Hotline 24/7
08983-08983

Chân gà, mực tươi ngon nhờ ngâm hóa chất

Thực phẩm bẩn bày bán tràn lan nhưng không thấy cơ quan chức năng nào ngó ngàng đến. Người bán vô tư “biến” hàng ôi thiu thành hàng mới để lừa người tiêu dùng.…

Dạo một vòng quanh các chợ lẻ ở TP.HCM, thấy rất nhiều người tiêu dùng đang đứng chọn chọn, lựa lựa những con mực tươi roi rói, trắng phếu tại các hàng bán mực, hải sản… nhưng ít ai ngờ để có được những con mực tươi rói này, người bán đã ngâm tẩm chúng bằng hoá chất độc hại.

Tại khu vực lề đường bên hông chợ trong khu vực TP.HCM, khoảng 5 giờ sáng, chúng tôi chứng kiến cảnh những người bán mực thực hiện công đoạn làm mới rất thuần thục. Đập vào mắt chúng tôi là những sọt mực bốc mùi hôi nồng nặc, ngả màu tím đen, bên cạnh là một vài chiếc xô đang được bơm nước. Họ cho vào xô một ít nước màu đục đã chuẩn bị trước và khuấy tan đều ra, kế đến họ hốt mực bỏ vào xô, tiếp tục trộn và ngâm.

Đến khi trời sáng, mực được vớt ra bán, khá nhiều người ghé lại mua, có người còn khen mực tươi, ngon. Khảo sát tại nhiều chợ lẻ khác... cũng thấy tình trạng mặt hàng mực được ngâm hoá chất tràn lan.

Còn mặt hàng chân gà, thường được chế biến thành chân gà nướng, chân gà luộc, chân gà hấp, chân gà làm gỏi… Món ăn khoái khẩu này cũng bị ngâm tẩm hoá chất độc hại (chủ yếu chất tẩy trắng công nghiệp). Ngoài nguồn chân gà nhập khẩu chính thức vào Việt Nam, được cơ quan chức năng giám sát, lấy mẫu kiểm tra nếu đạt mới được phép tiêu thụ thì còn một nguồn cung lớn khác lâu nay tiêu thụ trong nước mà không có cơ quan chức năng giám sát, kiểm tra là nguồn tạm nhập tái xuất. Nguồn này hầu hết đều là phế phẩm  được thu gom từ các trang trại gà của các nước, chủ yếu dùng để sản xuất thức ăn chăn nuôi.

Do đó, chân gà này không an toàn, nhiễm nhiều vi sinh. Hàng đông lạnh tạm nhập tái xuất này phần lớn qua cảng Hải Phòng để vận chuyển sang Trung Quốc nhưng trên thực tế, nguồn hàng này được tuồn vào thị trường Việt Nam để tiêu thụ. Theo ước tính từ giới kinh doanh, mỗi ngày có khoảng vài ba container chân gà tuồn ra thị trường nội địa (mỗi container có trọng lượng từ 20 tấn - 25 tấn).

Nguồn hàng này được các mối ở chợ mua vào với giá rẻ, chỉ hơn 20.000 đồng/kg. Tại một điểm chế biến chân gà, có hàng chục thùng chân gà (mỗi thùng có trọng lượng hơn chục ký) được đổ vào thùng nhựa có màu xanh cao ngang ngực (đây là loại thùng chứa hoá chất trắng đục có mùi hôi nồng nặc). Sau khoảng 2 đến 3 giờ vớt ra, chân gà trở thành trắng phếu trong vắt không có chút tì vết thâm đen nào. Chân gà tiếp tục cho vào túi nilon, mỗi túi khoảng 5 kg. Cứ khoảng 6 giờ sáng, các mối lái từ các chợ lẻ đổ vào lấy hàng. Chân gà ngâm chất tẩy trắng bán tràn lan. Thau ngâm hóa chất được đặt ngay chỗ bán, trên là mâm để bày chân gà bán cho khách. Cứ thế hết hàng trên mâm họ lại thò tay xuống thau vớt lên bán tiếp.

