Hotline 24/7
08983-08983

Chuyện ít biết về người đàn bà là cánh tay phải của ông Putin

Giá dầu lao dốc cùng với lệnh trừng phạt kinh tế đến từ phương Tây đã khiến nền kinh tế Nga lao đao trong suốt thời gian dài.

Thế nhưng những chính sách tiền tệ cương quyết của Ngân hàng Trung ương Nga đã phần nào hồi phục nền kinh tế xứ sở bạch dương trong cơn bão khủng hoảng. Ít ai biết rằng, vị “cứu tinh” đứng đằng sau những quyết sách đó lại là một phụ nữ 53 tuổi, được biết đến như “cánh tay phải” của Tổng thống Putin.

Elvira Nabiullina -"Người đàn bà thép" vực dậy nền kinh tế Nga (ảnh: Alchetron)

Xuất thân “tầm thường” nhưng nỗ lực “phi thường”

Bà Elvira Nabiullina sinh năm 1963 tại thành phố Ufa. Bà tốt nghiệp Đại học quốc gia Moskva chuyên ngành kinh tế vào năm 1986 và nhận bằng tiến sỹ năm 1990. Bà từng giữ chức Bộ trưởng Bộ Phát triển Kinh tế và thương mại Nga trong giai đoạn 2007 - 2012. Sau đó, bà được bổ nhiệm làm cố vấn kinh tế cho Tổng thống Putin.

Tháng 3/2013, bà Nabiullina đã được Tổng thống Putin giới thiệu là ứng cử viên cho chức vụ Thống đốc của Ngân hàng Trung ương Nga (CBR). Quyết định bổ nhiệm bà Elvira Nabiullina giữ chức Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga sau đó đã được quốc hội nước này thông qua vào tháng 4, với 360 phiếu thuận, 20 phiếu chống, 1 phiếu trắng.

Elvira Nabiullina lần đầu tiên biết đến chủ nghĩa tư bản từ những năm tháng còn ngồi trên giảng đường đại học, khi bà ghi danh vào một khóa học có tên “Phê bình lý thuyết kinh tế phương Tây”. Đối với một người hoạt động trong ngành ngân hàng hiện đại thì đó là một sự khởi đầu khá bất thường. Thế nhưng đó không phải là mâu thuẫn duy nhất của Nabiullina.

Nền kinh tế Nga, vốn bị lũng đoạn bởi nạn tham nhũng và chạy chọt, đã gần như suy sụp sau lệnh cấm vận đến từ phương Tây cùng với sự lao dốc không thể kìm hãm của giá dầu mỏ và khí đốt toàn cầu, trong khi năng lượng lại là nguồn thu nhập chính của nước Nga. Thế nhưng dưới sự chỉ đạo của bà Nabiullina, CBR đã “lèo lái” thành công con thuyền kinh tế Nga ra khỏi khủng hoảng.

Là một người có tính cách ôn hòa, bà Nabiullina có gốc gác khá khiêm tốn. Mẹ bà là công nhân trong một nhà máy, trong khi người cha làm nghề lái xe. Xuất thân trong một gia đình hoàn toàn không có truyền thống làm kinh tế, song Nabiullina đã nhanh chóng trở thành “đầu tàu” trong công cuộc chuyển đổi nền kinh tế Nga sang thể chế kinh tế thị trường.

Khi Vladimir Putin trở thành Tổng thống Nga vào năm 2000, ông tuyên bố sẽ sớm giải quyết những hỗn loạn còn tồn đọng từ những năm 90 của thế kỷ trước. Thế nhưng theo cựu Bộ trưởng Kinh tế Nga Yevgeny Yashin, ông Putin hoàn toàn “không có định hướng rõ ràng” cho nền kinh tế còn đang mắc kẹt trong những “mớ bòng bong” thời kỳ hậu Liên Xô.

Do vậy, nhà lãnh đạo nước Nga đã giao phó chính sách kinh tế cho một nhóm chuyên gia kinh tế có quan điểm bảo thủ, trong đó có bà Nabiullina, người trở thành Thứ trưởng Bộ Kinh tế năm 2000 rồi lên làm Bộ trưởng bảy năm sau đó.

Được biết, ông Putin thường xuyên sử dụng một đường dây nóng đến CBR để điện đàm các vấn đề chiến lược với bà Nabiullina. Một quan chức giấu tên cho biết, khi điện thoại từ Tổng thống gọi đến, tất cả nhân viên phải đi ra khỏi phòng để một mình Thống đốc Nabiullina nói chuyện.

