Hotline 24/7
08983-08983

Hút thuốc lá, bị cưa chân tay: Có đáng không?

Thời gian gần đây, nhiều trường hợp nhập viện phải cưa tay, chân mà nguyên nhân xác định bị hoại tử do hút thuốc lá.

Hút thuốc lá, bị cưa chân tay 1
Một trường hợp bị hoại tử chân do hút thuốc lá.
Theo các chuyên gia, hút thuốc lá sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tắc động mạch. Nếu không được phát hiện kịp thời, bệnh nhân dễ bị hoại tử chi và có thể phải cắt bỏ hoàn toàn phần hoại tử.

Thuốc lá - nguyên nhân chính gây ra bệnh tắc động mạch

TS.BS Lê Văn Trường, Chủ nhiệm khoa Chẩn đoán và can thiệp tim mạch (BV TƯ Quân đội 108) cho biết, viêm tắc động mạch khá phổ biến, thường hay gặp ở nam giới.

Hậu quả là gây hẹp và tắc động mạch, khiến máu không đến được một số bộ phận trên cơ thể làm hoại tử. Tại khoa cũng thường xuyên tiếp nhận những trường hợp mắc bệnh này.

Anh Nguyễn Văn Toán ở Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) hút thuốc lá 14 năm nay. Mỗi ngày anh hút hết một gói thuốc. Gần đây, các móng tay của bàn tay trái "rụng" hết rồi ăn sâu vào trong, sau đó cả bàn tay và hai bàn chân còn lại cũng bị cụt dần các ngón. Anh Toán đã đi khám ở các khoa da liễu, cơ xương khớp ở địa phương, nhưng các bác sĩ không chẩn đoán ra bệnh.

Vào bệnh viện 108, sau khi xét nghiệm, chụp X-quang, các bác sĩ phát hiện bệnh nhân bị viêm tắc động mạch chi dưới gây thiếu máu nuôi chi nên tứ chi bị hoại tử và cụt dần. Các bác sỹ đã phải cắt bỏ hết phần bị hoại tử, mở thông mạch.

Nhiều trường hợp sau khi được tiến hành nối mạch máu, cứu chữa vẫn hút thuốc lá trở lại nên bệnh lại tái phát. Anh Lưu Minh Hán, 26 tuổi ở Phú Xuyên (Hà Nội) đã hút thuốc lá được 8 năm. Mỗi ngày, anh hút từ 1 - 1,5 gói thuốc lá.

Khi đến khám tại Khoa Chẩn đoán và can thiệp tim mạch (BV TƯ Quân đội 108), các bác sĩ nhận thấy động mạch chân của bệnh nhân Hán đã bị tắc, phải cắt cụt 3 ngón. Tuy nhiên chỉ được vài ngày, khi vết mổ tạm lành, các cơn đau dịu dần, anh lại tiếp tục hút thuốc lá khiến phần động mạch vừa nối lại bị tắc lần thứ 2. Vì thế, bác sĩ đành lòng cưa tiếp từ bàn chân cho đến gót.

Hay trường hợp ông N.V. T, 76 tuổi ở Nam Định đau đớn vì bàn chân trái còn lại cũng sắp bị cắt cụt. Người nhà bệnh nhân kể, đây là lần thứ hai gia đình đưa ông vào bệnh viện để đoạn chi. Lần đầu, các bác sĩ Bệnh viện tỉnh cắt bỏ cẳng chân bên phải, rồi đến BV 108 cắt cụt vài ngón ở hai bàn tay. Các bác sĩ cho biết, đây là hậu quả tình trạng không bỏ được thuốc lá của bệnh nhân. Ông T. đã hút thuốc lá từ năm 18 tuổi. Bắt đầu tuổi trung niên, ông "đốt" hơn 20 điếu thuốc mỗi ngày.

Theo TS.BS Trường, số lượng bệnh nhân nhập viện trong hai năm gần đây ngày càng tăng cao. Trước đây mỗi năm, tại khoa Chẩn đoán và can thiệp tim mạch, BV TƯ Quân đội 108 chỉ tiếp nhận 10- 20 bệnh nhân.

Nhưng 2 năm trở lại đây hàng năm có tới 100 - 150 bệnh nhân đến khoa điều trị mỗi năm, hàng tháng trung bình tiếp nhận 10 - 15 trường hợp. Điều đáng nói, hầu hết bệnh nhân đến viện muộn khi đã bị hoại tử chân nặng. Nguyên nhân là do bệnh nhân không biết bệnh, tự chẩn đoán, thường nhầm là do bệnh cơ xương khớp, viêm da, hoặc do tuổi già… Với những trường hợp nhiễm độc nặng, nhiều bệnh nhân phải cắt cụt chân khẩn cấp để cứu tính mạng.

