Hotline 24/7
08983-08983

Chóng mặt: Mỗi độ tuổi một nguyên nhân

Chóng mặt là triệu chứng rất hay xảy ra và thường khó diễn tả. Thuật ngữ này dùng để chỉ sự suy giảm về nhận thức không gian và về sự thăng bằng.

>> TƯ VẤN TÂM LÝ - KHÁM BỆNH MIỄN PHÍ TẠI AloBacsi.vn

Chóng mặt được biểu hiện dưới nhiều dạng: chóng mặt kiểu xoay tròn, chóng mặt kiểu sắp xỉu, chóng mặt kiểu mất thăng bằng và chóng mặt không đặc hiệu như choáng váng lảo đảo hay ngây dại. Căn nguyên chóng mặt thay đổi tùy theo tuổi. Ở người cao tuổi thường do tổn thương tiền đình trung ương, phần lớn do đột quỵ (khoảng 20%). Còn chóng mặt không đặc hiệu và trạng thái như sắp xỉu thì gặp nhiều hơn ở người trẻ.

Có thể tai biến nếu chóng mặt kiểu xoay tròn

Chóng mặt kiểu xoay tròn (hay còn gọi là rối loạn tiền đình) thường hay gặp nhất, chiếm khoảng 50% trường hợp. Khi gặp hiện tượng này người bị có ảo giác như mình hoặc mọi vật chung quanh đang xoay vòng vòng. Có khi thấy mọi vật như chuyển động theo chiều dọc hoặc có cảm giác như đang ngồi trên ghế đu đưa, hay đang đứng trên boong tàu giữa biển. Người bị rất lo âu bối rối, thường có kèm buồn nôn và nôn.

Chóng mặt kiểu này không bao giờ kéo dài, thường giảm trong vài tuần. Các chóng mặt kéo dài trong nhiều tháng thường là do nguyên nhân tâm lý hoặc do các nguyên nhân không phải từ tiền đình.

Kiểm tra huyết áp là cách tầm soát các triệu chứng đột quỵ, huyết áp cao đối với người cao tuổi khi bị chóng mặt.


Nguyên nhân có thể là: Các cơn chóng mặt ngắn xảy ra khi thay đổi tư thế đầu, viêm thần kinh tiền đình, sau chấn thương sọ não, viêm tai-xương chũm mạn tính, xơ cứng tai, một số thuốc gây tổn thương tiền đình-ốc tai (vài thuốc kháng sinh, thuốc lợi tiểu, thuốc chống ung thư, thuốc giảm đau, rượu, xạ trị).

Một số nguyên nhân có thể nguy hiểm đến tính mạng như tai biến mạch máu ở thân não hay tiểu não, u góc cầu tiểu não và xơ cứng rải rác từng đám. Khi có những triệu chứng chóng mặt kiểu xoay tròn cần đến khám ở chuyên khoa Nội thần kinh hoặc chuyên khoa Tai mũi họng để được chẩn đoán nguyên nhân và có hướng chữa trị thích hợp.

Chóng mặt kiểu sắp xỉu khác với mất thăng bằng

Sắp xỉu là triệu chứng báo trước cơn ngất xỉu, thường xảy ra trong vài giây đến vài phút và người bệnh cảm thấy đầu váng, mắt hoa, yếu cơ bắp, chân nặng như đá, rồi trời đất như tối sầm lại, toát mồ hôi, da lạnh, mặt xanh tái và cảm thấy như sắp ngất choáng thực sự. Cơn chóng mặt thường xảy ra khi đang đứng hay ngồi thẳng và không xảy ra khi nằm ngửa.

Ngất xỉu hay bất tỉnh là tình trạng mất hay suy giảm ý thức tạm thời do giảm lưu lượng máu lên não đột ngột. Nguyên nhân có thể là: Loạn nhịp tim (nhịp nhanh hay chậm), suy tim, bệnh mạch vành, hạ huyết áp thế đứng, giãn mạch đột ngột (cơn vận mạch phế vị), hạ đường huyết, mất máu cấp, dùng thuốc hạ huyết áp, lợi tiểu. Đây là một cấp cứu nội khoa đòi hỏi phải chẩn đoán nhanh nguyên nhân và hướng xử trí thích hợp.

Cảm giác mất thăng bằng xuất hiện chủ yếu khi đi bộ, thường xảy ra ở người lớn tuổi. Bệnh nhân rất hay bị té ngã về một hướng cụ thể, thường không kèm theo buồn nôn hay nôn.

Mất thăng bằng có thể do tổn thương thần kinh ngoại biên, rối loạn cơ xương khớp ảnh hưởng đến dáng đi, rối loạn tiểu não tiền đình, thoái hóa cột sống cổ, bệnh Parkinson. Tổn thương thị giác làm gia tăng mất thăng bằng.

“Không biết tại sao lại thấy chóng mặt”


Đây là kiểu chóng mặt không đặc hiệu, người bệnh thường chỉ có thể diễn tả như thế. Cảm giác cảm nhận được là váng đầu, ngây ngây, choang choáng, không có cảm giác mọi vật chung quanh quay cuồng, cũng không có cảm giác sắp xỉu hoặc mất thăng bằng khi đi lại.

Chóng mặt không đặc hiệu thường có nguồn gốc tâm thần: Trầm cảm nặng, rối loạn lo âu hay loạn thần và còn lại là rối loạn dạng cơ thể, nghiện rượu và rối loạn nhân cách. Chóng mặt kiểu này thường nặng lên từ từ, lúc tăng lúc giảm, kéo dài khoảng 20 phút hay lâu hơn và khỏi dần. Chóng mặt không đặc hiệu là một trong những định bệnh nhiều nhất (chiếm đến 20%-25% các trường hợp chóng mặt, chỉ đứng sau chóng mặt kiểu xoay tròn).

Sơ cứu khi bị chóng mặt là tránh thay đổi tư thế đột ngột như đang nằm ngồi dậy nhanh hay xoay nhanh sang hai bên, không nên cúi hay ngửa đầu hoặc xoay đầu quá mức. Cần hạn chế các chất có thể làm giảm tuần hoàn não như cà phê, thuốc lá, ăn mặn. Cần tránh các yếu tố có nguy cơ gây chóng mặt như tình trạng căng thẳng, các chất gây dị ứng. Không làm các công việc nguy hiểm khi đang chóng mặt như lái xe, leo trèo cao.

Khi nào nên đi bác sĩ?

Dù chóng mặt ít khi là dấu hiệu của bệnh nặng nhưng nếu thấy một trong những triệu chứng sau đây thì phải đi khám bác sĩ: cơn nhức đầu bất thình lình, mờ mắt, giảm thính giác, mất định hướng với không gian và thời gian, nói khó khăn, tay chân run, yếu, mê, đi lại lảo đảo muốn té ngã, tê các đầu ngón chân tay, đau ngực hoặc nhịp tim nhanh hay chậm. Các dấu hiệu đó có thể báo hiệu bệnh nặng như tai biến mạch máu não, u não, bệnh Parkinson, bệnh tim mạch, bệnh xơ cứng rải rác.
AloBacsi.vn (Theo Pháp luật TPHCM)

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X