Hotline 24/7
08983-08983

Con suýt gặp họa vì cha mẹ đắp lá chữa bỏng

Mùa hè là thời điểm các khoa phòng điều trị tại Khoa Bỏng, Bệnh viện Xanh Pôn luôn trong tình trạng kín chỗ, 60-70% trong số đó là bệnh nhi.

Nhưng điều đáng nói, nhiều trẻ phải nhập viện, thời gian điều trị kéo dài, thậm chí nguy hiểm tính mạng... lại do chính sai lầm của cha mẹ: Đắp lá chữa bỏng sai cách.

Bác sỹ Nguyễn Thống thăm khám cho một bệnh nhi 4 tuổi (ở Hà Nội) bị bỏng, đang điều trị tại Khoa Bỏng, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn. Ảnh: V.Thu
BS Nguyễn Thống thăm khám cho một bệnh nhi 4 tuổi (ở Hà Nội) bị bỏng, đang điều trị tại Khoa Bỏng, BVĐK Xanh Pôn. Ảnh: V.Thu

Con nhiễm trùng nặng ngón tay vì mẹ đắp lá bịt kín

Chăm sóc cô con gái 20 tháng tuổi mấy ngày nay tại khoa Bỏng, BVĐK Xanh Pôn, chị Ngần (Quế Võ, Bắc Ninh) vẫn không nguôi nỗi ân hận khi chia sẻ với chúng tôi.

"Cách đây 5 ngày, lúc tôi đang chuẩn bị nước nóng để pha sữa cho cháu uống, không để ý, cháu nhúng cả bàn tay phải vào trong ấm nước. Nhà tôi vội vàng đưa cháu lên bệnh viện huyện để sơ cứu. Nhưng khi về, được hàng xóm mách có thầy lang cách nhà không xa chuyên đắp lá chữa bỏng nhanh khỏi lắm, tôi liền bế con sang nhờ thầy chữa. Một ngày sau đắp lá, cháu lên cơn sốt, khó ngủ. Ngày thứ ba, gia đình tôi lo vết bỏng để lại sẹo, không đẹp nên đưa bé lên đây khám. Khi vừa mở vết thương ra kiểm tra thì thấy tay đã mưng mủ, sưng to, đóng vảy đen sì. Các bác sĩ yêu cầu nhập viện điều trị ngay, vì tay cháu đã bị nhiễm trùng quá nặng. Nguyên nhân vì gia đình đắp thuốc lá chữa bỏng sai cách" - chị Ngần sụt sùi chia sẻ.

Sau ba ngày điều trị tại khoa Bỏng, vết thâm đen tại vị trí bị thương của cô bé đã bong dần, lộ những mảng nước trắng loang lổ, chuẩn bị lên da non. Các bác sĩ cho biết, cháu sẽ phải kéo dài thời gian điều trị song song nhiễm khuẩn - bỏng.

Tại khoa Bỏng, BVĐK Xanh Pôn đã phải điều trị cho rất nhiều trường hợp biến chứng hoại tử, nhiễm trùng vết bỏng do chữa bằng thuốc Đông y không rõ nguồn gốc. Trong số này,không ít trường hợp đã phải cắt bỏ chi, nhiễm trùng máu, viêm cầu thận cấp. Thậm chí, có trường hợp nhập viện trong tình trạng quá muộn dẫn đến tử vong.

Cách đây không lâu, khoa tiếp nhận bé trai 2 tuổi (Mê Linh, Hà Nội) được đưa đến viện trong tình trạng toàn thân phồng rộp, từng mảng da có dấu hiệu hoại tử có nước màu trắng bên trong. Ban đầu bé chỉ bị trợt da ở hai đầu gối, sau lan sang đùi, bụng, ngực và toàn thân. Bệnh nhi đau đớn, tri giác lơ mơ. Gia đình cho biết, em bị bỏng nước nồi canh mẹ vừa nấu. Thay vì đưa con đến viện ngay, mẹ bé lại đưa con sang bà lang cùng xóm, đắp thuốc mỡ và thuốc lá. Chỉ hai hôm sau, tại chỗ vết bỏng có đắp thuốc bị rộp lên, mưng nước. Tình trạng rộp còn lan ra rộng hơn, gia đình sợ quá mới đưa con xuống BVĐK Xanh Pôn. Ngay khi tiếp nhận, các bác sĩ đã tiến hành điều trị loại bỏ thuốc Đông y, bù nước điện giải, tiêm kháng sinh chống viêm và tiêm thuốc bổ trợ sức cho bệnh nhi.