Theo chân một người chuyên bỏ mối thuỷ hải sản ở TP.HCM, cho biết mực chưa ngâm tẩm hoá chất sẽ có màu đen đen, còn cả mài vỏ. Còn mực ngâm hoá chất đều phải tháo gỡ mài, màu mực sau khi ngâm trở nên trng tươi. Việc ngâm hoá chất không chỉ diễn ra ở chợ lẻ mà nó còn được ngâm ở tận gốc nơi xuất phát hoặc từ đầu mối phân phối hàng đi các chợ. Đó là loại hóa chất có công dụng giữ cho mực không bị hư hỏng và tích nước, làm tăng trọng lượng (mỗi một ký mực ngâm bằng hoá chất này sẽ làm tăng trọng lượng mực thêm khoảng 300g).

Còn theo cơ quan chức năng, mực không chỉ ngâm bằng chất tẩy mà còn được người bán dùng oxy già để tẩy những vết chuyển màu trên thân mực. Đối với chân gà, phần lớn người bán ngâm chất tẩy trắng, chất tẩy trắng này giúp cho chân gà dù đang trong quá trình phân huỷ bốc mùi hôi thối cũng chuyển thành chân gà tươi mới, không còn mùi hôi, lại khiến sản phẩm giòn dai. Ngoài những hoá chất trên, người bán còn ngâm tẩm cả hoá chất formol dùng để ướp xác chết.

Chân gà được ngâm trong chất tẩy trắng


Theo Chi cục Thú y TPHCM, sản phẩm thịt đông lạnh nhập khẩu nhập về khi bán lẻ ra thị trường phải được rã đông, đóng bao bì dán nhãn và được bảo quản lạnh đúng kỹ thuật mới được phép tiêu thụ trên thị trường. Những công đoạn này đều phải được cơ quan chức năng cấp phép. Tức sản phẩm bán lẻ trên thị trường phải có bao bì, nhãn mác, địa chỉ cũng như được bảo quản với nhiệt độ lạnh thích hợp. Như vậy, chân gà bán ở chợ thuộc dạng trụi lũi không có bao bì, không nhãn mác, không có tủ bảo quản lạnh là thực phẩm bày bán trái phép. Tuy nhiên, chúng vẫn bày bán tràn lan trên thị trường.

Ông Trần Đình Vĩnh, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý Chất lượng và Bảo vệ Nguồn lợi Thuỷ sản TP.HCM, cho biết lâu nay chi cục chỉ giám sát, quản lý các mặt hàng thủy sản ở chợ đầu mối, còn chợ lẻ thì chưa kiểm soát được. Trong thủy sản, người ta không chỉ sử dụng hàn the, urê mà còn cho cả kháng sinh vào để giữ cho sản phẩm tươi lâu, không bị hư hỏng. Trước thực trạng trên, chi cục cũng đang tập trung kiểm tra, giám sát mặt hàng mực tại các chợ đầu mối bằng cách hàng ngày, lấy mẫu test nhanh tại chỗ, vài ba tuần đều lấy mẫu để kiểm tra về mặt định lượng.

BS Trần Văn Ký, phụ trách chuyên môn văn phòng phía Nam Hội Khoa học Kỹ thuật An toàn Vệ sinh Thực phẩm Việt Nam, cho biết những sản phẩm bị ngâm tẩm hoá chất đều độc hại khôn lường. Những loại hoá chất ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể chứ không riêng gì bộ phận nào, có thể gây ngộ độc cấp tính dẫn đến nôn ói, đau đầu chóng mặt, rối loạn hệ thần kinh, tiêu hoá, hệ tim mạch. Ngộ độc mãn tính sẽ dẫn đến nhiều chứng bệnh nguy hiểm, kể cả ung thư. 

AloBacsi.vn Theo Tuổi trẻ

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X