Hotline 24/7
08983-08983

Gọi xe bằng ứng dụng còn như canh hẹ

Qua một thời gian “sung sướng” không lâu với dịch vụ Grab và Uber, người tiêu dùng bắt đầu “ngộ” ra những tệ hại của loại dịch vụ được cho là tăng giá cước tuỳ theo cung cầu….

Tài xế GrabBike đi thành từng nhóm, ngoài việc đón khách còn có mục đích bảo vệ nhau. Trong ảnh: Tài xế GrabBike chở khách ở khu vực sân bay Tân Sơn Nhất.

Cố đấm ăn xôi

4 giờ sáng ở bến xe Miền Đông. N.A.Tài, 29 tuổi, đợi khách. Một người khách đứng kế bên anh gọi GrabBike qua app. Tất nhiên, anh là GrabBike được hệ thống ưu tiên vì là tài xế gần nhất với khách hàng. Chưa đầy một phút sau, một cuộc gọi vào máy của khách.

Tài chở khách về Gò Vấp với giá 44.000 đồng. Anh cho biết, đã lấy bằng xe hơi cách đây sáu tháng nhưng chưa tìm được việc, nhờ mấy người bạn chỉ mà đăng ký làm tài xế GrabBike.

“Em chạy từ 6g tối đến 6g sáng, trừ tiền xăng và ăn tối, ngày nhiều kiếm được 300.000 đồng, ngày ít cũng được 200.000 đồng. Sau đó là ngủ cho lại sức để tối chạy tiếp”, Tài kể.

T.Tường, thường đậu ở khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, cho biết, ban đêm làm bảo vệ cho một công ty, còn ban ngày tranh thủ chạy GrabBike. Anh không cho biết số tiền kiếm thêm từ nghề phụ này mà chỉ nói rằng “hơn lương bảo vệ”.

Tường xác nhận: “Nhân viên GrabBike hay bị mấy ông xe ôm đánh vì mấy ổng hay chửi tụi em giành khách. Mà mình có giành với ai đâu. Họ gọi qua app mà. Gần đây, tụi em hay đi theo nhóm nên thỉnh thoảng mới có người bị mấy ổng dằn mặt, chủ yếu là chửi. Họ chửi kệ họ, việc mình, mình làm”.

Trong một thống kê gần đây của Grab Việt Nam, tròn một năm, kể từ tháng 11/2015, có 65 vụ nhân viên GrabBike bị hành hung, nhiều nhất là khu vực sân bay Tân Sơn Nhất.

Grab Việt Nam và đại diện Uber tại Việt Nam từ chối trả lời câu hỏi về số lượng nhân viên đang tham gia dịch vụ gọi xe qua app tại thị trường Việt Nam. Nhưng qua thông tin từ những nhân viên GrabBike, GrabCar hiện “số lượng lao động tham gia hai dịch vụ này nhiều lắm”.

Tại bến xe Miền Đông, sân bay Tân Sơn Nhất… tràn ngập những tài xế xe ôm đội mũ và áo khoác màu xanh có hàng chữ Grab! Có người tham gia một dịch vụ. Nhưng không ít người tham gia cả hai dịch vụ, vừa chạy Grab, vừa chạy cả Uber.

Không ít nhân viên văn phòng, sinh viên, chủ cửa hàng, có cả viên chức nhà nước… cũng tham gia GrabBike.

“Dù bị hành hung nhưng vì kiếm sống được, càng ngày nhân viên Grab, Uber càng đông”, P.Q.An, tài xế GrabCar, nhận xét.

Những điều tệ hại

Hiện nay, rất nhiều khách có nhu cầu đi lại, đã bỏ qua những Vinasun hay Mai Linh; mà thay vào đó là Grab hay Uber vì sự tiện lợi, chu đáo và đặc biệt là giá rẻ. Thế nhưng, vẫn còn đó “những điều trông thấy”.

