Hotline 24/7
08983-08983

Bục đường ống bauxite Tân Rai: 'Hệ quả công nghệ Trung Quốc'

"Rõ ràng do việc thi công hệ thống đường ống chất lượng kém mới dẫn đến tình trạng nhà máy mới hoạt động thời gian ngắn đã bục, vỡ".

Ông Nguyễn Văn Ban - nguyên Trưởng ban Nhôm - Titan, Tổng Công ty Khoáng sản VN (Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản VN - Vinacomin) bày tỏ quan điểm với Đất Việt.

Hệ thống đường ống chất lượng kém

Ngày 13/2, công nhân nhà máy Alumin đã phát hiện đường ống dẫn nước dư của hồ bùn đỏ bị bục và rò rỉ tại một điểm khiến nước chảy tràn ra ngoài. Đây là lượng nước dư của hồ chứa bùn đỏ và có một hàm lượng xút loãng, gần giống như nước xà phòng với độ pH vượt ngưỡng cho phép nếu chảy ra môi trường.

Ông bình luận như thế nào về sự cố trên? Thưa ông, có những nguyên nhân nào có thể dẫn đến sự cố bục đường ống như vậy?

Bùn đỏ là hỗn hợp bao gồm các chất như sắt, mangan… và một lượng kiềm dư thừa phát sinh trong quá trình lọc bauxite, tách quặng nhôm. Đây là một loại chất thải rất độc hại.

Đặc biệt, nếu tràn ra môi trường sống ngoài khu vực nhà máy thì hệ quả rất khó lường, vì nguồn nước chứa xút không ngăn chặn tốt, có thể ảnh hưởng đến nguồn nước tưới, sinh hoạt của người dân.

Thêm nữa, với độ pH cao, nếu rơi vào mắt hay miệng con người và động vật sống, mà không được tẩy rửa nhanh chóng, kịp thời, dung dịch bùn đỏ có thể gây bỏng da hoặc làm tổn thương nặng.

Đối với môi trường, bản thân chất kiềm không có tác động lâu dài tới môi sinh vì sẽ bị loãng đi khi hòa tan vào nước. Tuy nhiên, kiềm trong bùn đỏ có thể tiêu diệt một phần thảm thực vật, làm hư hại diện tích đất canh tác. Đặc biệt, khi nó chảy xuống sông, bùn đỏ sẽ làm chết mọi sinh vật như tôm, cá...

Và nguyên nhân dẫn đến sự cố vỡ đường ống rõ ràng do việc thi công hệ thống đường ống chất lượng kém mới dẫn đến tình trạng nhà máy mới hoạt động thời gian ngắn đã bục, vỡ. 

Còn một nhà máy khai thác bauxite phải tính đến thời gian hàng chục năm sản xuất, kèm theo là chế độ sửa chữa, kiểm tra và bảo dưỡng.

Hồi nhà máy chưa vận hành, khai thác, tổ hợp dự án bauxite Tân Rai đã có sự cố làm một lượng lớn hóa chất xút rắn tràn theo nước mưa ra ngoài trong mùa mưa năm 2011.

Bucduong ong bauxite Tan Rai: 'He qua cong nghe Trung Quoc'

Nhà máy alumin Tân Rai

Hơn 4.000m2 ao cá, vườn chè của người dân địa phương đã bị vùi lấp, đến nay vẫn còn bỏ hoang vì chưa khắc phục hết ô nhiễm. Cho nên, phải thấy rõ, chắc chắn chất lượng đường ống quá kém, nhà máy vận hành kém nên mới xảy ra sự cố.

Trước đó, ngày 8/10/2014, đê quai hồ thải quặng đuôi số 5 nhà máy tuyển quặng bauxite Tân Rai cũng đã bị vỡ, một khối lượng lớn bùn đất màu đỏ bị tràn ra ngoài từ độ dốc khá cao. Việc liên tiếp xảy ra các sự cố liên quan đến bùn đỏ như vậy là cảnh báo cho điều gì?

