Hotline 24/7
08983-08983

Do đâu hầm Thủ Thiêm hiện đại nhất Đông Nam Á “thất thủ” vì ngập?

Lần đầu tiên sau 5 năm đưa vào khai thác, hầm dìm vượt sông Sài Gòn bị “thất thủ” do cơn mưa chiều tối 26/9 khiến nước tràn vào gây ngập nặng trong hầm...

Vì sao, một hầm dìm vượt sông được xem là hiện đại nhất Đông Nam Á lại bị “thất thủ”, ngày 27/9/2016, PV Lao Động có cuộc trao đổi với ông Trần Chí Trung - GĐ Trung quản lý đường hầm sông Sài Gòn, xung quanh vấn đề này.

Ông Trần Chí Trung cho biết:

- Sau 5 năm, kể từ khi đưa đưa vào khai thác, lần đầu tiên hầm Thủ Thiêm bị ngập nước với mức độ ngập sâu  hơn 10cm, dài hơn 50m tại vị trí sâu nhất trong hầm. Khoảng 17g ngày 26/9, trời bắt đầu mưa to và sau đó khoảng 45 phút thì có hiện tượng nước mưa từ hai đầu hầm phía Q.1 và Q.2 tràn vào bên trong hầm dẫn đến  ngập cục bộ.

Để đảm bảo an toàn cho người lưu thông nên Trung tâm buộc phải cấm xe gắn máy lưu thông qua đường hầm (hướng từ Q.1 sang Q.2), xe ô tô lưu thông bình thường. Việc cấm xe gắn máy kéo dài khoảng 40 phút, để chúng tôi bơm, xử lý tình trạng ngập trong hầm. Và đến gần 19 giờ thì hình lưu thông trở lại bình thường.

* Khi trời mưa to như vậy thì hệ thống các bể chứa và máy bơm của đường hầm Thủ Thiêm hoạt động như thế nào mà vẫn xảy ra tình trạng ngập, thưa ông?

- Khu vực đường hầm Thủ Thiêm được thiết kế có 5 bể cắt nước để bơm: 2  bể (mỗi bể có dung tích 40m3) đặt tại đầu đường hầm phía Q.2;  phía đầu Q.1 có một bể 320m3; trong hầm tại vị trí sâu nhất cũng có 2 bể (50m3/bể). Tại các bể chứa đều có hệ thống bơm (tổng cộng khoảng 13 máy bơm với tổng công suất khoảng 9.000 lít/phút), để bơm cưỡng bức nước ra sông khi trời mưa tránh nước tràn vào gây ngập trong hầm.  Tại thời điểm mưa chiều tối 26.9, hệ thống bể, máy bơm này vẫn hoạt động bình thường.

* Vậy vì sao vẫn xảy ra ngập?

- Do cơn mưa quá lớn, dù hệ thống bể chứa, máy bơm đã hoạt động hết công suất vẫn không kịp bơm nước ra bên ngoài nên dẫn đến  nước tràn vào bên trong hầm gây ngập cục bộ. Hơn nữa, hầm dẫn phía Q.1 tương đối dài, độ dốc cao nên khiến nước tràn vào cũng nhanh hơn phía Q.2 nên làm quá tải bể chứa, máy bơm.

* Trước khi đưa đường hầm vào khai thác, các đơn vị quản lý  cũng như thiết kế đều khẳng định sẽ không xảy ra ngập trong hầm, bởi nhờ hệ thống các bể cắt nước, máy bơm cưỡng bức được tính toán, thiết kế khá đầy đủ đảm bảo chống ngập.  Tuy nhiên, thực tế cơn mưa chiều tối 26.9 đã chứng minh điều ngược lại?

- Tuy hầm đưa vào khai thác được 5 năm, nhưng khi thiết kế tính toán xây dựng hầm này thì cách đây đã hơn 10 năm. Có thể thời điểm lúc bấy giờ, các đơn vị tư vấn, thiết kế không dự báo, lường  trước được hết tình tình diễn biến thời tiết, biến đổi khí hậu phức tạp như thời gian gần đây nên khi tính toán thiết kế chưa phù hợp với thực tế bây giờ. Không riêng hầm Thủ Thiêm, mà nhìn chung công tác dự báo diễn biến thời tiết, khí hậu để làm cơ sở thiết kế các công trình  trong tương lai khó đúng  với thực tế.

* Sắp tới, Trung tâm  có giải pháp gì để phòng chống tình trạng ngập nước trong hầm Thủ Thiêm?

- Chúng tôi sẽ làm việc lại với chủ đầu tư, các đơn vị tư vấn, thiết kế để tính toán lại cụ thể các giải pháp chống ngập cho đường hầm Thủ Thiêm và trình Sở GTVT TPHCM. Tuy vậy, về nguyên tắc vẫn phải tập trung  vào giải pháp tăng dung tích các bể chứa và tăng công suất của hệ thống máy bơm, để xử lý bơm cưỡng bức khi xảy ra những cơn mưa lớn, không cho nước tràn vào gây ngập trong hầm. Cũng xin nói thêm, sau sự cố  ngập trong hầm Thủ Thiêm ngày 26/9, không gây ảnh hưởng đến kết cấu công trình và việc lưu thông qua đường hầm vẫn diễn ra bình thường, do vậy người dân không nên lo lắng.

Xin cảm ơn ông!

Theo Huyền Trâm - Lao động

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X