Hotline 24/7
08983-08983

Doanh thu giảm, Petrolimex vẫn lãi đậm: Chuyên gia thấy "lạ"

Phải xem lợi nhuận Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) có được là lợi nhuận gì, có nguồn gốc từ đâu.

Đứng bên ngoài thấy 'lạ'

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2015 vừa được Petrolimex công bố, trong quý I/2015, doanh thu của doanh nghiệp bán xăng dầu lớn nhất Việt Nam đạt 37.936 tỷ đồng (giảm 25% so với cùng kỳ năm trước là trên 50,4 ngàn tỷ).

Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế của Petrolimex quý qua lại đạt 461 tỷ đồng, tăng hơn 80% so với cùng kỳ năm trước (quý I/2014, Petrolimex chỉ lãi khoảng 255 tỷ đồng).

Trao đổi với Đất Việt, PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng, phải xem xét cụ thể báo cáo tài chính của Petrolimex, doanh thu giảm không có nghĩa lợi nhuận cũng giảm theo. Điều đó cho thấy, có thể Petrolimex đã hoạt động hiệu quả hơn.

"Lợi nhuận phụ thuộc vào chi phí đầu vào và kết quả đầu ra cho nên có thể kết quả đầu ra giảm nhưng chi phí đầu vào giảm nhiều hơn thì lợi nhuận tăng. Petrolimex báo lãi như vậy khẳng định tập đoàn năm nay hoạt động tốt hơn".

 Giá xăng tăng lần thứ ba kể từ đầu năm.
Giá xăng tăng lần thứ ba kể từ đầu năm.

Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Văn Ngãi, Trưởng khoa Kinh tế trường ĐH Nông Lâm TPHCM lại thấy "lạ" trước báo cáo này.

"Đứng bên ngoài tôi thấy hơi lạ vì doanh thu giảm, lợi nhuận tăng chỉ xảy ra trong trường hợp chi phí giảm, mà phải giảm rất mạnh, mà điều này không thể xảy ra. Ở đây lợi nhuận tăng không phải do giá bán bởi nếu do giá bán thì nó phải tăng thì lãi mới tăng theo. Bởi thế, cần phải làm rõ chi tiết lãi này là lãi gì, từ đâu mà ra, do bán sản phẩm gì..., mà chi tiết này thì chỉ có Petrolimex biết", ông Ngãi nhận xét.

Đồng quan điểm, bên lề Quốc hội, ông Bùi Đức Thụ, ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng, cần phải làm rõ nguyên nhân tăng lợi nhuận của Petrolimex.

"Lãi của doanh nghiệp phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có thể là giá cả đầu ra của sản phẩm, hàng hóa. Nếu giá cả đầu ra tương đối bình ổn thì việc tiết giảm chi phí của các tổ chức, cá nhân, quản lý cải tiến công nghệ cũng đồng nghĩa với việc tăng lợi nhuận. Theo tôi, cần phải làm rõ nguyên nhân tăng lợi nhuận của doanh nghiệp và các yếu tố tác động đến vấn đề này.

Về phía Nhà nước, đối với những ngành hàng Nhà nước quản lý thì cố gắng không nên để lợi nhuận tăng bằng cơ chế khác. Nhà nước luôn ủng hộ việc doanh nghiệp có lợi nhuận tăng nhưng phải là do tiết giảm kinh phí, cải tiến quản lý và đổi mới công nghệ".

Cũng theo ông Thụ, việc tăng giá xăng cũng như lợi nhuận của doanh nghiệp hàng năm đều được đưa vào kiểm toán nhà nước, nên những số liệu trên, theo ông, cũng đã được xác định.

"Nếu như có quyết định chưa thực sự hợp lý thì chắc chắn các cơ quan kiểm toán và cơ quan quản lý nhà nước sẽ xác định rõ", ông nhấn mạnh.

Lý giải về con số lợi nhuận tăng vọt, trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn ngày 20/5, ông Trần Ngọc Năm, Phó tổng giám đốc Petrolimex cho biết, đó là nhờ quy chế điều hành.

Cụ thể, thứ nhất là cơ quan điều hành (liên bộ Công Thương - Tài chính) đã điều hành giá bán bám sát Nghị định 83/204/NĐ-CP (Nghị định 83), đảm bảo lợi nhuận định mức cho doanh nghiệp xăng dầu đầu mối (luôn giữ mức 300 đồng/lít trong quí 1/2015). Ở giai đoạn cùng kỳ trước đó, cơ quan điều hành liên tục cho áp dụng mức thấp hơn quy định để kéo giá cơ sở (hình thành bởi giá nhập khẩu, thuế, phí… làm cơ sở áp giá bán lẻ).