Ông có lo ngại khi chưa vận hành toàn bộ công suất mà đã liên tiếp xảy ra những sự cố như vậy không?

Riêng với sự cố năm 2014, đây là bùn của quá trình tuyển quặng đuôi, nếu chảy ra sông, suối thì sẽ gây ô nhiễm nhưng hóa chất thì không đáng kể.

Bùn đỏ này chủ yếu là quặng thải, nhưng trong dung dịch đó vẫn có lượng kiềm nhất định, tuy không nhiều, vì trong quá trình làm lắng quặng đuôi, người ta có dùng kiềm để điều chỉnh môi trường đó, nhưng không nhiều.

Còn nếu tràn ra sông, suối, cả khối bùn như vậy cũng sẽ gây đục, gây bẩn, vì hồ nước không chỉ dùng cho nhà máy, mà còn là nguồn nước cho cả khu vực huyện Bảo Lộc làm nước sinh hoạt, tưới tiêu.

Tuy mức độ nguy hiểm của việc đó không nhiều, nhưng nó cảnh báo tính an toàn của các công trình, nhất là các hồ chứa, tất nhiên hồ bùn đỏ độ nguy hiểm lớn, họ thiết kế khá an toàn, tạo thành các ô chứa bùn đỏ, nhưng mức độ đó không phải lúc nào cũng đạt được ngay.

Hơn nữa, lượng bùn chảy ra cũng phải có thời gian mới lắng đủ, mùa mưa thì không thể nhanh chóng khô được, có thời kỳ đã minh chứng rằng việc cân bằng nguồn nước trong hồ không đảm bảo, có khi thừa nước không giải quyết được, đã có giải pháp bơm dung dịch ở hồ bùn đỏ ấy, để điều chỉnh pH cho môi trường.

Thế nhưng đó là giải pháp không phải an toàn, vì nguồn nước bơm từ hồ bùn đỏ, chứa lượng kiềm không cẩn thận sẽ tràn ra môi trường, gây ô nhiễm.

Tuy nhiên, lần này là lượng nước có chứa xút loãng, nếu đổ ra môi trường thì nguy hiểm vô cùng, vì lượng kiềm lớn. Một bài học tiêu biểu xảy ra ở Hungary, sản lượng bauxite khai thác hằng năm tại nước này đạt mức 2 - 3 triệu tấn, có lúc đứng thứ 7 trên thế giới.

Trên cơ sở ấy, Hungary có những kinh nghiệm và công nghệ khá phát triển trong việc sản xuất alumin từ quặng bauxite, nhưng lượng bùn đỏ khổng lồ hơn 40 triệu m3 phát sinh trong mấy thập niên hiện vẫn được lưu giữ tại Hungary như một trái bom sinh thái tiềm ẩn.

Và thảm họa sinh thái lịch sử xảy ra vào ngày 4/10/2010, tại nhà máy sản xuất nhôm Ajka Timfoldgyar, tổng cộng 1,1 triệu m3 bùn đỏ độc hại từ nhà máy này đã tràn ra một khu vực rộng tới 40 km2. Điều đáng lo ngại là số lượng người chết và thiệt hại vô cùng lớn, đó là bài học vô cùng lớn lao về kinh nghiệm xử lý hồ bùn đỏ.

Hệ quả công nghệ Trung Quốc

Nhà máy Alumin cũng mới chỉ đưa vào khai thác năm 2012, sau 4 năm sử dụng, đường ống dẫn nước dư đã bị vỡ, chúng ta phải nhìn nhận ra sao? Về phía Công ty TNHH một thành viên nhôm Lâm Đồng, đơn vị quản lý dự án Tổ hợp bauxite-nhôm, đã nhiều lần lên tiếng hứa sẽ khắc phục, không để lặp lại các sự cố, nhưng vẫn xảy ra.

