Hotline 24/7
08983-08983

Đồng chó ngáp - vùng đất đồng khô cỏ cháy một thời ở miền Tây

Địa danh "đồng chó ngáp" nổi tiếng ở đồng bằng sông Cửu Long vốn là cánh đồng rộng lớn bạc màu, phèn úa ngập úng, cỏ dại um tùm.

dong-cho-ngap-vung-dat-dong-kho-co-chay-mot-thoi-o-mien-tay

Đầm tôm của gia đình ông Ba Dũng đem về nguồn thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm từng là một cánh đồng chỉ toàn lau sậy. Ảnh: Phúc Hưng.

Nằm tiếp giáp với ba tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu và Kiên Giang, vùng đất rộng lớn hàng nghìn ha với những đầm tôm, cánh đồng lúa bạt ngàn, khu dân cư sầm uất được gọi là "cánh đồng chó ngáp" hiện vẫn còn lưu dấu hình ảnh khốn khó, gian khổ của người xưa trong cuộc Nam tiến khai ấp, lập làng.

Lõi của đồng chó ngáp nằm ở bên kia sông ấp Nhà Lầu 2, xã Ninh Thạnh Lợi A, huyện Hồng Dân (Bạc Liêu), sau khi vượt Kênh Xáng ngã tư Cạnh Đền, xã Vĩnh Phong, huyện Vĩnh Thuận, Kiên Giang.

Căn nhà tường ba gian của lão nông Ba Dũng (Nguyễn Trí Dũng, 68 tuổi) ở ấp Nhà Lầu 2 trở nên xôm tụ hẳn lên khi gia chủ hào hứng kể về thời kỳ khai hoang, mở đất. "Sống gần hết đời người tôi cũng hổng biết cái tên cánh đồng chó ngáp có tự bao giờ", ông Ba Dũng nói.

Hơn trăm năm trước, dưới thời triều Nguyễn, tổ tiên của ông đã về đây sinh sống. Vùng đất khi đó hoang vu, nhiễm phèn nặng, lau sậy, cỏ năn, lác mọc xen kẽ với những cánh rừng tràm nguyên sinh bạt ngàn.

Đến thời Pháp thuộc, một phần rừng tràm bị cháy, vùng đất rộng lớn chỉ còn lại cỏ năn và lác. "Hồi 9-10 tuổi, tôi nghe cha kể một vài người khi đi khai hoang phải bỏ chạy thục mạng vì gặp cọp", ông Dũng hồi tưởng và khẳng định biết bao người đến đây khai phá, nhưng rồi cũng chỉ trụ được một vài năm vì "mần mà không có ăn".

Còn bà Võ Thị Tuyến (69 tuổi) nói người dân làm cật lực mà mỗi công đất đến mùa thu hoạch chỉ được đôi ba giạ lúa, thậm chí có nơi chỉ được một táo (khoảng 10 kg). Không bám trụ được, người dân "chạy làng", vùng đất vốn rộng người thưa càng trở nên hoang vắng hơn.

Ba Dũng hào hứng kể với khách về những ngày theo cha ông về khai phá đống đất đồng chó ngáp. Ảnh: Phúc Hưng.

Ông Ba Dũng hào hứng kể về những ngày khai phá cánh đồng chó ngáp. Ảnh: Phúc Hưng.

"Hồi ấy, không ai có thể đi một lèo mà băng qua hết cánh đồng này. Đến chó là loài chịu khát tốt nhất mà còn lè lưỡi thở dốc, ngáp ngắn ngáp dài khi theo chủ băng qua đồng", bà Tuyến nói.

Những bậc cao niên ở xứ Cạnh Đền cho biết có lẽ vì thế mà cái tên cánh đồng chó ngáp xuất phát từ đó, dần về sau gọi riết nên chết danh.

Vào mùa mưa, đồng chó ngáp nước ngập lênh láng, rắn, chuột và một số loài thú phải bỏ đồng vào làng tìm nơi trú ẩn. Còn mùa nắng thì nóng đến cháy da. "Cuộc sống khó khăn nên dân ở đây nhiều người đi chăn trâu thuê, và cũng nhờ nghề này mà họ có của ăn của để", ông Võ Văn Tấn (70 tuổi) nói.

Theo ông Tấn, từ tháng 8 đến khoảng giữa tháng 12 hàng năm, cả một cánh đồng mênh mông chỉ toàn là cỏ lau xanh mướt. Hàng nghìn con trâu của cư dân miệt Cà Mau, Kiên Giang, Hậu Giang kéo về tìm thức ăn sau mùa cày bừa kết thúc. Đây cũng là lúc người dân bản xứ vào mùa chăn trâu thuê.

Trên dưới 6 giạ lúa cho một cặp trâu giữ thuê, vì vậy có người nhận giữ vài trăm con nên có lúa chứa trong nhà cả năm. "Nói vậy chứ đâu có dễ ăn. Nếu nó bị thất lạc, bị trúng đạn mà chết hoặc ốm nhom thì phải đền cho chủ, rồi năm sau họ không gửi mình nữa", ông Tấn nói.

Người dân sinh sống trong vùng lõi cánh đồng chó ngáp chung tay xây dựng quê hương. Ảnh: Phúc Hưng.

Đường sá ở cánh đồng chó ngáp được bêtông hóa. Ảnh: Phúc Hưng.

Thời chính quyền Ngô Đình Diệm từng bắt dân đào kênh Cộng Hòa, dài hàng chục km, chạy dài từ Phước Long đến Cả Chanh, Hồng Dân để phục vụ cho kế hoạch dồn dân ra khỏi vùng cách mạng, nhằm thực hiện kế hoạch lập khu trù mật ở quận Phước Long. Có người vì làm việc quá sức, họ đào đất đến đứt ruột mà chết, vì vậy mà con kênh còn có tên là "Kinh Đứt Ruột".

Đánh dấu cho lịch sử của vùng đất này phải kể đến cuộc lãnh đạo nông dân đứng lên đòi đất của phú nông tên Trần Kim Túc (Chủ Chọt) ở Ninh Thạnh Lợi vào năm 1927.

Bức xúc vì bị tên địa chủ người Pháp chiếm đất, ông Túc đã vận động nông dân cầm phảng nổi dậy, nhưng bị Pháp đàn áp nên thất bại. 17 người chết, 88 người bị bắt, trong đó có cả đàn bà và trẻ em.

Tuy thắng lợi, nhưng trước khí thế của nông dân, thực dân Pháp không dám xử tử những người bị bắt mà buộc phải điều chỉnh lại chính sách ruộng đất, trả lại đất cho gia đình ông Túc và nhiều nông dân làng Ninh Thạnh Lợi.

Đến năm 1947, chính quyền cách mạng đã đổi tên ấp Nam Lợi 1 thành ấp Chủ Chọt, xã Ninh Thạnh Lợi cho tới ngày nay để ghi nhận công lao của phú nông xưa kia.

Vùng đất vốn khốn khó, khắc nghiệt, nay đã trở thành những cánh đồng tôm thẳng tắp. Ven tuyến kênh đào đã mọc lên những ngôi biệt thự khang trang. Nhiều người chăn trâu xưa giờ trở thành tỷ phú. Người dân chạy ôtô tới nhà trên đường bêtông hóa, thay vì phải đi bằng vỏ lãi như trước đây.

Theo Phúc Hưng - VnExpress

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X