường, lại có chức năng giải độc…”.

Anh chồng băn khoăn đọc từng chữ, còn cô vợ ấm ức, tự cật vấn, tự trả lời và tự an ủi nhau: hành trình khởi nghiệp của hai ta được đong bằng những trải nghiệm chông gai, hàng tháng trời học bài để thi đậu kỳ kiểm tra - đủ điều kiện kinh doanh, hàng buổi trời ngồi nghe hướng dẫn làm thủ tục đăng ký giấy phép, không biết bao nhiêu lần lui tới các cơ quan quản lý để hoàn thành thủ tục vận hành một cơ sở sản xuất…

Vậy thì… cứ tiếp tục học hỏi, lắng nghe để đừng bị phạt…

Cuối cùng thì những sản phẩm khổ qua rừng cũng qua cơn khổ để đến tay người tiêu dùng trong những hộp giấy với logo T&L và trên nhãn bao bì ghi: Hỗ trợ đái tháo đường, mỡ trong máu, gan nhiễm mỡ, thanh lọc cơ thể, giảm cân…

Khi Thuận say sưa với nông trại trồng khổ qua rừng, tạm ngưng việc kiếm sống “không đến nỗi tệ” từ nghề IT, Hồng Lộc không thể ngồi yên vì rắc rối đến với ông chồng, thì nửa kia là bà vợ cũng ê ẩm.

Đang giảng dạy ở khoa Kinh tế, đại học Cần Thơ, Hồng Lộc trực tiếp làm hồ sơ đăng ký kinh doanh, vậy mà mọi thứ giấy tờ cứ phải làm đi làm lại.

Cuối cùng, cô đành phải nhờ đến sự trợ giúp của các bạn bè rành thủ tục mới vượt qua những quy định tiểu tiết, mà nếu cứ chỉ nhận hồ sơ về tự điền vào là không thể được.

“Thời gian nhận - trả hồ sơ 15 ngày, vậy mà tới ngày thứ 10 họ kêu sửa lại. Lại phải khởi động lại từ đầu, chờ 15 ngày nữa. Những loại giấy tờ dễ bị bắt  lỗi câu chữ, rồi format… còn khó hơn luận án tiến sĩ”, Hồng Lộc bức xúc nói.

Xong hồ sơ, nào đã yên. Đến phần kiểm nghiệm mẫu cũng lại đau đầu. Hồng Lộc cho biết khi hướng dẫn bộ chỉ tiêu thì cơ quan kiểm nghiệm không yêu cầu, nhưng đến khi nộp mẫu kiểm định thì “họ yêu cầu kiểm lại chì vì hôm đó họ không kịp cập nhật chỉ tiêu này vô bộ nhớ”.

Tất cả các sản phẩm đều phải kiểm định, mà một sản phẩm phải kiểm tra rất nhiều chỉ tiêu, tốn mất hơn 2 triệu đồng. Thuận Lộc hiện có tổng cộng sáu sản phẩm. Xong xuôi, đến lúc đi làm hồ sơ công bố hợp quy, cô cũng phải đi tới đi lui.

Cuối cùng, người trả hồ sơ nói: “Người giữ con dấu đi ra ngoài, thôi chị cứ cầm về, chừng nào đem nhãn đi in phải lên đây đóng dấu mới được in”.

“Đóng dấu xong một tháng sau mới được đưa nhãn đã in ra thị trường, mất rất nhiều thời gian”, anh chồng bức xúc.

“Người thừa hành công việc biết thủ tục rắc rối và họ đã dành cả buổi hướng dẫn. Vấn đề là mặc định của trình tự thủ tục quy định từ trên, không ai dám làm khác”, Hồng Lộc chia sẻ.

“Có ai nói ý tưởng tốt lắm, chúng tôi sẽ giúp để sản phẩm sớm ra thị trường không?”, chúng tôi hỏi. “Ở đâu không biết chứ chỗ địa phương em thì chưa”, cô Hồng Lộc trả lời.

Vậy làm ăn khó quá như thế, nếu có ai đó gợi ý chuyển giao hay mua, hay nhượng quyền quy trình sản xuất từ gây giống, trồng tỉa, xử lý phân bò, phân dê nuôi trùn quế lấy phân bón khổ qua, làm bẫy côn trùng giăng hom chứa bột tỏi, long não, quy trình sấy trà… thì Thuận Lộc sẽ giao ngay để tìm đường thoát?