Để tránh những sự cố trên, điều nên làm hiện nay là gì, phải quy trách nhiệm ra sao, thưa ông?

Ở đây, chúng ta phải nhìn nhận sâu xa, thực chất ra phải nói thiết kế của Trung Quốc cũng như hệ thống thiết bị chất lượng rất kém, cái này không chỉ phản ánh rất rõ các chỉ tiêu kinh tế mà cả chất lượng kỹ thuật của nhà máy quá yếu.

Thậm chí, công nghệ đó tiêu hao nước, than, kiềm đều cao hơn mức các nước có công nghệ tiên tiến.

Ví dụ, công suất nhà máy thiết kế nhưng đến nay chạy mấy năm rồi vẫn không đạt 100% thiết kế, tiền bỏ ra ở đây theo thiết kế 650.000 tấn Alumin 5, nhưng chỉ được 80%, tính ra thiệt hại 40 triệu USD/năm.

Tiền bỏ ra nhiều, nhưng sản phẩm thu được rất thấp, bởi vậy giá thành rất cao, chi phí điện năng, lao động, hóa chất cũng mất nhiều.

Cho nên, cái nguy hiểm lớn hơn nhiều chính là thiệt hại về kinh tế, còn ảnh hưởng môi trường, sự cố xảy ra báo trước, điều đó chứng tỏ chất lượng công trình, thiết bị của Trung Quốc là không đảm bảo.

Tất nhiên về phía Việt Nam khi đã chấp nhận sử dụng công nghệ này thì chúng ta phải cố gắng hết sức khắc phục, nhưng không ai đảm bảo rằng chất lượng các vật liệu thi công, thiết bị Trung Quốc sẽ an toàn, cho nên chúng ta phải thụ động gánh hậu quả, sự cố có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Vì chúng ta không thể biết trước được các sự cố sẽ xảy ra ở đâu, đây là một bài học rất lớn. Và rõ ràng các cơ quan quản lý phải có trách nhiệm, ở đây cá nhân, tổ chức nào phải đứng ra thì Bộ Công thương là đơn vị nắm rõ ràng nhất.

Chất lượng đường ống quá tồi

Cũng trao đổi với Đất Việt về sự việc trên, PGS.TS Hồ Uy Liêm - nguyên quyền Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam - VUSTA cho rằng, rất đơn giản, sự cố liên tiếp chắc chắn là do đường ống chất lượng làm quá tồi.

Chính vì thế, dưới áp lực đất đá ngày càng nhiều, đè lên và làm vỡ ống, phải xem chất lượng ống làm bằng chất lượng nào, đối với nước chứa xút thì cũng có thể là nhựa composite.

"Ngay như đường ống nước sông Đà chỉ là dẫn nước dùng sinh hoạt bình thường mà còn rò rỉ đến 14 lần vì chất lượng đường ống kém, huống chi ở đây còn dưới áp lực chất lỏng chứa xút, nên có vỡ cũng là điều đương nhiên.

Vì thực tế lượng xút chứa trong nước không hề ít, vì nó được đưa lại nhà máy để tiếp tục quá trình hóa học, chắc chắn hiện tượng đó rất đáng ngại và nguy hiểm", ông Liêm phân tích.

Đưa thêm cảnh báo, theo ông Liêm, nếu nước chữa xút loãng ngấm xuống đất chắc chắn sẽ làm cho vùng đất đó ô nhiễm, cây cối xung quanh chết, nếu ngấm dần dần xuống kênh rạch thì nguy hiểm vô cùng.

Khiến các loài sinh vật thủy sinh chết, làm cho dòng nước bị nhiễm độc ảnh hưởng cả người sử dụng nước và cây trồng.

Bởi vì xút dễ tan trong nước, nước mưa xuống cũng sẽ hòa tan, chảy ra các nơi, các giếng nước người dân dùng làm nước ăn sẽ không tránh khỏi ô nhiễm.

Theo Châu An - Đất Việt

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X