Hotline 24/7
08983-08983

Binh sĩ 'ma' khiến Afghanistan chật vật chống Taliban

Binh sĩ "ma", những người có tên trong danh sách lĩnh lương nhưng không tồn tại trong thực tế, khiến Afghanistan thiếu hụt binh sĩ nghiêm trọng để đối phó với Taliban.

binh-si-ma-khien-afghanistan-chat-vat-chong-taliban

Các tân binh Afghanistan diễu hành trong buổi lễ tốt nghiệp tại Học viện quân sự Afghanistan ở thủ đô Kabul. Ảnh: AP

Hãng tin AP cho biết hiện tượng binh sĩ chỉ tồn tại trên giấy tờ xuất hiện trên khắp nước này, nhưng nghiêm trọng nhất là tại tỉnh miền nam Helmand, nơi Taliban chiếm giữ nhiều khu vực trong 12 tháng qua, kể từ khi binh sĩ Mỹ và NATO chính thức chấm dứt sứ mệnh chiến đấu và chuyển sang nhiệm vụ huấn luyện và hỗ trợ cho lính Afghanistan.

Lĩnh lương nhưng không làm nhiệm vụ

"Tại các chốt kiểm soát, nơi theo quy định phải có 20 binh sĩ, thì thực tế chỉ có khoảng 8-10 người", Karim Atal, người đứng đầu hội đồng tỉnh Helmand cho biết. "Nhiều binh sĩ lĩnh lương nhưng không làm nhiệm vụ vì họ có quan hệ với các nhân vật quan trọng, chẳng hạn như tư lệnh địa phương".

Ông Atal cho biết trong một số trường hợp, binh sĩ "ma" được hiểu theo đúng nghĩa đen, tức là ám chỉ các binh sĩ và cảnh sát tử trận, nhưng cấp trên hay chỉ huy không xóa tên để đút túi riêng.

Ông ước tính khoảng 40% số binh sĩ trên sổ sách ở tỉnh này không tồn tại trong thực tế. Ông cho rằng việc chính quyền thiếu hụt lực lượng đã tạo điều kiện cho Taliban chiếm giữ 65% diện tích tỉnh Helmand (tỉnh lớn nhất Afghanistan) và uy hiếp thành phố Lashkar Gah, thủ phủ của tỉnh này.

Sự thiếu hụt này khiến các binh sĩ thực sự làm nhiệm vụ phải đối mặt với nguy hiểm lớn hơn. Chỉ tính riêng ba tháng qua, có khoảng 700 cảnh sát đã thiệt mạng và 500 người bị thương.

Cựu quan chức cảnh sát tỉnh Helmand, Pacha Gul Bakhtiar, cho biết tỉnh có 31.000 cảnh sát trên giấy tờ, "nhưng thực tế thì thấp hơn rất nhiều".

Gần 15 năm sau khi Mỹ can thiệp quân sự vào Afghanistan để lật đổ Taliban, dù đã chi hàng tỷ USD để hỗ trợ quân sự cho nước này, nạn tham nhũng ở đây vẫn tràn lan và lực lượng an ninh địa phương phải chật vật kìm hãm các cuộc tấn công của Taliban trên khắp cả nước.

Năm ngoái, Taliban chiếm giữ thành phố Kunduz, phía bắc Afghanistan trong ba ngày, đánh dấu vụ tấn công lớn nhất vào một khu vực đô thị quan trọng ở Afghanistan kể từ năm 2001.

Ngày 11/1, Pakistan đã chủ trì cuộc gặp giữa đại diện 4 nước gồm nước này cùng Afghanistan, Trung Quốc, Mỹ nhằm thảo luận kế hoạch nối lại đàm phán với Taliban. Tuy nhiên, dù các nỗ lực này có thành công, Taliban vẫn sẽ tiếp tục tấn công để giành đất và lợi thế, AP nhận xét.