Chỉ một vết bỏng nhỏ, nhưng sâu, cũng nguy hiểm

BS Nguyễn Thống - Trưởng khoa Bỏng, BVĐK Xanh Pôn cho biết, ngày hè, số lượng trẻ nhập viện vì bỏng tăng lên. Ngày thường, 40-60% bệnh nhân đến khám, điều trị là trẻ em, cao điểm có khi tới 70%, đại đa số trong đó là trẻ dưới 1,5 tuổi. Nhưng những ngày hè, các bé lớn tuổi hơn lại vào viện nhiều hơn. Các cháu thường bị bỏng nhiệt (nước sôi, cồn...), bỏng điện (sờ vào các dây điện hở, các thiết bị hở điện). "Gần đây, khoa tiếp nhận nhiều ca bỏng cồn, gồm cả người lớn và trẻ em. Nhiều trường hợp bố nướng mực ăn liên hoan, con 10 tuổi không để ý lại "hứng" ngay lửa cồn táp vào toàn thân" - BS Nguyễn Thống thông tin.

Cũng theo chia sẻ của BS Thống, không thể phủ nhận vai trò, tác dụng của chữa bỏng bằng Đông y. Tuy nhiên phương pháp này đòi hỏi người thầy thuốc phải thực sự có kiến thức chuyên môn, có kinh nghiệm. Còn lại, những ca bỏng được chữa khỏi nhờ các thầy lang trong dân gian thường là những ca nhẹ hoặc có tính chất may rủi, nghĩa là cùng phương thuốc đó nhưng có bệnh nhân khỏi, bệnh nhân không.

BS Thống cũng chia sẻ, có những vết bỏng nông, tổn thương nhẹ nếu giữ vệ sinh tốt có thể không cần dùng thuốc cũng tự khỏi. Nhưng có những trường hợp bỏng không rộng, chỉ một vết nhỏ nhưng bỏng sâu lại có thể gây nguy hiểm.

"Nguyên tắc điều trị là phải kiểm soát vết thương hàng ngày. Không ai đắp lá vào vết thương ở đầu chi như con gái chị Ngần trên đây. Bởi vì nó sẽ tạo thành garo, thiểu dưỡng vết thương, hạn chế oxi, máu đến các đầu chi, khiến vùng da dễ bị hoại tử, vùng vết thương cũng bị dính lâu hơn, khi co đi co lại cũng rất đau. Thêm nữa, một vết bỏng độ 2, đắp thêm lá lại nặng thêm, bình thường chỉ điều trị 1 tuần thì đắp thêm thuốc lá lại mất 2-3 tuần nữa" - BS Thống phân tích.

Các thầy lang thường áp dụng một bài thuốc cho tất cả các bệnh nhân bỏng, điều này rất nguy hiểm. Bằng mắt thường, các thầy lang chỉ có thể biết nhận biết được diện tích vết bỏng lớn hay nhỏ, mà không thể nhận biết được độ nông sâu, mức độ tổn thương của vết bỏng. Trong khi với những ca bệnh nặng ngoài đánh giá bằng cảm quan còn phải dựa vào các xét nghiệm điện giải, chỉ số mạch, huyết áp… từ đó mới đưa ra chỉ định phù hợp. Nếu không đánh giá chính xác được mức độ vết bỏng mà cho đắp thuốc luôn sẽ không kiểm soát được vết thương, dễ gây nhiễm khuẩn, nhiễm trùng vết bỏng.

Ngoài ra, 1 trong 2 công đoạn rất quan trọng trong cấp cứu bệnh nhân bỏng ở 48 giờ đầu tiên là giảm đau. Các thầy lang thường không có kiến thức về tây y nên khó đưa ra chỉ định chính xác về việc dùng thuốc giảm đau cũng như thuốc kháng sinh, trợ sức, an thần, tạo màng… Với những bệnh nhân bị bỏng rộng (ở trẻ em có thể từ bỏng rộng 5% trở lên) thì phải truyền dịch, vì khi bỏng rộng sẽ dẫn đến mất nước, từ đó gây suy tuần hoàn, tăng huyết áp. Thế nhưng các phương pháp điều trị bằng đông y, nhất là điều trị bởi các thầy lang tại địa phương thường không có truyền dịch.

Cẩn trọng khi chữa bỏng bằng Đông y

“Việc sử dụng thuốc đông y bôi, đắp lên các vết bỏng sẽ tạo lớp màng cứng. Khi lớp màng cứng xuất hiện nhiều người lầm tưởng đó là biểu hiện của sự lành vết thương. Trên thực tế, lớp màng cứng này càng khiến tổ chức dưới da không được xử lý kịp thời dẫn đến hoại tử, mưng mủ, khi không thoát được ra bên ngoài sẽ khiến vết bỏng thêm trầm trọng” - BS Nguyễn Thống cảnh báo.

Theo Thu Nguyên - Gia đình và Xã hội

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X