Hotline 24/7
08983-08983

Hoài nghi ý tưởng ghép cơ thể của Trung Quốc

Cách đây 6 năm, Wang Huanming bị liệt từ cổ trở xuống sau một cuộc đấu vật với bạn. Giờ đây, ông hy vọng có thể đi lại bằng việc ghép một cơ thể mới vào đầu ông...

Dù theo đuổi chuyện ghép cơ thể, nhưng bản thân TS Ren Xiaoping phải thừa nhận ý tưởng này quá khó

Làm khoa học bất chấp đạo đức

Năm nay 62 tuổi, ông Wang, công nhân về hưu một công ty gaz, là một trong nhiều người Trung Quốc tình nguyện tham gia dự án ghép cơ thể ở một bệnh viện tại TP Harbin.

Nhưng theo các chuyên gia y khoa hàng đầu của thế giới và cả Trung Quốc, ý tưởng ghép cơ thể đang vượt quá những giới hạn thực hành và đạo đức khoa học.

Bởi ít nhất cho đến nay, ghép cơ thể là bất  khả thi vì ghép thần kinh ở tủy sống là cực kỳ khó khăn. Thất bại sẽ đồng nghĩa với việc bệnh nhân tử vong.

Tuy nhiên, đối với BS Ren Xiaoping của đại học y khoa Harbin, chuyên gia về phẫu thuật chỉnh hình, người tham gia ca ghép bàn tay đầu tiên ở Mỹ vào năm 1999, không có gì phải bàn lui.

Khi trả lời phỏng vấn, ông cho biết đang xây dựng một nhóm làm việc và cuộc phẫu thuật sẽ diễn ra “ngay khi chúng tôi sẵn sàng”.

Kế hoạch của ông là lấy hai chiếc đầu ra khỏi hai cơ thể người, nối mạch máu của cơ thể người cho chết với đầu người nhận, đưa một miếng kim loại để ổn định cái cổ mới, nhúng đầu dây thần kinh của tủy sống với một chất giống như keo để giúp chúng mọc lại và sau cùng là khâu da.

Dù cho ca ghép này có tiến hành hay không thì nó vẫn bị các chuyên gia y khoa hàng đầu lên án.

“Đối với nhiều người, ý tưởng là quá sớm và trong trường hợp xấu nhất phải gọi là liều lĩnh”,  James L. Bernat, giáo sư thần kinh của trường y khoa Geisel đại học Dartmouth nói.

Trong khi đó, trả lời phỏng vấn hồi cuối năm qua, TS Huang Jiefu, nguyên thứ trưởng bộ Y tế Trung Quốc, cho rằng khi cột sốt bị cắt ra, những dây thần kinh “không thể được nối lại, do đó về mặt khoa học ghép thân là bất khả thi”.

“Về mặc đạo đức cũng bất khả thi”, TS Huang nói thêm. “Làm thế nào bạn có thể đặt đầu người này vào thân người khác?”.

Giới phê bình cho rằng kiểu thực nghiệm y khoa như thế tại Trung Quốc chỉ để thỏa mãn tham vọng quốc gia, một dự án được nhà nước tài trợ hào phóng, chỉ quan tâm đến kết quả, thiếu tính minh bạch và trách nhiệm đối với thế giới bên ngoài.

Arthur L.Caplan, một chuyên gia y đức của đại học New York, nói: “Hệ thống Trung Quốc không bao giờ minh bạch. Tôi không tin vào chính sách hoặc những bàn luận về đạo đức sinh học của Trung Quốc. Khi y khoa có thêm sắc màu của chính trị, sự kiêu hãnh quốc gia và tiền bạc đổ vào thì khó biết được chuyện gì đang xảy ra”.

Cần nói thêm, theo Cục thống kê quốc gia Trung Quốc năm qua chính phủ nước này đã rót 216 tỷ USD vào phát  triển và nghiên cứu khoa học, gần gấp 6 lần con số của 10 năm trước đó.

