Hotline 24/7
08983-08983

Ca sĩ Mỹ Linh có lỡ miệng?

Chỉ khi người dân ý thức về quyền được sống trong môi trường sạch, đến lúc đó, may ra việc tranh cãi đắt-rẻ, bẩn-sạch không còn là cơn bão quét đi mọi hy vọng về một đời sống văn minh...


“Muốn rẻ thì đừng đòi hỏi thực phẩm sạch” - câu nói của ca sĩ Mỹ Linh có thể gây tranh cãi, nhưng có lẽ đó là sự thật mà chúng ta phải nhìn thẳng vào nó.

Ở Trà Quế, Hội An, tỉnh Quảng Nam có một gia đình trồng rau sạch. Bà mẹ kể rằng lúc đầu con trai bà trồng rau sạch và kêu bà gánh ra chợ bán. Chợ Hội An nằm ngay chân cầu Cẩm Nam, người không đủ tiền thuê sạp thì có thể ngồi bán ở rìa đường.

Hôm đó, bà mẹ gánh những bó rau sạch đi ngang chị hàng bún thì được khen “Rau hôm nay thơm quá!”.

Nghe thoạt tiên bùi tai, rất vui, nhưng rủi thay đó lại là một ngày bán ế. Lý do là giá quá cao, lên tới 10.000 đồng bó, trong khi giá một bó rau bình thường chỉ có 3.000 đồng.

Gần đến trưa, nhìn thúng rau không còn tươi xanh, bà bắt đầu chán nản. Đột nhiên, bên kia đường, một chiếc xe hơi dừng lại. Cửa xe mở và một người phụ nữ bước xuống, đi sang hỏi mua rau. Nhưng mức giá 10.000 đồng khiến người phụ nữ khựng lại.

“Rau gì mà mắc quá vậy”. Bà mẹ trả lời: “Là sau sạch, trồng theo quy trình sạch, không thuốc trừ sâu, không thuốc tăng trưởng…”

“Nhưng làm sao bảo đảm không thuốc! Làm sao tin được”…

Hỏi qua, đáp lại, cuối cùng người phụ nữ quyết định không mua vì “ăn rau chớ ăn vàng đâu mà mắc quá”.

Vậy là, bà phải gánh rau về. Trên con đường trưa nắng, mồ hôi lẫn nước mắt của người mẹ hòa vào nhau vì thương cậu con trai đã hai năm nay vay mượn ngân hàng, bà con trồng rau sạch để bán cho người dân mình ăn.Giờ không bán được, lấy tiền đâu trả nợ….

Câu chuyện không dừng lại ở đó. Người con trai đã tự đem rau đến các nhà hàng, thuyết phục mua. Để phân biệt rau sạch – rau bẩn, anh để mọi người ăn thử tại chỗ hai loại trên để có thể nếm mùi vị ngay.

Mọi chuyện bắt đầu như thế, và cuối cùng anh cũng đã thành công. Ở Trà Quế nay có thêm nhiều vườn rau khác đã áp dụng mô hình rau sạch này, trở thành một điểm du lịch nơi du khách có thể thưởng thức bữa trưa cơm Hội An với thực phẩm sạch, nằm võng nghỉ ngơi và chiều dạo ngắm hoàng hôn trên những cánh đồng thơm hương rau không còn mùi thuốc trừ sâu.

Ăn rau sạch, gạo sạch, thịt sạch… điều tưởng chẳng có gì là cao sang đó hóa ra lại đang khá cao sang. Đọc lại toàn bộ bài trò chuyện với Mỹ Linh về thực phẩm bẩn, xem và nghe lại clip của Mỹ Linh phát biểu về thực phẩm bẩn- sạch và cái giá phải trả cho vấn nạn đó hiện nay thì có thể thấy tuyên bố “Muốn rẻ thì đừng đòi hỏi thực phẩm sạch” đầy sóng gió không phải là một sự lỡ miệng.

Lý do có thể là vì nhiều cư dân mạng không thích quan điểm của cô chính là bởi nó quá “nhạy cảm” về cái chết mà ai cũng được biết trước nhưng không ai dám thừa nhận để nhìn thấu rõ, thật sự nó đến từ đâu.

Ăn sạch nghĩa là mùa nào thức nấy, nghĩa là nuôi trồng theo phương thức cổ truyền xưa của người dân. Đâu có phải thấy con sâu là pha bình thuốc để xịt cho nó chết thì mình ăn thứ rau sạch mà bẩn đó.

Vậy tại sao bây giờ, cả nước phải lên tiếng về vấn nạn thực phẩm bẩn, rồi chửi bới nhau, đổ thừa nhau.

Người tiêu dùng đổ lỗi cho người nông dân ham tiền bán thực phẩm bẩn. Người nông dân đổ lỗi cho người tiêu dùng ham rẻ.

Nhưng rồi ít có ai biết được hoặc quan tâm đến công bố mới đây nhất vào ngày 24/8 của Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà: “Hằng năm, có 100.000 tấn hoá chất bảo vệ thực vật được sử dụng, trong đó khoảng 80% lượng thuốc bảo vệ thực vật đang được sử dụng không đúng quy định…”.

Trong bài viết mới đây nhất trên báo Thế Giới Tiếp Thị - “Bán thuốc trừ sâu, lời tiền tỷ” cũng đã đưa ra những con số lạnh lùng về việc nhập khẩu thuốc trừ sâu không hạn chế: “Từ 2010-2015, lượng thuốc sâu rải xuống đồng ruộng là từ 80.000-100.000 tấn, giá trị nhập khẩu thuốc cũng tăng từ 472 triệu USD năm 2008 lên 537 triệu USD năm 2010. Đến năm 2014, chúng ta đã chi ra 774 triệu USD để nhập khẩu gần 100.000 tấn thuốc trừ sâu, tăng 3,5% so với năm 2013.

“Còn 7 tháng đầu năm 2016, lượng USD chi ra là 401 triệu USD, tuy giảm 10% so với năm ngoái nhưng dự tính cả năm nay cũng phải xấp xỉ 1 tỷ USD. Nguồn nhập khẩu thuốc trừ sâu và nguyên liệu trong vẫn chủ yếu từ Trung Quốc, chiếm tới 49,6% tổng giá trị tổng giá trị”.

Chuyện gì cũng hô hào “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, chuyện này chắc cũng thế. Cho nên nếu người dân chấp thuận “cùng làm” với nhà nước nhập thuốc trừ sâu thì người dân cũng nên chịu ăn bẩn.

Chỉ khi nào, người dân thực sự ý thức về quyền được sống trong môi trường sạch, với chính phủ minh bạch, đến lúc đó, may ra việc tranh cãi đắt - rẻ, bẩn- sạch không còn là cơn bão quét đi mọi hy vọng cuối cùng về một đời sống con người văn minh đúng nghĩa trên đất nước này.

Theo Ngân Hà - Chất lượng Việt Nam

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X