“Không được đâu! Nó như đứa con của mình mà, đâu thể bán được”, hai vợ chồng Thuận – Lộc trả lời.

Hành trình gập ghềnh của Thuận Lộc khiến cho anh chồng là Thuận phải bán một miếng đất chuẩn bị cất nhà ở TPHCM, lấy 600 triệu đồng để nuôi ý tưởng

Khổ tận cam lai

Tháng 4/2015, bộ đôi Trương Hữu Thuận và Hoàng Thị Hồng Lộc bắt đầu thành lập cơ sở sản xuất Thuận Lộc ở phường Phú Thứ, quận Cái Răng, TP Cần Thơ.

Động thái này được đôi vợ chồng trẻ trên mô tả như “ném đá dò đường”, dù cô Hồng Lộc từng theo học chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright và hiện đang là giảng viên khoa Kinh tế, trường đại học Cần Thơ.

Số vốn để gieo mầm ý tưởng là 10 triệu đồng, nhưng hành trình gập ghềnh của Thuận Lộc khiến cho anh chồng là Thuận phải bán một miếng đất chuẩn bị cất nhà ở TPHCM, lấy 600 triệu đồng để nuôi ý tưởng.

Thuận gác lại 15 năm làm thuê của mình bằng cách đi thuê lại 10 công đất ở khu dân cư để trồng khổ qua. Trung bình một công đất Thuận trồng 2.000 dây khổ qua rừng, cứ hai ngày thu hoạch một lần, mỗi tháng thu hoạch 300kg trái/công. Quy đổi 10kg tươi ra 1kg trà sấy khô trong mười giờ liền (loại xắt lát), loại nguyên trái phải sấy liên tục trong 30 giờ.

Việc đầu tư  trong suốt một năm qua ngốn hết số vốn có được do bán đất. Với sản lượng trà bán ra mỗi tháng, thu nhập của Thuận  Lộc khoảng 30 triệu đồng, tạm tính lời 10 triệu đồng.

Tuy nhiên, đánh giá hiệu quả đầu tư và ảnh hưởng tới thu nhập thì lời lỗ chưa phân định, dù Thuận Lộc tự tin nói trà khổ qua rừng sẽ có chỗ đứng nếu cứ trồng theo phương pháp hữu cơ, để giữ được dược tính và thông tin đầy đủ giá trị dược tính tới người dùng để nhiều người sử dụng.

“Mẹ và dì của tôi đã vượt qua bệnh hiểm nghèo nhờ kiên trì dùng trà này. Đấy là một cách chia sẻ kinh nghiệm sống cho những người đang mang bệnh tiểu đường, thấp khớp, rối loạn chức năng gan, thiếu máu”, Hồng Lộc nói.

Thuận  Lộc hiện tại cung cấp sáu loại sản phẩm, từ hạt giống, trà khổ qua rừng xắt lát, nguyên trái, trà dây, trà túi lọc, tới phân trùn quế và làm dịch vụ tưới nhỏ giọt, đôi vợ chồng này còn sẵn sàng hướng dẫn kỹ thuật nếu ai cần.

Nhiều người mua hạt giống của Thuận Lộc về trồng nay nhờ vốn liếng mạnh hơn đã làm ra sản phẩm tương tự để cạnh tranh với Thuận Lộc.

Cảm giác bị lấn lướt đôi khi cũng làm đôi bạn khởi nghiệp nao núng, nhưng bộ đôi khởi nghiệp này có vẻ hài lòng với việc đánh thức số đông hướng về tài nguyên thảo dược bản địa vô cùng phong phú, đa dạng từng bị bỏ quên.

Từ những ngày đầu, Thuận kiên nhẫn đi chào hàng cho các hàng quán, các cửa hàng thực dưỡng, đặc sản và đang tìm chỗ đứng tại các thành phố lớn như TPHCM và Hà Nội.

Một kinh nghiệm rất thực tế và hiệu quả được Thuận đúc kết: tham gia những cuộc thi của nhóm sáng tạo khởi nghiệp, vì đây được xem là nơi tụ nghĩa và sẻ chia - để nhận được những phân tích lỗ hổng trong xây dựng chiến lược, sửa ngay lỗi trên đường đi, có thêm kinh nghiệm chiến trường và nghị lực từ những lớp doanh nhân dạn dày trận mạc.

Theo Hoàng Lan - Thế giới tiếp thị

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X