Hotline 24/7
08983-08983

"Hiến thận" vì… mục đích nhân đạo hay vì tiền?

Tám trường hợp được cho là hiến thận tự nguyện ở Cờ Đỏ, TP Cần Thơ đang khiến dư luận rất quan tâm. Câu hỏi đặt ra là: việc làm này là vì mục đích nhân đạo hay vì tiền.

 Anh Hồ Văn Tr. với vết mổ sau khi hiến thận
Anh Hồ Văn Tr. với vết mổ sau khi hiến thận
Cả tuần nay, người dân xã Thạnh Phú, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ xôn xao về việc có nhiều người hiến thận với mục đích nhân đạo, cứu người, trong đó có năm người cùng một gia đình cùng hiến thận.

Tuy nhiên, theo công an địa phương,những người này hiến thận để được nhận một số tiền cụ thể nhưng lại giả vờ làm đơn trình bày với chính quyền địa phương là "hiến" thận cho người thân.

Anh Lê Văn G., một trong tám người hiến thận đã có đơn gửi lên chính quyền địa phương cho biết mình hiến thận vì mục đích nhân đạo. Trong đơn gửi chính quyền địa phương, G. nói đi ra miền Bắc hiến thận cho người nhà, tuy nhiên không được địa phương xác nhận.

2 thận cùng hoạt động vẫn tốt hơn

Thận là cơ quan lọc máu để bài tiết chất độc ra ngoài theo đường tiểu.

Nếu bình thường đối với người khỏe mạnh và thận hoàn toàn khỏe mạnh, khi vì lý do gì đó chỉ còn 1 thận (với 1,2 triệu đơn vị (nephrone), thì nó vẫn có thể đảm đương được nhiệm vụ lọc trung bình 200 lít máu, và thải ra 1,5 lít nước tiểu/ngày.

Như vậy người còn 1 thận khỏe mạnh vẫn sinh hoạt bình thường.

Tuy nhiên, cả 2 bộ phận cùng hoạt động vẫn tốt hơn là 1.

Trong trường hợp nếu chẳng may người chỉ có 1 thận vì lý do gì đó trong sinh hoạt, ăn uống, hay tai nạn…mà quả thận còn lại cũng mắc bệnh hoặc chấn thương thì cực kỳ nguy hiểm.

BS Nguyễn Phước Lộc
(Phó khoa ngoại niệu
BV Đa khoa Trung ương Cần Thơ)

Còn anh Hồ Văn Tr., ở ấp 6, xã Thạnh Phú cho biết nhà nghèo, chuyên làm mướn và thường xuyên thiếu nợ. Sau một thời gian đi làm ở TP.HCM có quen biết với một người tên Lợi, ở Q.Nhà Bè, TP HCM. Lợi nói mình bị hư hai quả thận, cần người hiến và trả công. Tr. thấy người ta cần thận, nhà nghèo cần tiền giải quyết nợ nần nên quyết định "hiến" thận cho Lợi. Anh Tr. phải lên tận TP. HCM, vào bệnh viện để hiến sau thời gian ba tháng chờ bác sĩ thử máu, khám, xét nghiệm.

Tại đây anh được một số người động viên hãy yên tâm, được cấp bảo hiểm, sức khỏe sẽ ổn, tuy nhiên đến nay vết mổ đã lành nhưng bên trong vẫn còn đau thốn khiến việc đi lại gặp khó khăn, chỉ còn làm được việc nhẹ.

Anh B., em rể của anh Tr. cũng đã bán thận vào khoảng đầu tháng 9/2013. Anh này hiện cũngkhông có mặt tại địa phuơng.

Anh Danh L., do không có đất canh tác, không có việc làm nhưng nhà có tới năm miệng ăn, nợ nần chồng chất, nên cách đây hơn hai năm, cũng đã bán đi một quả thận với giá 100 triệu đồng. Anh L.hy vọng sẽ thoát nghèo, nhưng sau khi bán thận thân thể anh ngày càng ốm yếu, sức khỏe giảm sút.

