Hotline 24/7
08983-08983

Con người đằng sau hình ảnh 'không bao giờ cười' của Quốc vương Thái

Đằng sau vẻ nghiêm trang và gương mặt không bộc lộ cảm xúc của Quốc vương Thái Lan Bhumibol Adulyadej là một con người dung dị, hài hước, gần gũi với người dân.

con-nguoi-dang-sau-hinh-anh-khong-bao-gio-cuoi-cua-quoc-vuong-thai

Nhà báo Denis Gray (trái) diện kiến Quốc vương Bhumibol Adulyadej ở Bangkok vào năm 2008. Ảnh: AP

Một nhà viết tiểu sử từng miêu tả rằng Quốc vương Thái Lan Bhumibol Adulyadej là nhà vua "không bao giờ cười". Song hồi ức sống động của nhà báo hãng tin AP Denis Gray về quân vương trị vì lâu nhất thế giới này có phần khác.

Lần cuối Gray gặp Quốc vương Bhumibol là một buổi tối năm 2008, nhà vua mặc bộ âu phục, ngồi nghỉ ngơi trên ghế sofa và tươi cười. Đằng sau cánh cửa đóng kín ở Cung điện Chitralada ở Bangkok, nhà vua dường như hào hứng trò chuyện với một nhóm nhỏ nhà báo nước ngoài.

Khác xa với ngôn ngữ thường khá cứng nhắc trong các bài phát biểu trước công chúng, nhà vua nhắc đến nhiều giai thoại sống động và nói đùa bằng tiếng Anh rất trôi chảy khi nói chuyện với các nhà báo.

Ông nói hơn hai tiếng đồng hồ về nhạc jazz, hoàng tộc, những chú chó cưng, tuổi già và những mặt trái của các sân golf và các con đập. Một số cố vấn của nhà vua ghi nhận rằng ông dường như cảm thấy thoải mái hơn khi trò chuyện với người nước ngoài, vì không gặp các rào cản nghi thức như hầu hết thần dân Thái Lan.

Cuộc gặp tối hôm đó là một trong vài lần Gray nhận thấy một số mặt tương phản bên trong một nhân cách phức tạp khó có thể thấu hiểu của Quốc vương, bởi khí chất như "vị thánh sống" của ông cũng như luật lệ hà khắc cấm chỉ trích nhà vua và hoàng tộc.

Trong con người Quốc vương dường như tồn tại hai mặt tương phản: sự tuân thủ nghiêm ngặt đối với nghi thức truyền thống và nét thân mật hiện đại, thái độ nghiêm trang và tính hài hước sẵn có, phong cách giản dị và vị thế của một quốc vương được cho là giàu nhất thế giới hoàng tộc, với giá trị của cải lên đến 30 tỉ USD.

Con người của ông dường như là sự pha trộn giữa một tín đồ Phật giáo với một tính cách phóng khoáng kiểu phương Tây, có thể được hình thành vì ông sinh ra ở bang Massachusetts, Mỹ và trải qua những năm tháng trưởng thành ở Thụy Sĩ.

"Mẹ khen tôi khi tôi làm điều gì đó tốt, rồi sau đó, bà sẽ nói 'Đừng tự mãn'. Bà tung tôi lên cao bằng một quả bóng bay rồi chọc thủng nó", nhà vua nói với Gray trong cuộc phỏng vấn năm 1982, một trong những lần hiếm hoi ông trả lời báo chí.

Gần gũi

Gray lần đầu diện kiến nhà vua vào cuối thập niên 1970 và tháp tùng ông trong các chuyến thăm khu vực miền núi phía bắc, những vựa lúa ở vùng đông bắc và các cộng đồng Hồi giáo ở sâu phía nam Thái Lan.

Thời đó, khoảng 80% dân số Thái Lan sống ở vùng nông thôn, nước này chưa trở thành một nền kinh tế năng động và điểm đến du lịch như hiện giờ. Đây là thời kỳ Quốc vương Bhumibol bắt đầu khởi xướng và đích thân giám sát các dự án về sức khỏe, giáo dục, giảm nghèo, quản lý nguồn nước và xóa bỏ cây thuốc phiện.