Bộ Quốc phòng Afghanistan từ chối bình luận về vấn đề binh sĩ "ma". Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Nội vụ Afghanistan Sediq Sediqqi thừa nhận có hiện tượng này và cho biết đã mở một cuộc điều tra để làm rõ.

binh-si-ma-khien-afghanistan-chat-vat-chong-taliban-1

Binh sĩ Afghanistan tại Sangin, Helmand. Ảnh: AFP

Phát sinh từ tham nhũng

Iraq cũng từng khốn đốn với hiện tượng binh sĩ "ma", một yếu tố khiến nhóm phiến quân Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) nhanh chóng thâu tóm phần lớn lãnh thổ phía bắc và phía tây Iraq vào mùa hè năm 2014. Tháng 12/2014, các quan chức Iraq cho biết chính phủ đã chấm dứt việc chi trả hàng chục triệu USD tiền lương cho những lực lượng không tồn tại.

Tuy nhiên, tại Afghanistan, nghị sĩ Hussain Nasiri, người đã điều tra vấn đề binh sĩ "ma" hơn một năm, nói rằng chính phủ đang phớt lờ chuyện này.

"Khi chúng tôi nói có 100 binh sĩ trên chiến trường thì thực tế, chỉ có khoảng 30-40 binh sĩ. Và điều này tạo ra nguy cơ lớn khi kẻ thù tấn công", ông nói. "Nó là dấu hiệu cho thấy nạn tham nhũng xảy ra tràn lan - lý do Afghanistan bị xếp hạng là một trong những nước tham nhũng nhất thế giới", theo thống kê của Transparency International.

Ông Nasiri cho rằng chính phủ "dường như không muốn biết về vấn đề này". Ông cho biết ông nhiều lần bị dọa giết sau khi tiết lộ tên của các nghị sĩ có liên quan đến thủ đoạn moi tiền bằng cách khai khống quân số. Ông nói rằng ông đã giao danh sách 31 nghị sĩ tham nhũng cho Bộ Nội vụ nhưng vẫn chưa nhận được phản hồi.

Chi phí cho cho lực lượng an ninh Afghanistan hoàn toàn do cộng đồng quốc tế đóng góp, khoảng 5 tỷ USD/năm, phần lớn đến từ Mỹ. Năm ngoái, phát biểu tại một cuộc điều trần ở quốc hội Mỹ, thanh tra chuyên về Afghanistan, John Sopko, nói rằng số liệu của chính phủ Afghanistan về nhân sự an ninh và số lương trả không chính xác.

"Không ai biết chính xác số binh sĩ của lực lượng quốc phòng Afghanistan", một quan chức Afghanistan giấu tên cho biết. Người này nói rằng theo các ước tính nội bộ, con số này vào khoảng 120.000 người, ít hơn 1/3 số quân cần thiết để bảo đảm an ninh trên cả nước.

Cái giá nặng nề cho hiện tượng quân đội "ma" được thể hiện rõ ràng trên chiến trường. Cả chính phủ Afghanistan lẫn NATO đều không công bố số thương vong của binh sĩ địa phương. Tuy nhiên, theo thống kê nội bộ của NATO mà AP tiếp cận được, số thành viên lực lượng an ninh Afghanistan thương vong năm 2015 tăng 28% so với năm 2014, với khoảng 5.000 người thiệt mạng.

Tháng trước, một căn cứ quân đội Afghanistan ở huyện Sangin, tỉnh Helmand bị phiến quân Taliban vây hãm trong gần một tuần, trước khi viện binh đến ứng cứu với sự hỗ trợ của các cố vấn quân sự Anh và các cuộc không kích yểm trợ của máy bay Mỹ.

Tại huyện Kajaki, phía bắc Helmand, binh sĩ Mohammad Islam cho biết nhiều đồng đội của anh đào ngũ vì họ sợ rằng thi thể của họ sẽ không được chuyển về cho gia đình nếu họ thiệt mạng. Gia đình binh sĩ không được trả tiền bồi thường nếu không có thi thể chứng minh con em họ đã tử trận.

"Mọi người đều biết rằng chúng tôi đang tham chiến cùng với các binh sĩ 'ma' và đó là lý do chúng tôi không có đủ lực lượng", Islam than thở. "Taliban cũng biết điều này".

Theo Hồng Vân - VnExpress

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X