Hotline 24/7
08983-08983

Đề xuất tăng chi trả tiền chữa bệnh từ 2015: Liều “thuốc mới” cho bệnh nhân ung thư

Từ năm 2015, bệnh nhân ung thư sẽ có thêm nhiều quyền lợi khi danh mục thuốc bảo hiểm y tế (BHYT) được tăng đề xuất chi trả từ 50% lên 70-100%.

Chi trả hàng trăm triệu một loại thuốc

Chị Nguyễn Thị N. (45 tuổi, Kiến Xương, Thái Bình) bị ung thư buồng trứng đã được hơn 1 năm nay. Tuy đã cắt bỏ buồng trứng nhưng chị vẫn phải trải qua quá trình xạ trị, điều trị bằng nhiều loại thuốc. Chị N. cho biết, nhiều loại thuốc ung thư của chị đã được BHYT chi trả tới 50% nhưng do giá trị thuốc quá lớn nên hơn một năm nay, tiền điều trị đã lên tới gần 300 triệu đồng.

Gia đình chị từ khá giả, do phải bán đất, bán nhà đi để chữa trị nên phải sống tạm bợ nhờ họ hàng. Tiền cũng đã cạn kiệt. "Hai con tôi đứa đang học đại học, đứa mới học cấp 2. Tôi chỉ có ao ước có thể cầm cự với bệnh tật một thời gian nữa, nhìn các con lớn lên. Nhưng chỉ riêng thuốc Bavecizumab để điều trị bệnh của tôi có giá tới hơn 30 triệu đồng một lọ, mỗi năm tôi phải dùng tới 5 lọ. Cho dù đã được BHYT trả 50%, nhưng tôi vẫn phải bỏ tiền túi tới 75-80 triệu đồng cho riêng một loại thuốc này. Nhà đã hết tiền, chồng con khổ quá, chắc đành chịu chết thôi" - chị Nhân nghẹn ngào.

Bà Tống Thị Song Hương - Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế) cho biết, những trường hợp đau lòng như của chị Nhân chính là lý do mà vừa qua, nhiều loại thuốc trị ung thư, thuốc chống thải ghép thuốc điều trị viêm khớp đang được BHYT chi trả 50% giá trị nay được đề xuất nâng lên 70-100%.

"Hầu hết bệnh nhân ung thư đều rơi vào hoàn cảnh bần cùng, khốn khổ vì chi phí y tế quá lớn. Họ không còn có cách nào khác là trông chờ vào BHYT. Nếu BHYT không giúp đỡ, chia sẻ được thì họ chỉ đành chịu chết mà thôi" - bà Hương cho biết. Danh mục thuốc BHYT mới nhất dự kiến áp dụng vào đầu năm 2015 khi Luật BHYT sửa đổi có hiệu lực.

Theo danh mục thuốc BHYT mới sẽ có 3 loại thuốc mới được bổ sung vào danh mục, đề xuất thanh toán 50% là Infliximab (điều trị viêm khớp dạng thấp tiến triển, viêm khớp sống dính khớp, viêm khớp trong bệnh vảy nến, có chi phí tới gần 400 triệu đồng/năm); thuốc Tocilizumab (điều trị viêm khớp dạng thấp tiến triển, chi phí 150 triệu đồng/năm), Bosentan (điều trị tăng áp lực động mạch phổi, chi phí 550 triệu đồng/năm và kéo dài nhiều năm).

"Các thuốc mới sẽ giúp bệnh nhân cơ hội để chống chọi với bệnh tật. Tuy nhiên, do giá trị thuốc quá lớn, Quỹ BHYT chỉ có hạn nên chỉ có thể đề xuất thanh toán 50%" - bà Hương cho biết.

Thanh toán 100% với thuốc hiệu quả

Theo bà Hương, danh mục thuốc BHYT điều trị bệnh ung thư hiện nay cũng đã có đến hơn 50 loại thuốc, đủ để điều trị bệnh cho bệnh nhân. Các thuốc được đề xuất mới hoặc tăng mức thanh toán dựa trên hiệu quả điều trị. Cụ thể thuốc Cimaher dùng để điều trị ung thư đầu mặt cổ giai đoạn muộn có chi phí gần 250 triệu đồng/năm được đề xuất thanh toán từ 50% lên 100%. Thuốc Bavecizumab điều trị ung thư buồng trứng, phổi, đại tràng có chi phí 150 triệu đồng/năm cũng được đề xuất thanh toán từ 50% lên 100%.

Các thuốc khác được đề xuất thanh toán 100% như Avastin (trị ung thư phổi, đại trực tràng, thận, não, buồng trứng), chi phí khoảng 150 triệu đồng/năm; thuốc Agrentina (trị ung thư phổi), chi phí điều trị trong 4 đợt khoảng 74 triệu đồng; thuốc Simulect (thuốc chống thải ghép) có chi phí từ 28 triệu đến 57 triệu/năm… Ngoài ra với những bằng chứng về hiệu quả sử dung cho các bệnh nhân ghép tế bào gốc, Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương đề xuất tăng mức chi trả với thuốc BiCNU từ 50% lên 70%. Hiện mức thanh toán cho thuốc này là 55 triệu đồng/ca.

GS-TS Nguyễn Anh Trí - Viện trưởng Viện Huyết học- Truyền máu Trung ương cho biết, đối với bệnh nhân ung thư, phải điều trị cả đời, các loại thuốc lại rất đắt, nếu BHYT không giúp họ thanh toán thì sẽ rất nhiều người mất đi cơ hội sống. "Đơn cử thuốc Glivec (trị ung thư máu), nếu không có BHYT chi trả, trung bình người bệnh sẽ phải trả 45-50 triệu đồng/tháng. Nếu phải trả chi phí y tế lớn như vậy, ngay cả người giàu cũng khóc đừng nói tới người nghèo" - GS Trí khẳng định.

Theo bà Hương, một số thuốc mà hiệu quả điều trị chưa rõ ràng, chi phí lớn như thuốc trị ung thư máu Decitabin, chi phí khoảng 300 triệu đồng/bệnh nhân, Trastuzumad (trị ung thư vú có HER2 dương tính, u dạ dày di căn) chi phí 30 triệu đồng/3 tuần và Cetuximad (ung thư đại trực tràng di căn), chi phí 86 triệu-101 triệu đồng/tháng, được đề xuất giữ nguyên mức Quỹ BHYT thanh toán như hiện nay là 50%.

Ngoài ra, danh mục thuốc lần này cũng sẽ rút bớt một số thuốc đã bị đình chỉ, rút số đăng ký, thuốc hỗ trợ điều trị mà hiệu quả chưa rõ ràng mà chi phí lại quá lớn; giảm mức thanh toán BHYT với một số thuốc. Đối với những thuốc có chi phí lớn, BHYT cũng sẽ có các quy định cụ thể về trường hợp bệnh nhân nào được sử dụng, tránh sử dụng tràn lan, lạm dụng, khiến Quỹ BHYT bị thâm hụt.

Ước tính mỗi năm Việt Nam có 0,1% dân số bị ung thư (khoảng 100-150 nghìn người), trong đó 70.000 trường hợp tử vong. Từ năm 2000, mỗi năm có khoảng 10 triệu người trên thế giới mắc căn bệnh chưa có thuốc chữa này, trong đó tử vong lên đến 6 triệu người. Tại Việt Nam, những loại ung thư phổ biến nhất người bệnh thường gặp là phổi, dạ dày, gan, đại trực tràng, vòm họng, vú, cổ tử cung...

AloBacsi.com
Theo Diệu Linh - Dân Việt

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X