Một dự án ngu dốt

TS Ren không phải là người duy nhất nghiên cứu chuyện ghép cơ thể. Ngoài ông còn có TS Sergio Canavero (Ý) và nhóm khoa học gia của Viện hàn lâm khoa học Nga. Nhưng cả hai nhóm này đều chưa triển khai kế hoạch cụ thể.

Trong khi đó, sau khi thực nghiệm ghép đầu chuột và những con vật này chỉ có thể sống được một ngày, TS Ren tuyên bố ông cũng bắt đầu thực hành ghép đầu trên xác người nhưng lại từ chối cho biết chi tiết.

Thực tế thì người ta cho rằng nếu việc ghép cơ thể thành công, điều này sẽ có ích cho những người mắc các bệnh ác tính ảnh hưởng đến chức năng cơ thể như teo cơ cột sống hoặc những người bị liệt như ông Wang.

Về mặt kỹ thuật, một số bước của ghép cơ thể có thể thực hiện được, như nhận định của TS Abraham Shaked, giáo sư ngoại khoa và giám đốc Viện ghép tạng Penn đại học Pennsylvania.

Ông cho rằng y khoa có thể bảo quản não người nhận và cơ thể người cho trước khi ghép, cũng như có thể nối nhiều mạnh máu và cơ bắp, và kiểm soát các phản ứng miễn dịch không mong muốn.

Nhưng TS Shaked phải thừa nhận là không thể nối thần kinh của tủy sống.

Trong một email, ông bình luận: “Tôi có thể gọi những nỗ lực ở giai đoạn này là ngu ngốc hơn là điên rồ. Bởi điên rồ thì có thể làm được còn ngu ngốc là không thể làm được”.

Bình luận về chuyện sử dụng một chất giống như keo, polyethylene glycol, để giúp các đầu dây thần kinh mọc lại, TS Shaked nói: “Nó giống như sợi cáp điện thoại xuyên Đại Tây Dương bị cắt đôi và một ai đó muốn nối chúng lại với nhau bằng keo Krazy”.

Về phần mình, TS Ren thừa nhận dự án là cực kỳ khó khăn.

“Tôi đã làm việc trong ngành y ở Trung Quốc và nước ngoài trong hơn 30 năm. Tôi đã thực hiện nhiều ca mổ phức tạp nhất, nhưng so với chuyện ghép cơ thể thì quả là khó so sánh”, ông trả lời phỏng vấn báo chí.

“Nhưng dù nó có đạo đức hay không thì đó vẫn là cuộc sống của một con người. Không có gì quan trọng hơn một cuộc sống và đó là cốt lõi của đạo đức”.

Khi được đề nghị bình luận về câu nói này, Ủy ban sức khỏe Trung Quốc nói các nhà phẫu thuật cần trung thành với trách nhiệm đạo đức đã được làm rõ trong quy định ghép tạng người của quốc gia.

Còn đối với ông Wang và gia đình, dù thừa nhận có sự không chắc chắn về đạo đức và chuyên môn, nhưng họ vẫn cứ hy vọng.

Trong ba năm qua, Wang Zhi, 34 tuổi và mẹ ông vẫn ngày ngày dùng tay bơm ôxy vào phổi ông. Giờ đây, họ không cần làm như thế vì đã có một chiếc bơm tự động do một tổ chức từ thiện trao tặng.

Mặc dù các hóa đơn thanh toán y khoa đang ngốn hết số tiền dành dụm của họ, bà Wang vẫn nói: “Ông ấy không thể chết và ông ấy không chết được”.

Dù gia đình biết rằng nếu ca mổ thất bại ông Wang sẽ chết, nhưng họ vẫn hy vọng.

“Biết đâu chừng một ca mổ tưởng như bất khả thi lại có thể cứu chúng  tôi”, bà Wang nói.

Theo Bình Yên - Chất lượng Việt Nam/ NYT

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X