Hotline 24/7
08983-08983

Giáng sinh đắn đo của người nghèo

Chụp cho con tấm ảnh bên những trái châu lung linh trên cây Noel sặc sỡ, chị Huệ dắt vội con gái bé bỏng, né cửa hàng đồ chơi sáng đèn.

 Giá cả rục rịch, không dám nhúc nhích

Cơn trở lạnh trời Nam, khiến Sài Gòn có những ngày Giáng sinh lạnh. Chị Huệ cùng chồng và con gái rời ngôi nhà nhỏ ở quận Bình Thạnh ra phố ngắm Noel. Những ngọn đèn lung linh, dòng người đông đúc dường như không thể làm vơi đi toan lo thường nhật của gia đình này.

“Mấy ngày trước xăng lên gần 600 đồng/lít, giá gas lên đến gần 500 ngàn đồng/bình, chúng tôi tốt nghiệp đại học, làm thu nhập tuy chưa cao nhưng cũng đỡ hơn người lao động chân tay một chút. Vậy mà không tránh khỏi cảnh thiếu trước hụt sau”. Chị Huệ nói.

Vợ chồng chị Huệ làm việc cho công ty tư nhân. Tuy không phải gia đình có đạo Công giáo nhưng mỗi bận Giáng sinh về, anh chị đều thích ra đường ngắm phố phường.

Giáng sinh với gia đình chị luôn đem lại cảm giác bình yên và lung linh với những vạt đèn lấp lánh. Như những mùa Giáng sinh trước, vợ chồng chị chỉ dám ra đường chơi, ăn kem rồi về.

Mấy năm nay, cô con gái nhỏ bắt đầu lớn, biết đòi đồ chơi trong những cửa hàng lộng kính, sáng choang, dù rất muốn mua cho con nhưng anh chị đành kéo bé đi nơi khác để tiếp tục… xem đèn.

“Giá cả sinh hoạt ngày một lên cao. Chúng tôi chăm chỉ nhưng năm nào cũng chỉ dám ra công viên chơi, chụp hình, uống nước mía, ăn kem rồi về, không dám mua sắm gì. Con gái đã đi học mầm non, mỗi tháng học phí của con hơn hai triệu đồng. Thay vì mua sắm Noel, chúng tôi dành dụm để Tết về quê”… chị Huệ chia sẻ.

Một "ông già Noel" tí hon say ngủ trên gánh ve chai của mẹ. Ảnh: Thanh Hảo

Hạnh phúc lứa đôi mùa giáng sinh

Trở về căn nhà ở đường Tây Hòa thuộc ngoại thành quận 9 sau một đêm chen chúc phố phường ngắm Noel, anh Kiệt, chủ quán chè gia đình cười buồn:

“Nhớ những mùa Noel xưa, lúc tôi còn nhỏ. Tôi đòi ra đường nhìn xe cộ nối dài. Hồi đó Sài Gòn không đông đúc như bây giờ. Ba chở tôi và mẹ bằng xe máy đã là giàu có lắm rồi. Vậy mà ba mươi năm sau, đời tôi không khá hơn, lại tiếp tục chở con ra đường bằng xe máy. Có khác là bây giờ bụi nhiều hơn, ngột ngạt hơn”. Anh Kiệt nói.

Vợ chồng anh Kiệt được song thân cho một ngôi nhà nhỏ để có chỗ ở. Đó là phần tài sản được người đi trước chia cho hậu thế. Học vấn thấp, nghề nghiệp không ổn định, anh cùng vợ mở quán chè nuôi các con ăn học.

Những ngày cuối đông giá lạnh, quán chè bán ế, anh đóng cửa mấy đêm cho con đi chơi. Gia đình anh có theo đạo Công giáo nên hết ra trung tâm nhìn ngắm lại đi về các khu giáo xứ ở quận 2 để lang thang xóm đạo và đi lễ.

“Có những bữa tiệc trị giá bằng vợ chồng tôi làm mòn mỏi cả năm. Tôi cũng ước mình có tiền để nhưng chưa bao giờ dám mơ. Hàng xóm của tôi, những gương mặt thân quen, mấy mươi năm trời lam lũ mà không cất đầu lên nổi.” Anh Kiệt thở dài.

Theo anh Kiệt, đêm Giáng sinh ở những gia đình có đạo thường là cả gia đình sẽ đi lễ nhà thờ rồi về nhà quay quần bên nhau, hoặc mời bạn bè đến chung vui, chúc nhau những lời tốt đẹp.

Giáng sinh đối với người nghèo bao giờ cũng giản dị nhưng rất đầm ấm và yên vui. Câu chuyện của anh Việt ở Đồng Nai, giáng sinh còn là một ngày hạnh phúc đến sau rất nhiều đau thương.

Mấy năm trước, Việt từng có một gia đình hạnh phúc. Cậu con trai bé bỏng gửi nhà trẻ bị bảo mẫu lỡ tay đem đến ngày buồn nhất cuộc đời. Con trai hóa thiên thần, gia đình nhỏ cũng li tán… Việt chọn một ngã ba, nép mình phố thị bán chè đi tìm lòng trắc ẩn của một người cha ở những phiên tòa.

Từ sau câu chuyện được kể trên báo, một cô gái vì cảm cái thiệt thà, hồn hậu, chịu khó của Việt mà gắn kết lương duyên. Noel này, anh hân hoan đi mời thiệp cưới…

Cầu mong mọi người nghèo đều có cho mình ông già Noel phát những món quà hạnh phúc…

AloBacsi.vn
Theo Thanh Nhã – Thanh Hảo - Một thế giới

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X