Thứ hai, chi phí kinh doanh xăng dầu đã được điều chỉnh tiếp cận với tình hình thực tế. Trong đó, xăng từ 860 đồng/lít lên 1.050 đồng/lít; dầu diesel, dầu hỏa từ 860 đồng/lít lên 950 đồng/lít.

Thứ 3, giá cơ sở được tính bằng giá thế giới bình quân 15 ngày sát với ngày tính giá của chu kỳ dự trữ xăng dầu bắt buộc (30 ngày) nên giá xăng dầu thế giới biến động theo hướng tăng thì doanh nghiệp đầu mối được lợi từ hàng tồn kho. Điều này ngược lại với quí IV/2014 vừa qua, giá xăng dầu thế giới liên tục giảm, doanh nghiệp phải chịu cảnh nhập hàng giá cao, bán hàng giá thấp.

Bên cạnh yếu tố kể trên, kết quả khả quan của Petrolimex trong quí I/2015, theo ông Năm còn do sản lượng xuất bán tăng 12% so với cùng kỳ. Riêng với công ty mẹ, lợi nhuận tăng mạnh do đã tối ưu được hiệu quả hoạt động nhập khẩu và bán xăng dầu cho các công ty con trong nước. Theo đó, Petrolimex mẹ đã chủ động điều chỉnh cơ chế kinh doanh xăng dầu áp dụng trong nội bộ theo hướng đảm bảo cân đối nguồn lực giữa các bên trên nguyên tắc dự trữ nguồn lực tại đầu nguồn đồng thời ổn định ở tuyến sau để phát triển thị phần, gia tăng sản lượng xuất bán.

Giá xăng tăng lần thứ hai liên tiếp kể từ đầu tháng

Ngay sau giải trình của Petrolimex về mức lợi nhuận tăng vọt thì tối cùng ngày, giá xăng bán lẻ đã vượt 20.000 đồng với mức tăng kịch trần Liên bộ Tài chính - Công thương cho phép.

Theo thông báo của Petrolimex, giá bán lẻ các loại xăng khoáng (RON 92 và RON 95) cùng xăng sinh học E5 RON 92 đồng loạt tăng 1.200 đồng kể từ 20g ngày 20/5, do áp lực của thị trường thế giới. Đây là lần tăng giá xăng thứ hai liên tiếp kể từ đầu tháng và lần thứ ba kể từ đầu năm. Giá xăng hiện tại đắt hơn 4.760 đồng so với mức đáy đạt được vào cuối tháng 1/2015.

Đánh giá về việc tăng giá xăng liên tiếp hai lần trong tháng, ông Bùi Đức Thụ cho rằng, theo quy định hiện hành, việc tăng giá là hợp lý.

"Việc điều chỉnh giá xăng đã có quy định rồi. Cơ quan liên bộ xem xét các số liệu thị trường trên cơ sở đề nghị của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, khi thẩm định đúng, Nhà nước mới cho phép điều chỉnh.

Tuy nhiên, phải nói thêm rằng, việc tăng giá xăng dầu vừa qua, tăng 2 lần với mức độ lớn rõ ràng có tác động đến sản xuất kinh doanh vì xăng dầu là yếu tố đầu vào với nhiều ngành, đặc biệt chiếm tỷ trọng lớn đối với vận tải".

Ông Thụ cũng nhấn mạnh thêm, tăng giá xăng trước hết là do giá thế giới tăng. Nếu không điều chỉnh, Quỹ bình ổn giá sẽ mỏng dần. Còn về thuế thì chỉ còn cách giảm thuế tiếp, nhưng giảm nữa thì ảnh hưởng đến cân đối ngân sách.

"Cho nên vấn đề đặt ra ở đây là việc điều chỉnh các công cụ để bình ổn giá xăng dầu phải xem xét ở nhiều góc độ, trong đó tính cả cân đối ngân sách nhà nước, chính sách bình ổn".

Ông Bùi Đức Thụ cho biết, hiện tại cân đối ngân sách nhà nước trong 5 tháng qua gặp khó khăn. Nợ công tăng cao và đến cuối năm 2015 đã lên tới 64%, dự kiến đến cuối năm 2016 sẽ xấp xỉ 65%.

Theo Nghị quyết của Quốc hội, phải đảm bảo thu, cân nhắc hạn chế, không điều chỉnh giảm thu một cách không cần thiết, đồng thời giảm chi, tiết kiệm chi để duy trì mức bội chi đã đề ra và chú trọng khâu trả nợ…

Bốn tháng đầu năm nay, CPI của Việt Nam rất thấp, hiện tại mới tăng 0,04%. Đây là điều kiện và cũng là cơ hội để Nhà nước có thể điều chỉnh giá một số mặt hàng tác động đến sản xuất, đời sống nhưng cũng không làm tăng giá đột biến, ảnh hưởng lớn đến người dân.

Theo Bích Ngọc - Thành Luân - Vietnamnet

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X