Hotline 24/7
08983-08983

Bão quật đổ hàng loạt xe máy ở Hà Nội

16g15 chiều 19/8, sau khoảng nửa tiếng hoành hành ở Hà Nội, bão Dianmu đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, nhưng vẫn gây gió mạnh, quật đổ hàng loạt xe máy.


Hơn 13g, bão đổ bộ Hải Phòng, Thái Bình với sức gió mạnh cấp 9. Bão đến đúng lúc thủy triều dâng cao, tạo thành những cột sóng lớn xô mạnh vào bờ kè ven biển.

Đến gần 16g, bão đi vào Hải Dương, Hưng Yên và Hà Nội. Trong nửa tiếng hoành hành ở thủ đô, bão gây gió mạnh cấp 8-9, quật đổ hàng loạt xe máy. Nhiều tuyến phố, khu dân cư ngập sâu do mưa lớn. 

Đến 16g15, bão suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.

12g:

Vượt qua đảo Bạch Long Vỹ (Hải Phòng), bão có xu hướng hơi chếch lên phía bắc, chứ không tiếp tục giữ hướng tây, nhắm đến các tỉnh Quảng Ninh - Nam Định. 

Cơ quan khí tượng cho biết, 12h trưa tâm bão trên vùng biển Quảng Ninh - Nam Định, sức mạnh nhất 90 km/giờ (cấp 9), giật cấp 10-12. Các tỉnh phía Đông Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, bao gồm cả Hà Nội đang chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão. 

bao1-5297-1471587565.jpg

Dự báo đường đi và khu vực ảnh hưởng của bão Dianmu. Ảnh: NCHMF.


13g30:

Nằm trong vùng ảnh hưởng trực tiếp của bão, từ tối qua đến sáng nay Hà Nội có mưa, nhiều lúc rất to. Mưa kéo khoảng 3 tiếng tối qua với lượng lên 80 mm gây ngập nặng. Đến trưa nay, gió bắt đầu mạnh, trên một số tuyến đường ghi nhận cây đổ.

Hầu hết trường học mầm non, một số trường tiểu học khai giảng sớm đã thông báo cho phụ huynh đến đón con về đề phòng mưa bão. Nhiều công sở cũng khuyến cáo nhân viên thu xếp công việc để có thể di chuyển an toàn về nhà.

Trước đó trong cơn bão số 1 Mirinae, Hà Nội nằm trong vùng ảnh hưởng nên có gió to, mưa lớn. Thành phố có khoảng 1.000 cây xanh bị gãy đổ, nhiều ôtô lớn bị đè bẹp.

14088712-1059354387452214-1209-4684-4502

Cây đổ trên đường Hai Bà Trưng. Ảnh: N.G.


13g40:

Huyện ven biển Kim Sơn (Ninh Bình) hiện có gió cấp 5-6, mưa lớn. Bí thư tỉnh Nguyễn Thị Thanh đã tới Trung tâm phòng chống lụt bão và giảm nhẹ thiên tai huyện để chỉ đạo công tác phòng chống bão. 

Trước đó nhà chức trách đã di dời toàn bộ 817 hộ dân với hơn 1.200 nhân khẩu đang nuôi trồng thủy sản từ đê Bình Minh 2 đến đê Bình Minh 3 vào nơi tránh trú an toàn. Bộ đội, công an, dân quân tự vệ đã lập chốt chặn nhân dân vào khu vực đê Bình Minh.

Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Ninh Bình cũng phát lệnh cấm biển từ chiều 18/8, kêu gọi 126 tàu thuyền với 374 thuyền viên vào nơi tránh trú. 

bao2-4942-1471589365.jpg

Bão gây mưa lớn ở Ninh Bình. Ảnh: Phương Vy.


13g50:

Quảng Ninh có mưa to từ sáng đến nay. Đến 9h sáng, gió bắt đầu mạnh, chính quyền cấm người đi xe máy qua cầu Bãi Cháy. Để qua cầu, người dân sẽ đưa xe máy lên các xe tải nhỏ của chính quyền chờ sẵn, chở miễn phí.

Mưa lớn khiến bùn đất từ dự án sân golf của tập đoàn FLC tràn xuống khu dân cư phường Hà Trung, TP Hạ Long.

14g20:

Tại bãi biển Quất Lâm (Nam Định), nếu như 9h sáng nước biển cách bờ kè 15 m, nhưng lúc này đã dâng lên cao 2 m. Nước biển dự báo còn tiếp tục dâng lên và khả năng gây ngập sâu một mét cho khu vực ven biển. Nhiều ki-ốt ven biển Quất Lâm đã bi gió cuốn bay mái.

bao3-7548-1471591512.jpg

Ki-ốt ở biển Quất Lâm bị gió giật tung mái. Ảnh: Duy Cảnh.


14g50:

Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương cho biết, lúc 14g tâm bão trên đất liền Hải Phòng và Thái Bình, mạnh cấp 9 (90 km/giờ), giật cấp 10-12. Các địa phương Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình đang có gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 10-12. Vùng ven biển từ Quảng Ninh đến Thái Bình nước dâng do bão kết hợp thủy triều cao 3,0-3,5 m.

Các tỉnh Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7-9; Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa có gió giật cấp 6-8. Khu vực Hà Nội có gió giật cấp 6-8 và mưa 100-200 mm. 

Dự báo, đến 1h ngày 20/8, bão mới suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới, khi trên đất liền các tỉnh phía Tây Bắc Bộ.

bao6-2191-1471593477.jpg

Dự báo lúc 13g chiều 19/8 của NCHMF.