Người dễ mắc bệnh tắc động mạch là những người hay hút thuốc lá, tiểu đường, tăng huyết áp, rối loạn chuyển hóa mỡ, ít vận động, béo phì... Đặc biệt, hút thuốc lá sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tắc động mạch. Người hút thuốc có nguy cơ mắc cao hơn 4 - 5 lần so với những người không hút thuốc lá. Tại khoa, 30 - 40 % lượng bệnh nhân vào viện điều trị có tiền sử hút thuốc lá, hút nhiều mỗi ngày trên 10 điếu hút liên tục trên 5 năm" - BS Trường cho biết.

Phát hiện sớm không phải cắt cụt chi

PGS TS Nguyễn Hoài Nam - Chủ tịch Hội tĩnh mạch học TPHCM cho biết, bệnh viêm tắc động mạch là một bệnh lý về mạch máu, biểu hiện bằng tình trạng viêm tắc các động mạch vừa và nhỏ của chi. Tình trạng này chủ yếu xảy ra ở chi dưới, chỉ có khoảng 40% các trường hợp là xảy ra ơ chi trên. Đa số bệnh nhân là đàn ông, tuổi trẻ dưới 40, hút nhiều thuốc lá. Các triệu chứng cơ bản của bệnh là tình trạng thiếu máu mạn tính như: đau cách hồi ở tay, kèm theo loét hoặc hoại tử đầu ngón.

Mỗi năm có khoảng 7% số bệnh nhân phải đoạn chi như vậy liên quan đến chứng nghiện hút thuốc lá. Tuy nhiên, vẫn còn trên 95% bệnh nhân tái hút thuốc lá mặc dù trước đó đã bị đoạn một phần tay hoặc chân. Với những người này, nguy cơ bị cắt cụt chân và tay vẫn tiếp tục nếu họ không đoạn tuyệt với thuốc lá.

Hút thuốc lá không gây ra cụt chân, cụt tay ngay nhưng trong quá trình hút thuốc, cơ thể hấp thu nhiều chất độc (trong khói thuốc lá có hơn 4.000 độc tố) làm tổn thương thành mạch máu, gây ra tình trạng viêm tắc động mạch gây thiếu máu.

Ở những phần cơ thể máu không chạy tới được sẽ bị thiếu oxy và chất dinh dưỡng, dần dần dẫn đến hoại tử. Phần hoại tử sẽ đổi màu tím đen, mất cảm giác và dễ nhiễm trùng. Nếu không cắt bỏ, chất hoại tử sẽ vào hệ tuần hoàn gây ra nhiễm trùng huyết và suy đa cơ quan.

TS.BS Lê Văn Trường lưu ý, ở giai đoạn sớm, bệnh nhân chưa có triệu chứng gì nổi bật, thường phát hiện tình cờ khi siêu âm hay chụp mạch. Giai đoạn hai bắt đầu ảnh hưởng đến sức lao động của người bệnh, xuất hiện đau, mỏi và co cứng bắp chân, đùi hoặc mông. Biểu hiện đau xuất hiện cách hồi.

Khi đi bộ phải dừng lại, ngồi nghỉ 1 lúc mới có thể tiếp tục đi được, thậm chí kể cả khi nghỉ cũng đau. Bệnh nhân đau bàn, ngón chân liên tục gây mệt mỏi, mất ngủ. Kèm theo đó là chân bị lạnh, da tái, móng chân có mủ, long chân bị dụng… nặng hơn, do thiếu máu nuôi dưỡng sẽ làm hoại tử chân, thậm chí cả đùi.

Các chuyên gia khuyến cáo, khi xuất hiện những triệu chứng trên, người bệnh cần đi khám bác sỹ chuyên khoa về can thiệp mạch, chứ không không nên đi khám cơ xương khớp. Nếu như bác sỹ can thiệp mạch loại trừ được bệnh thì đi khám cơ xương khớp sau cũng được. Nếu đến bác sỹ thần kinh, cơ xương khớp khám ngay có thể bỏ sót bệnh mạch máu thì rất nguy hiểm. Trong khi đó, nếu phát hiện sớm hoàn toàn không bị cắt cụt chi.
Nếu sau khi cắt bỏ đoạn đã hoại tử mà bệnh nhân lại vẫn hút thuốc lá thì kịch bản quay lại như lúc đầu. Mạch sẽ lại tắc các động mạch chỗ khác, hoại tử các ngọn chi còn lại, hoặc hoại tử dần dần lên cao hơn lúc đầu.

Vì vậy, bệnh nhân phải ngưng hút thuốc lá bằng mọi cách. Tốt nhất, người bệnh nên loại bỏ các yếu tố kích thích gây co thắt mạch máu như không hút thuốc, tránh tình trạng căng thẳng kéo dài về tâm và sinh lý. Chế độ ăn uống đầy đủ các chất và vitamin.
 
Theo TS.BS Lê Văn Trường
AloBacsi.vn
 Theo Phương Thuận - Gia đình & Xã hội

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X