Bà Nabiullina trong cuộc trao đổi với Tổng thống Putin (ảnh: Alamy)

Thời gian giữ chức vụ người đứng đầu Bộ Kinh tế đã cung cấp cho bà Nabiullina những kinh nghiệm mà theo bà là “có ảnh hưởng sâu sắc” đến hướng tiếp cận của bà đối với các vấn đề cốt lõi của nền kinh tế. Vào năm 2012, tạp chí Forbes đã bình chọn nữ Thống đốc Ngân hàng Nga là một trong những người phụ nữ quyền lực nhất thế giới.

"Người đàn bà thép" một tay vực dậy nền kinh tế Nga

Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009, khi giá dầu liên tục chạm đáy và nền kinh tế thế giới suy thoái, đã phơi bày sự phụ thuộc của kinh tế Nga vào các quỹ nước ngoài không bền vững và các nhà đầu tư nhỏ lẻ. Khi các nhà đầu tư này thoái vốn, CBR đã phải “ra tay” cứu vãn đồng rúp, gây nên thiệt hại hơn 200 tỷ USD trong các quỹ dự trữ ngoại tệ chỉ trong vài tháng. Bên cạnh đó, các hoạt động cho vay bị thắt chặt trên khắp nền kinh tế. Hậu quả là, GDP của Nga sụt giảm tới 8% trong năm 2009.

Trước viễn cảnh nền kinh tế có thể sụp đổ bởi sự chông chênh của giá dầu thế giới, Nga đã ban hành hai bộ cải cách mang tính thay đổi bước ngoặt. Trước tiên, chính phủ đã đa dạng hóa các nguồn vay vốn. Trong năm 2013, Nga cho phép hai trung tâm lưu ký chứng khoán có trụ sở tại nước ngoài là Euroclear và Clearstream quản lý một số trái phiếu nhất định của Nga.

Theo ông Jan Dehn, một nhà quản lý quỹ thuộc Công ty quản lý đầu tư Ashmore (Anh), chính sach này giúp thu hút các nhà đầu tư, những người có xu hướng thờ ơ với những biến động của nền kinh tế và chỉ có nhu cầu mua lại tài sản với giá rẻ.

Bà Nabiullina đã đưa ra hai quyết sách quan trọng mang tính bước ngoặt đối với kinh tế Nga (ảnh: Vedomosti)

Trước những điều chỉnh của bà Nabiullina đối với thị trường đầu tư trong nước, nguồn vốn rót vào nền kinh tế Nga cũng đã trở nên ổn định hơn. Trong năm 2013, nợ công nằm trong tay các nhà đầu tư trong nước tăng từ 66% lên 70%. Trong khi đó, Ngân hàng Goldman Sachs ước tính quỹ hưu trí Nga, được quản lý bởi CBR, sẽ tăng từ 60 tỷ USD ở hiện tại lên tới 200 tỷ USD vào năm 2020.

Theo ông Dehn, sự đa dạng hóa dòng vốn sẽ khiến nền kinh tế Nga ít “đói” vốn hơn trước. So với quy mô của nền kinh tế, nguồn vốn rút khỏi khu vực kinh tế tư nhân trong năm 2014-2015 đã giảm đi rất nhiều so với thời kỳ 2008-2009. Trong năm 2015, GDP của Nga giảm 4%, khả quan hơn nhiều so với 7 năm về trước, cho dù giá dầu suy giảm thảm hại hơn.

Sự thay đổi lớn thứ hai trong chính sách kinh tế của Nga liên quan đến nguồn dự trữ ngoại tệ. Nhờ giá dầu tăng trở lại, nước này đã tăng dự trữ từ 140 tỷ USD trong năm 2009-2013 lên tới hơn 500 tỷ USD (tương đương 1 phần 5 GDP).

Bước đệm này tạo điều kiện cho Nga có thể tích cực theo đuổi một chính sách đối ngoại cứng rắn, bởi nước này không cần phải nhờ cậy vào gói cứu trợ đến từ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) như đã từng phải làm trong năm 1998. Động thái này có thể không đem lại lợi ích ngắn hạn cho đất nước, thế nhưng lại tạo cơ hội cho bà Nabiullina “trổ tài” thao lược trên mặt trận kinh tế Nga.

Để duy trì nguồn dự trữ ngoại tệ khi giá dầu bắt đầu có dấu hiệu suy giảm, bà Nabiullina đã ngay lập tức tiến hành kế hoạch thả nối đồng rúp. Theo đó, đồng nội tệ của Nga đã rớt giá tới 40% so với đồng USD chỉ tính riêng trong năm 2015. Trước đó, chính phủ Nga đã nhiều lần thực hiện chính sách phá giá đồng rúp nhằm ổn định sức mua của người dân, thế nhưng điều đó cũng đồng nghĩa với việc “đốt” thêm nguồn ngoại tệ dự trữ.