15g:

Chị Thanh (xã An Châu, Đông Hưng, Thái Bình) mưa to từ hôm qua đến nay. Trời đang gió lớn, rít lên từng hồi qua khe cửa, nên chẳng ai dám ra đường. Tại vùng biển Cồn Đen, huyện Thái Thụy, nước biển dâng cao khoảng một mét. Địa phương đã di dân sống gần bờ biển vào nơi tránh trú an toàn.

Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Văn Hưởng, Phòng dự báo khí tượng hạn ngắn (Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương) cho biết, bão đã qua Hải Phòng, Thái Bình, và đang hướng vào Hải Dương, Hưng Yên, phía Nam Hà Nội.

14081085-1226765210677432-9561-7025-6126

Cửa hàng bánh trung thu trên vỉa hè cạnh chung cư Kim Văn, Kim Lũ, quận Hoàng Mai bị gió quật đổ. Ảnh: Sơn Dương


15g23:

Tại Hà Nội, từ trưa đến nay cơ quan khí tượng đo được gió giật cấp 6 ở Láng, Sơn Tây, Ba Vì. Khu vực Kim Mã cắt Liễu Giai, Nguyễn Chí Thanh, gió giật liên tục, cây cối nghiêng ngả, nhưng chưa có hiện tượng đổ. Trên đường rất ít phương tiện đi lại và phải di chuyển chậm. Nhiều xe phải dừng lại, tạt vào lề đường tránh gió bão. 

bao7-7042-1471595226.jpg

Khách Tây ở khu phố cổ Hà Nội chiều 19/8. Ảnh: Giang Huy.

Hiện vùng mây lớn vẫn bao trùm Tây Bắc Bộ, Đông Bắc Bộ. Dự báo Hà Nội trong 3-4 giờ tới có mưa lớn, gió giật mạnh. "Tất cả mọi người không nên ra đường, đặc biệt là không nên đi qua cầu. Với gió giật mạnh có thể thổi bay xe máy. Kể cả ôtô cũng không nên lưu thông qua những cây cầu như Thanh Trì, Vĩnh Tuy, Nhật Tân", chuyên gia khí tượng Nguyễn Văn Hưởng nói.

15g30:

Đối phó với bão Dianmu, Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn, Bộ Quốc phòng, đã huy động trên 183.000 lượt cán bộ chiến sĩ, 4 máy bay trực thăng và nhiều phương tiện (ôtô, tàu thuyền), trang thiết bị khác tham gia hỗ trợ địa phương ứng phó khi có yêu cầu.

15g40:

Tại Quảng Ninh, ông Hoàng Bá Nam, Chủ tịch huyện Cô Tô cho biết, hiện tại trời ngớt mưa, gió đã chậm lại, chỉ còn cấp 6-7, tàu bè, người an toàn tuyệt đối. Khách du lịch trên huyện đảo Cô Tô còn 9 người, khi nào hết bão có tàu ra họ sẽ về.

15g50:

Tâm bão đi vào Hà Nội, gió đảo chiều liên tục, hàng cây trên các tuyến phố nghiêng ngả, một số mới trồng bị bật gốc. Mưa nặng hạt, táp vào cửa kính của những tòa nhà cao tầng tạo tiếng động rào rào.

bao8-9793-1471596719.jpg

Phố Kim Mã, Hà Nội, một số cây mới trồng dù được chống đỡ vẫn bật đổ. Ảnh: Thanh Tùng.

Ở đường Phan Bội Châu (Hoàn Kiếm), nước ngập cao tới gần đầu gối. Hiện nhân viên công ty thoát nước ứng trực để thông thoát nước nhưng chưa có kết quả. Dòng người đi lại gặp nhiều khó khăn, gây ùn tắc cục bộ.

Công ty Thoát nước Hà Nội cho biết, do mưa lớn trên diện rộng, mực nước sông Nhuệ tại Trạm bơm Đồng Bông I và Thanh Liệt dâng cao, khiến việc tiêu thoát nươc từ nội thành gặp khó khăn. Hàng loạt khu vực như Hoa Bằng, Phạm Văn Đồng (trước công ty Cầu 7), Tân Triều, Ngọc Hồi, Phùng Khoang, Quan Nhân, Cự Lộc, Minh Khai - Mạc Thị Bưởi, Hoàng Mai... bị ngập.

Công ty đã huy động hơn 2.000 cán bộ, nhân viên, 200 đầu xe máy, thiết bị cơ giới để phục vụ giải thoát nước tại các vị trí được phân công. 

bao9-6198-1471597278.jpg

Nước ngập tại phố Minh Khai (quận Hai Bà Trưng). Ảnh: Trần Huấn.


16g25:

Bão suy yếu thành áp thấp nhiệt đới trên khu vực Hà Nội, sức gió mạnh nhất cấp 6-7 (40-60 km/h), giật cấp 8-9. Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương cho biết, trong 3-6 giờ tới, áp thấp nhiệt đới tiếp tục tiến sâu vào đồng bằng Bắc Bộ, mỗi giờ đi được khoảng 15-20 km.

Ở các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên còn có gió giật cấp 7-9; Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Vĩnh Phúc, Hòa Bình có gió giật cấp 6-7. Khu vực Đông bắc, đồng bằng, trung du Bắc Bộ và Thanh Hóa có mưa rất to.

Riêng Hà Nội có gió giật cấp 6-8 và mưa to.

16g45:

Bão đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, gió và mưa giảm dần. Khu vực phố cổ Hà Nội, nhiều khách du lịch nước ngoài ra ngoài ngắm phố phường sau bão.

Sau mấy tiếng mưa to liên tục, nhiều khu dân cư vùng thấp trũng đang ngập sâu.

Theo VnExpress

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X