Hotline 24/7
08983-08983

Cách thức tình báo Trung Quốc ẩn mình trong Chính phủ Mỹ suốt 10 năm

Không ai ngờ rằng một nữ quan chức ngoại giao kỳ cựu từng làm việc cho Hillary Clinton, Obama đã trở thành 'tay trong' của tình báo Trung Quốc từ 10 năm trước.

Ngày 29/3, bộ Tư pháp Mỹ đã tuyên bố buộc tội Candace Claiborne, một quan chức thuộc bộ Ngoại giao nước này với những cáo buộc che dấu mối quan hệ với tình báo Trung Quốc.

Candace Claiborne, 60 tuổi bị buộc tội trong một tòa án liên bang ở Washington với tội danh cản trở công lý và đưa ra những tuyên bố sai lệch cho FBI.

Candace Claiborne trở thành quan chức ngoại giao đầu tiên của Mỹ bị buộc tội có liên quan đến tình báo nước ngoài.

Claiborne đã làm việc tại bộ Ngoại giao từ năm 1999 và trong thời gian đó bà đảm nhận nhiều vị trí ở nước ngoài bao gồm các chức danh tại đại sứ quán, lãnh sự quán ở Iraq, Sudan và Trung Quốc.

Một tài liệu dày 50 trang đã chứng nhận nhân vật này có quan hệ với bộ An ninh Quốc gia Trung Quốc (MSS), cơ quan tình báo dân sự của quốc gia châu Á, theo National Interest.

Vụ việc của Claiborne mặc dù chưa mang đến những hậu quả nghiêm trọng, nhưng đã trở thành lời cảnh báo cho các cơ quan an ninh quốc gia của Mỹ trước mối đe dọa hiện hữu từ tình báo Trung Quốc.

Tình báo Trung Quốc đã len lỏi vào Chính phủ Mỹ?

Theo Nationalinterest, MSS có cơ quan đầu não ở Bắc Kinh cùng các chi nhánh trên khắp các tỉnh thành trên toàn quốc. Hầu hết các cơ quan địa phương đều có người của bộ này nằm vùng.

Nhiệm vụ chính của MSS là bảo vệ an ninh quốc gia cùng các nhiệm vụ được quy định trong thẩm quyền hoạt động. Tuy nhiên, một số nhân viên tình báo cũng được giao nhiệm vụ chống lại các mối đe dọa từ nước ngoài.

Đơn vị MSS mà Claiborne có liên hệ là Cục An ninh Quốc gia Thượng Hải (SSSB). Ngay cả ở Trung Quốc, phần lớn công chúng không biết gì nhiều về các hoạt động tình báo của đất nước mình và cái tên SSSB cũng chỉ mới vài lần được nhắc tên ở quốc gia này.

Năm 2009, người đứng đầu SSSB từng bị Chính phủ chỉ trích vì có cuộc đột kích thô bạo vào văn phòng của tập đoàn khai thác mỏ Rio Tinto ở Trung Quốc. Đây là tập đoàn mang đến những khoản đầu tư trị giá hàng trăm triệu đô la cho các công ty trong nước.

Một năm sau đó, FBI bắt giữ Glenn Duffie Shriver, người đã nộp đơn xin làm việc tại bộ Ngoại giao Mỹ và CIA để đổi lấy 70.000 USD. SSSB tuyển dụng Shriver ở Thượng Hải khi đang tham gia cuộc thi viết luận về quan hệ Mỹ - Trung và khuyến khích nhân vật này nắm giữ một vị trí trong Chính phủ Mỹ.

SSSB hoạt động không chỉ ở riêng Thượng Hải mà có khả năng vươn ra nhiều châu lục.

Trong vụ việc xảy ra năm nay, các tài liệu cho thấy, SSSB có tầm hoạt động không chỉ ở Thượng Hải mà còn phân bổ ở Trung Quốc và nhiều nơi trên thế giới.