Do vậy, CBR đã quyết định chuyển nguồn USD vào các ngân hàng và công ty năng lượng bị phương Tây cấm vận nhằm giúp họ trả nợ nước ngoài. Dự trữ ngoại tệ cũng được CBR sử dụng để bù đắp cho các khoản thâm hụt ngân sách. Khi giá dầu thế giới phục hồi, CBR sẽ tiếp tục tăng nguồn dự trữ ngoại tệ, với mục tiêu lại đạt mức 500 tỉ USD.

Một trong những quyết sách của bà Nabiullina là phá giá đồng nội tệ (ảnh: Bloomberg)

Đồng rúp rớt giá đã khiến lạm phát tại Nga leo thang, hàng nhập khẩu trở nên đắt đỏ hơn. Hệ quả là, tiền lương thực tế được điều chỉnh theo lạm phát đã giảm hơn 10% kể từ năm 2014. Trước tình hình trên, trong năm 2014, CBR đã ban bố mức lãi suất mới ở mức 14% nhằm ngăn ngừa sự sụp đổ của đồng nội tê.

Lãi suất cao cũng hỗ trợ kiềm chế lạm phát, hiện đang ở mức 7%. Trong thời gian tới, CBR đặt mục tiêu hạ mức lạm phát xuống còn 4%. Bà Brigit Hansl đến từ Ngân hàng thế giới đã ca ngợi những quyết sách của bà Nabiullina “đã phản ánh sự quyết tâm của Ngân hàng trung ương Nga trong thực hiện những điều phải làm cho đất nước, bất kể tình hình chính trị có như thế nào.”

Theo lời nữ Thống đốc, những bước đi đó “đau đớn, nhưng cần thiết” cho nền kinh tế. Để xoa dịu nỗi đau, chính phủ đã dành 3% GDP để tái cấp vốn cho các ngân hàng đang hoạt động tốt và đền bù cho người dân đã gửi tiền vào những ngân hàng yếu kém.

Ngoài ra, CBR cho phép các ngân hàng tạm thời được định giá lại các khoản nợ bằng ngoại tệ tại tỷ giá hối đoái trước khủng hoảng. Quyết định này đã đem đến sự ổn định trong cân đối thu chi của các ngân hàng, qua đó giúp các ngân hàng này được cho vay nhiều hơn.

CBR cũng cho phép các ngân hàng hoãn thu hồi các khoản nợ lớn, một quyết định nhận được sự hoan nghênh từ chính IMF. Tất cả các biện pháp này đã được đền đáp: những khoản nợ xấu đã được duy trì ở mức thấp hơn so với giai đoạn 2008-2009, đồng thời các khoản tiền gửi ngân hàng đang có dấu hiệu tăng trưởng trở lại.

Kinh tế nước Nga dần phục hồi dưới bàn tay lèo lái của nữ Thống đốc Ngân hàng Trung ương (ảnh: The automatic earth)

Trong cùng thời gian đó, bà Nabiullina đã thắt chặt cơ chế giám sát. Theo ông Oleg Vyugin, chủ tịch Ngân hàng MDM Bank và từng là Phó thống đốc CBR: “Bà ấy đã được Theo ông Oleg Vyugin, Tổng thống trao toàn quyền theo dõi các ngân hàng từng thuộc diện “bất khả xâm phạm” trước đó”. Kể từ năm 2014, khoảng 200 ngân hàng đã bị rút giấy phép, chiếm khoảng 1 phần 5 tổng số ngân hàng đang hoạt động trên cả nước.

Triển vọng kinh tế Nga

Tuy nhiên triển vọng kinh tế dài hạn vẫn rất khó khăn đối với nước Nga. Những người chỉ trích bà Nabiullina cho rằng chính sách thắt chặt tiền tệ của CBR là thủ phạm khiến các nhà đầu tư nước ngoài tỏ ra “dè dặt” hơn với thị trường Nga. Thế nhưng trong năm ngoái, lợi nhuận của các tập đoàn đã tăng 50% khi giá trị đồng rúp tăng lên, qua đó tạo điều kiện cho các công ty này có thêm nhiều tiền mặt để đầu tư.

Trong các cuộc điều tra thường kỳ, các công ty cho rằng chính các chính sách không nhất quán, thay vì phải lãi suất cao, mới là rào cản cho các hoạt động đầu tư. Bà Nabiullina đồng tình với ý kiến trên. “Suy thoái kinh tế của chúng ta là hệ quả đến từ các yếu tố thượng tầng”, bà đánh giá.

Nhưng điều khiến “người đàn bà thép của nước Nga” lo ngại nhất không phải là sự suy giảm kéo dài của giá dầu, mà chính là cách thức để Nga có thể “nhanh chóng và tự động” cải thiện môi trường kinh doanh của mình. Cho đến lúc đó, CBR sẽ đóng vai trò quan trọng hơn trong công cuộcđưa nền kinh tế Nga tiến lên.

Theo Vân Hồng - VnTinnhanh - Đại Đoàn Kết

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X