Điều trông thấy mà ai cũng ngán ngẩm đó chính là đặt Uber hay Grab vào giờ cao điểm, mưa hay kẹt xe là giá tăng phi mã không chỉ gấp đôi mà gấp ba, gấp bốn lần.

Một khách hàng tên Phương Thảo, Phú Nhuận, cho biết, từ cuối đường Nguyễn Kiệm thuộc Phú Nhuận đến bến xe Miền Tây, thông thường giá chỉ có 200.000 đồng nhưng vì hôm đó Sài Gòn mưa to, trên hệ thống của Uber đã báo giá gần 600.000 đồng! Cần đi, trong khi không gọi được taxi truyền thống, bà Thảo chấp nhận với mức giá trên.

So với Grab, Uber bị khách hàng “càm ràm” gay gắt hơn về chuyện này khiến không ít người tuyên bố tẩy chay. Uber thậm chí còn tự động trừ vào thẻ của khách hàng cho những chuyến đi tại… London dù khách hàng này đang sống tại Sài Gòn!

Một chiêu quen thuộc của các tài xế Grab và Uber là tế nhị từ chối bằng những lý do quen thuộc: kẹt xe, xe bị bể bánh, chết máy… khi những cuốc xe có giá trị dưới 100.000 đồng.

Riêng Grab còn có chiêu mời khách nhập mã giảm giá nhưng những mã này ít bao giờ sử dụng được, thường xuất hiện lỗi báo không nhập được. Đại diện Grab Việt Nam cho biết, có những mã giảm giá theo số lượng “cuốc xe”, nếu số “cuốc xe” đã đủ thì mã giảm giá cũng hết hiệu lực.

Giữ tài xế, bỏ khách?

Giải thích việc tăng giá nhiều lần vào những lúc trời mưa hoặc cao điểm, trên fanpage, đại diện Uber cho rằng, “số tiền tăng là do có áp dụng biểu giá linh động - theo hệ số nhân và đồng thời là cách khuyến khích nhiều tài xế tham gia di chuyển trong những thời điểm này”.

Bà Emily Do, giám đốc tiếp thị của Grab Việt Nam, thì cho rằng: “Đối với dịch vụ GrabCar hay GrabBike, giá cước sẽ linh động phụ thuộc vào quy luật cung - cầu, không có giá cố định. Giá linh động tăng hoặc giảm tuỳ theo lượng nhu cầu tương ứng trong từng khoảng thời gian khác nhau”.

Vị giám đốc tiếp thị của Grab còn cho biết thêm, việc tăng cước để giữ chân tài xế cũng là chủ trương chung của Grab tại sáu nước của ASEAN có dịch vụ này.

Trong một khảo sát của iPrice (trụ sở tại Malaysia) dựa trên biểu giá của Uber và Grab tại sáu nước Đông Nam Á (Indonesia, Thái Lan, Việt Nam, Singapore, Philippines và Malaysia) vào đầu tháng 12/2016, nếu xét ở hai khoảng cách 5km và 20km, mức cước của Uber “mềm” hơn cước của Grab.

Ở cự ly 5km, cước Grab thấp hơn cước Uber tại Malaysia và Singapore lần lượt là 0,8 USD và 1,3 USD. Riêng tại Việt Nam, cước Grab cao hơn 0,5 USD. Ở cự ly này, mức cước cao nhất thuộc về Singapore - 5,6 USD, Việt Nam và Philippines cùng 2,7 USD, thấp nhất là Indonesia - 1,5 USD.

Ở cự ly 20km, cước Grab chỉ thấp hơn cước Uber tại Philippines và Singapore lần lượt là 0,9 USD và 1,2 USD. Ở cự ly này tại Việt Nam, mức cước của Grab cao hơn cước Uber là 1,9 USD. Với khoảng cách này, Singapore có mức cước cao nhất - 12,8 USD, kế tiếp là Việt Nam - 9,5 USD, thấp nhất là Thái Lan - 4,5 USD.

Theo Minh Tú - Thế giới tiếp thị

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X