Trên địa bàn ấp 6, xã Thạnh Phú cũng đã có ba trường hợp tương tự, trong đó hai trường hợp đã bán và một trường hợp đã đi Hà Nội để tiếp tục bán.

Số người đã bán thận tiếp tục lôi kéo những người còn lại đi theo chân họ, đa phần viết đơn lên chính quyền nói đi hiến thận cho người nhà.

Nhiều trường hợp thanh niên địa phương đã đi bán thận mà kể cả người nhà cũng không hay biết, đến khi những người đi bán chung về kể thì gia đình mới "té ngửa".

Chính quyền xã Thạnh Phú cho biết những người bán thận là những người nghèo, thiếu kiến thức về pháp luật. Mặt khác, những người bán thận thường là những người sống tạm trú không có đất. Chính vì nhà của họ là nhà tạm nên các hội, đoàn thể không thể đứng ra bảo lãnh cho họ vay vốn để làm ăn được.

Sau khi sự việc được phát hiện, công an huyện Cờ Đỏ đã nắm tình hình và báo cáo cho giám đốc công an thành phố Cần Thơ. Theo đó, trên địa bàn xã Thạnh Phú có tám trường hợp hiến thận từ năm 2012, trong đó có năm người trong một gia đình.

Hiện giám đốc Công an thành phố đã đã chỉ đạo các lực lượng nghiệp vụ liên quan nắm chặt diễn biến vụ hiến thận này để có hướng xử lý theo qui định của pháp luật.

Luật pháp của Việt Nam cấm mua bán nội tạng.Việc hiến thận chỉ nên làm khi để cứu người thân và hoàn toàn tự nguyện. Việc hiến thận và ghép thận phải được thực hiện rất công phu từ các xét nghiệm, công tác chăm sóc sau khi hiến và ghép. Người hiến thận sau đó cần được chăm sóc chu đáo.

Nếu việc mua bán diễn ra ở những nơi không đáng tin cậy, hoặc lén lút thì sẽ dẫn đến nguy cơ rất lớn đối với sức khỏe cả người cho và người nhận.

AloBacsi.vn
Theo Nhóm PV - Tuổi trẻ

Cách đây hơn 2 năm TAND TP Cần Thơ có mở phiên sơ thẩm xét xử vụ án mua bán thận xuyên quốc gia lớn nhất nước từ trước đến nay.

Án sơ thẩm đã tuyên phạt Võ Đình Văn, La Thị Thịnh mỗi bị cáo 6 năm tù; Lê Sơn Truyền, Quảng Đại Vàng mỗi bị cáo 5 năm tù về tội "tổ chức đưa người khác trốn đi nước ngoài".

Theo hồ sơ vụ án, Văn và Truyền đi Trung Quốc (TQ) bán thận của mình với giá 50 triệu đồng thì Vương và A Trang- đầu nậu đường dây mua bán thận tại TQ đến đặt vấn đề với Văn và Truyền về chuyện làm "cò" thận. Mỗi chuyến "đưa" một quả thận vượt biên sang TQ sẽ được "boa" 10 triệu đồng.

Khi về nước, Văn, Truyền chẳng những tự mình "săn" thận mà còn mở ra nhiều "chân rết" khác bằng cách rủ rê chính những người mà họ đã đưa sang TQ bán thận.

Những "chân rết" này thường đến các trung tâm giới thiệu việc làm để dụ dỗ những thanh niên thôn quê đang tìm việc lao động phổ thông. Tham gia trong đường dây này còn có Thịnh, Vàng. Từ năm 2008 đến tháng 2/2011, nhóm này đã đưa trót lọt 19 nạn nhân ở các tỉnh An Giang, TP. Cần Thơ, TP.HCM, Ninh Thuận…sang TQ bán thận.



Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X