"Người ta nói rằng một vương quốc giống như một kim tự tháp: vua ở trên đỉnh và thần dân ở phía dưới. Nhưng ở đất nước này, đó là một kim tự tháp lộn ngược", nhà vua nói rồi bật cười khi chỉ vào vai mình: "Đó là lý do tại sao tôi thỉnh thoảng bị đau ở đây".

con-nguoi-dang-sau-hinh-anh-khong-bao-gio-cuoi-cua-quoc-vuong-thai-1

Quốc vương Bhumibol tiếp xúc với dân thường những năm 1970. Ảnh: Wordpress

Nhà vua rất khỏe mạnh ở độ tuổi 40. Ông có thể chạy bộ 3 km mỗi ngày và sau đó thực hiện các động tác chống đẩy.

Một hôm, nhà vua, hoàng hậu và người con gái lớn đi trực thăng đến một trạm thực nghiệm nông nghiệp ở tỉnh Chiang Mai vào buổi sáng. Quốc vương đã phải thức đến 2h sáng vào đêm hôm trước để chuẩn bị. Mặc chiếc áo khoác thể thao màu xám và đi đôi bốt quân đội, ông mang theo một bản đồ tỉ lệ 1:50.000, một máy ảnh có ống kính 35 mm và một chiếc bộ đàm.

Sau khi đến nơi, ông lại tiếp tục hành trình tất bật khi di chuyển bằng xe jeep và đi bộ, để gặp và nghe người dân bộ tộc trình bày những khó khăn và nghe các quan chức báo cáo.

Đến 20h30 tối, đoàn người hoàng gia quay trở về cung điện Bhuping tại Chiang Mai, nơi họ tiếp khoảng 100 khách.

Bầu không khí cuộc gặp rất êm dịu với thực đơn Pháp hảo hạng. Nhưng tại bàn của hoàng gia, cuộc chuyện trò lại xoay quanh những con đập, thành phần đất và thậm chí cả phân bón.

"Chắc Hoàng hậu đã nói với anh rồi: Chúng tôi không có cuộc sống riêng, tách biệt khỏi người dân", Quốc vương Bhumibol sau đó nói.

Trong khi phần lớn nghi thức hoàng gia được lược bỏ trong các chuyến đi như vậy, thì tại các cung điện và các sảnh lễ tân ở Bangkok, các quan chức, triều thần và những người thỉnh cầu ân huệ sẽ phải quỳ và lết người đến trước khi tâu chuyện với nhà vua bằng ngôn ngữ hoàng gia cổ xưa.

Một tháng sau chuyến thăm đến trạm thử nghiệm nông nghiệp, nhà vua trở lại khu vực đồi núi để gặp 5 người dân thuộc bộ tộc Lahu muốn thỉnh cầu ông hỗ trợ lấy lại đất bị bộ tộc khác cướp mất.

Khi nói chuyện, một người trong bộ tộc đang xỉa răng, còn những người khác thì nhai trầu. Nhà vua trải tấm bản đồ xuống mặt đất và quỳ xuống xem để tìm hiểm vấn đề, trên mặt ông lấm tấm mồ hôi trộn lẫn với bụi đất đỏ vùng cao nguyên.

Nhà vua rõ ràng thích những cuộc gặp gỡ như vậy - trò chuyện vui vẻ với những người dân nông thôn khi tìm cách giải quyết vấn đề cho họ, thậm chí cả vấn đề hôn nhân.

Ông có lần kể về một người bộ tộc sống ở vùng núi có người vợ bỏ đi, sau khi ông ta bỏ ra hai con lợn để mua cô này về làm vợ. Nhà vua quyết định rằng người chồng cần được đền tiền, nhưng phải để cho người vợ được tự do.

"Vấn đề duy nhất là tôi là người trả tiền. Thế nên nhẽ ra người phụ nữ đó phải thuộc về tôi", ông nói đùa.

Trong cuộc phỏng vấn do Denis Gray thực hiện cho tạp chí National Geographic năm 1982, Quốc vương Bhumibol tỏ ý rằng trong thời kỳ hiện đại, sự thành công của hoàng gia phụ thuộc rất lớn vào con người ngồi trên ngai vàng chứ không phải chiếc ngai vàng. Và sự thành công của ông với tư cách là một quân vương đến từ công lao của chính ông đối với đất nước và người dân, chứ không phải chỉ dựa vào thừa kế ngôi vị.

Để nhấn mạnh rõ quan điểm của mình, nhà vua kể: "Hoàng tử Sri Visar rất giỏi xem chỉ tay. Cậu ấy có lần xem tay cho tôi và nói: "Thưa bệ hạ, đường chỉ tay cho thấy ngài là con người thành công bằng nỗ lực của chính mình".

Theo Hồng Vân - VnExpress

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X