Hotline 24/7
08983-08983

Chiếc kẹp mắc lại, chất lượng bệnh viện ra đi

Sự việc nhân viên bệnh viện đa khoa Bắc Kạn để sót chiếc kẹp phẫu thuật (pince) trong người ông M.V.N, 54 tuổi, quả là câu chuyện hy hữu.

Dụng cụ cuộc mổ phải được quản lý số lượng chặt chẽ để giảm thiểu việc sót lại trong người bệnh nhân.

Dư luận đòi hỏi xử lý trách nhiệm kíp mổ, nhưng vấn đề lớn hơn đặt ra là việc quản lý chất lượng bệnh viện cần thực chất hơn, không thể hình thức và chạy theo phong trào.

Cộng đồng mạng có người đề cử vụ việc ông N. vào sách kỷ lục Guinness vì thời gian sót kẹp kéo dài đến 18,5 năm. Trong từng ấy năm, nạn nhân không hay biết gì, không một triệu chứng bất thường, và mọi việc chỉ được phát hiện khi gần đây nạn nhân bị tai nạn giao thông, vào bệnh viện bác sĩ siêu âm mới thấy dị vật trong bụng.

Ông N. không biết mình mang vật lạ, nhưng êkíp mổ cho ông năm đó khó nói không biết có sơ sót xảy ra khi bộ dụng cụ phẫu thuật sau mổ thiếu đi một chiếc kẹp. Trong một ca mổ quy ước, số lượng dụng cụ phẫu thuật được ghi nhận rất cẩn thận để trước và sau mổ số lượng này phải ăn khớp nhau. Nếu thiếu một dụng cụ, kíp mổ phải tầm soát cho ra để tránh chuyện sót lại nơi bệnh nhân.

Thực tế thì sót đồ trong người bệnh nhân sau mổ là chuyện không hiếm. Một điều tra tại Mỹ từ năm 2005 - 2012, cho thấy ở nước này có 772 bệnh nhân bị sót đồ trong người sau mổ. Số vụ tai biến y khoa này khiến 16 người tử vong và 95% trường hợp làm cho bệnh nhân phải nằm lại bệnh viện dài ngày hơn, thiệt hại vật chất lẫn tinh thần cũng nhiều hơn.

Câu chuyện ở Mỹ được nhìn thẳng vào sự thật, vì thế cuộc điều tra ở Mỹ do một tổ chức phi lợi nhuận (The Joint Commission) tiến hành, và báo cáo cũng chỉ nhằm giảm thiểu tai biến cho bệnh nhân, nâng chất lượng bệnh viện lên mức cao nhất.

Ở nước ta trong vài năm gần đây bộ Y tế khởi xướng phong trào quản lý chất lượng bệnh viện. Đây là một xu thế đúng, đáp ứng đúng mục tiêu “lấy bệnh nhân làm trung tâm”, góp phần mang lại niềm tin cho người dân sau hàng loạt lùm xùm tai biến y khoa bao năm qua. Nhưng mọi chuyện có đi đúng thực chất hay không?

Kiểm tra định kỳ là “cuộc sát hạch” quan trọng nhất trong năm vì hoạt động bệnh viện suốt một năm sẽ được đánh giá, từ đó bệnh viện làm tốt sẽ nhận được các phần thưởng, danh hiệu thi đua và thành tích để báo cáo. Thành viên các đoàn kiểm tra này thường là đại diện của bộ hay sở y tế và những bệnh viện bạn. Nhưng theo một số thành viên, các đoàn kiểm tra này ít nhiều… mang tính hình thức.

Bác sĩ P., nguyên giám đốc một bệnh viện lớn tại TPHCM, nói: “Người ta thường cả nể và xí xoá lỗi cho nhau, vì năm này tôi kiểm tra bệnh viện anh, nhưng năm sau biết đâu anh lại kiểm tra bệnh viện tôi. Mặt khác, nếu tôi làm thật, báo cáo thật thì bệnh viện tôi chẳng được gì mà còn bị hạ thành tích, ảnh hưởng đến thi đua”.

Dù không nói ra, nhưng ai cũng biết một điều là trong hệ thống bệnh viện nước ta hiện nay chẳng ban giám đốc bệnh viện nào dại gì “trình báo” các vụ sơ suất hay tai biến y khoa của bệnh viện mình. Vì thành tích chung của tập thể mà mọi sai sót cá nhân phải được giấu nhẹm và cũng vì “văn hoá trừng phạt” có thể đổ ập lên đầu bất kỳ cá nhân nào nếu sai sót được tự giác nói ra. Vì thế, vào tháng 6.1998 có thể một thành viên nào đó trong kíp mổ cho ông N. phát hiện thiếu một chiếc kẹp, nhưng họ không dám báo cáo, vì như thế chỉ tổ rắc rối cho mình.

Thật tình cũng khó xử lý trách nhiệm kíp mổ trong vụ việc này, vì theo một giám đốc bệnh viện, theo quy định thì hồ sơ bệnh án chỉ lưu trữ 10 - 15 năm, trong khi ca mổ cho ông N. lại cách đây gần hai thập kỷ. Nhưng sao lại xử lý lỗi cá nhân, trong khi lỗi hệ thống mới đáng cần xử lý? Và hơn thế nữa, từ sự cố này biện pháp phòng ngừa nào được đặt ra, để không còn hoặc giảm thiểu những vụ việc tương tự?

Từ cuộc điều tra sót đồ trong người bệnh nhân sau mổ tại Mỹ, người ta nhận diện ra nhiều vấn đề như quy trình mổ chưa chặt chẽ, thiếu thông tin giữa những bác sĩ mổ chính, huấn luyện nhân viên chưa tốt. Từ đây nhóm nghiên cứu đề xuất một quy trình nghiêm nhặt hơn như cần hai người đếm dụng cụ (một điều dưỡng và một kỹ thuật viên) sau đó một bác sĩ phẫu thuật sẽ kiểm tra lại. Việc làm này phải được thực hiện trước khi mổ, trước khi đóng da bệnh nhân  lại và sau khi cuộc mổ kết thúc. Giải pháp đã cho thấy giảm được đến 50% sự cố y khoa chỉ trong một năm ở một bệnh viên nhi đồng.

Giới quản lý có thực tâm “lấy bệnh nhân làm trung tâm” hay không? Ca mổ lại để lấy chiếc kẹp ra khỏi người ông M.V.N diễn ra vội vàng vào ngày cuối năm dương lịch 31.12. Đó là thời điểm tốt đẹp để dư luận chẳng còn ai chú ý vì ai cũng tất bật cho năm mới. Và như thường lệ cho các sự cố y khoa, bộ Y tế cũng ra thông báo yêu cầu BV Bắc Kạn báo cáo vụ việc và xử lý nghiêm những cán bộ liên quan. Thế nhưng theo một cán bộ quản lý, đây chỉ là “chiêu trấn an dư luận”.

Bao giờ quản lý chất lượng bệnh viện ở nước ta mới đi vào thực chất để giảm thiểu những sự cố y  khoa?

Theo Phan Sơn - Thế giới tiếp thị

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X