Candace Claiborne thường gặp gỡ đại diện của SSSB ở Bắc Kinh hoặc một quốc gia trung gian thứ ba. Các tài liệu cho biết, Claiborne đã có quan hệ với các điệp viên của SSSB ít nhất là từ năm 2007.

Điệp vụ của SSSB cũng ẩn mình dưới một số vỏ bọc được cơ quan này sắp xếp nhằm che giấu thân phận cũng như dễ bề hoạt động và quan sát ở khắp nơi. Một số tình báo MSS có thể đội lốt các nhân viên bình thường trong một số cơ quan công quyền địa phương, các cơ sở nghiên cứu hoặc doanh nghiệp.

Một trong các nhân vật tiếp xúc với Claiborne mang bí danh B trong bản tài liệu được xác nhận là một ông chủ của công ty xuất nhập khẩu, cũng như sở hữu spa và nhà hàng.

Ngoài việc dàn dựng như một công ty trá hình, đây cũng trở thành cơ sở để đưa thêm các mật vụ khác vào hoạt động dưới dạng nhân viên công ty.

Ngoài ra, bản tài liệu mô tả về nhân vật đồng lõa mang bí danh A, vốn được biết đến là người đàn ông trẻ tuổi có quan hệ thân thiết với Claiborne.

Món nợ ân tình

Theo các thông tin được chỉ ra, mối quan hệ của Claiborne với SSSB không chỉ đơn giản là trao đổi thông tin, tiền bạc mà có thể xuất phát từ các món nợ ân tình.

Phần lớn số tiền SSSB chi trả cho Claiborne đều được thanh toán cho nhân vật A chi phí học đại học, tìm việc làm, mua căn hộ và đi lại.

SSSB tỏ ra ngần ngại trong việc tìm kiếm các thông tin an ninh mật từ phía Mỹ.

Trong một số email Claiborne trao đổi với nhân vật A này, bà nói rằng muốn thoát khỏi mối quan hệ của mình với SSSB vì không muốn cả hai tiếp tục mắc nợ tình báo Trung Quốc. Điều này khiến nhiều người tin rằng, A và Claiborne có mối quan hệ họ hàng.

SSSB được cho là đã trả 'hàng chục ngàn đô la cùng các đãi ngộ khác nhau' cho Claiborne và A, nhưng những gì mà hai nhân vật này mang đến lại không đáp ứng mong đợi.

Hồi năm 2011, sau 4 năm làm việc với nhau, SSSB đã giao nhiệm vụ cho Claiborne thu thập các đánh giá nội bộ về đối thoại chiến lược và kinh tế Mỹ -Trung Quốc.

Họ đặc biệt muốn biết suy nghĩ của Washington về tỷ giá nhân dân tệ của Trung Quốc đang nóng lên khi đó và áp lực nào sẽ được Mỹ đưa ra nếu những điều chỉnh từ phía Bắc Kinh là không đủ.

Tuy nhiên, phía SSSB đã phàn nàn những thông tin Claiborne thu thập lại “mặc dù hữu ích nhưng đã có đầy trên internet”. Họ muốn tìm kiếm những gì mà trên internet không có.

Theo chuyên gia nghiên cứu về Trung Quốc Peter Mattis tại The Jamestown Foundation, cách thức quản lý mối quan hệ giữa cơ quan tình báo Trung Quốc với Claiborne dường như khá lúng túng.

SSSB đã khéo léo xây dựng đòn bẩy tâm lý với Claiborne thông qua nhân vật A với những lời hứa tài chính hậu hĩnh lên tới 20.000 USD một năm.

Tuy nhiên, cơ quan tình báo này chỉ dừng lại ở các khía cạnh thu thập thông tin thông thường và tỏ ra rụt rè trong việc tìm kiếm các thông tin an ninh mật từ phía Mỹ.

Việc không có kế hoạch kết thúc mối quan hệ với Claiborne hiệu quả cũng khiến cho sự việc vỡ lở.

Theo Quốc Vinh - Người đưa tin

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X