Hotline 24/7
08983-08983

Ba điều ước của cô gái hiến giác mạc đầu tiên ở Hải Dương

Là người đầu tiên của tỉnh Hải Dương hiến giác mạc cho y học, cô gái Nguyễn Thị Nga đã nhận được sự chia sẻ xúc động của nhiều người dân vùng đất này.

Sau cô, tại thị trấn Tứ Kỳ đã có khá nhiều người đồng ý hiến giác mạc sau khi qua đời. Có gia đình, tất cả các thành viên đều tự nguyện viết đơn.

Ông Xuân và bà Dụ bên di ảnh của con gái. Họ tự hào vì con gái mình đã làm được một việc ý nghĩa cho cộng đồng. Ảnh: Đức TùyÔng Xuân và bà Dụ bên di ảnh của con gái. Họ tự hào vì con gái mình đã làm được một việc ý nghĩa cho cộng đồng. Ảnh: Đức Tùy

“Gia đình luôn tự hào về cháu”

Chúng tôi tìm về gia đình chị Nguyễn Thị Nga (SN 1987, ở xóm 1, thôn An Nhân Tây, thị trấn Tứ Kỳ) sau hai năm người phụ nữ này tình nguyện hiến giác mạc khi biết mình không thể qua khỏi căn bệnh u tủy. Thấy có khách lạ ghé thăm, bà Vũ Thị Dụ (54 tuổi, mẹ của Nga) dừng công việc dọn dẹp phía sau nhà ra đón.

Bà Dụ chia sẻ: “Lúc đầu, gia đình tôi buồn lắm vì ai cũng phản đối việc khi còn sống Nga hiến giác mạc cho y học. Nhưng bây giờ, khi hiểu ra ý nghĩa lớn lao của hành động này, chúng tôi luôn tự hào về con gái mình. Nga đã mất vì bệnh tật, song sự ra đi ấy không vô ích khi Nga đã giúp cho một người mù được nhìn thấy ánh sáng”.

Mỗi khi nhớ về cô con gái thân yêu, bà Dụ lại xót xa: “Phải hơn một năm sau khi Nga mất, tôi mới lấy lại được cân bằng trong cuộc sống. Bình thường thì không sao, nhưng nhớ đến con, tôi chỉ biết khóc”.

Có lẽ hai năm qua là quãng thời gian không thể nào quên đối với gia đình bà Dụ khi phải chịu nhiều nỗi bất hạnh. Vừa mất con do bệnh tật, vừa chịu điều tiếng của một số người cực đoan khi cho rằng: "Gia đình tàn nhẫn khi để con gái chết không toàn thây"(?!).

Trở lại câu chuyện của hai năm trước, người dân ở thị trấn Tứ Kỳ đồn thổi nhiều về việc cô gái Nguyễn Thị Nga đã viết đơn tình nguyện hiến giác mạc sau khi qua đời. Nhiều người tỏ ý phản đối khi biết gia đình cũng đồng ý với ý nguyện của cô. Họ không biết rằng đây là một nghĩa cử cao đẹp, cần được nhân rộng trong cộng đồng.

Ông Nguyễn Văn Xuân (57 tuổi, bố chị Nga) chia sẻ: “Khi bước vào THCS, Nga thường xuyên bị tê chân, đôi lúc không thể đi được. Càng ngày, sức khỏe của Nga càng yếu, thậm chí việc đi lại rất khó khăn. Học hết lớp 9, Nga đành phải xin nghỉ học”.

Sau đó, gia đình đưa cô đi khám tại Bệnh viện Bạch Mai. Bác sĩ kết luận: Nga đã bị u tủy sống, bị chèn 7 đốt sống cổ. Đây là ca bệnh hiếm gặp, buộc phải phẫu thuật mà tỷ lệ thành công rất thấp. Nhưng nếu không phẫu thuật thì nguy hiểm đến tính mạng nên gia đình vẫn quyết định mổ với hy vọng giữ mạng sống cho con. Sau lần phẫu thuật đó, Nga bị liệt hoàn toàn, phải nằm một chỗ, kèm theo đó là những cơn đau, co giật xảy ra hàng ngày.

Năm 2008, một lần tình cờ khi xem truyền hình, Nga biết đến Chương trình hiến giác mạc do Ngân hàng Mắt Trung ương khởi xướng. Thương cảm trước những số phận bất hạnh phải sống trong bóng tối, cô suy nghĩ và quyết định nói với bố mẹ về ước nguyện hiến giác mạc sau khi qua đời.

Ban đầu, bố mẹ và người thân phản đối kịch liệt vì cho rằng: Khi sống cô đã chịu nhiều đau đớn, lúc chết lại phải chịu thiệt thòi. Sau nhiều lần thuyết phục, mọi người trong gia đình cũng hiểu tâm nguyện của cô và đồng ý. Lúc này, bà Dụ đã trực tiếp liên lạc với Bệnh viện Mắt Trung ương. Ít ngày sau, gia đình nhận được thư cảm ơn của bệnh viện. Nga trở thành người đầu tiên của tỉnh Hải Dương tự nguyện hiến giác mạc.

Bà Dụ tâm sự: “Lúc nằm trên giường bệnh, Nga có nói với tôi về ý nghĩa của việc hiến giác mạc, chứ không phải hiến mắt. Nga muốn khi qua đời sẽ làm được việc có ích cho người khác và quan trọng hơn vẫn được nhìn thấy mẹ, người thân qua cơ thể người khác. Tôi nghe con gái nói mà nước mắt không ngừng rơi...".

Ý nguyện của người ra đi

Hướng ánh mắt buồn về di ảnh người con gái xấu số, ông Xuân còn nhớ như in ngày con gái từ biệt cõi đời để về với tiên tổ. Hôm đó cũng là ngày các chuyên gia Ngân hàng Mắt Trung ương đến. Ông cho biết: “Hôm đó, nếu không nhanh thì không lấy được giác mạc của cháu và không thực hiện được ý nguyện của Nga. Các bác sĩ đã về kịp giữa đêm khuya để hoàn thành công việc...".

Hoàn thành xong ý nguyện của Nga, gia đình đã đưa cô đi hỏa táng. Sau đó, Ngân hàng Mắt Trung ương đã cử đoàn công tác về gia đình ông Xuân tổ chức lễ vinh danh việc làm hiếu nghĩa của Nga. Thời điểm này, nhiều người mới hiểu sự hi sinh của cô không hề vô ích.

Tiếp lời chồng, bà Dụ nói: “Thời gian đầu, tôi không sao kìm nén được cảm xúc, lúc nào cũng khóc, nhớ thương con và chịu nhiều lời dị nghị. Trước khi mất, Nga có ba ý nguyện. Đó là hiến giác mạc cho Ngân hàng Mắt Trung ương, được hỏa táng và gia đình được gặp lại người nhận giác mạc. Đến nay, ý nguyện thứ ba thì gia đình chưa thực hiện được”.

Theo lời kể của bà Dụ, nhiều lần gia đình có dò hỏi về người được nhận giác mạc của con gái mình hiến tặng để đến hỏi thăm nhưng không được. "Đây có lẽ là quy định của Ngân hàng Mắt Trung ương. Được gặp lại người nhận giác mạc của Nga là mong muốn của gia đình, song nếu đã là quy định rồi thì chúng tôi chấp hành. Điều ý nghĩa nhất là sự ra đi của con gái chúng tôi không vô ích. Nga đã giúp một người khác nhìn thấy ánh sáng cuộc đời", bà Dụ chia sẻ.

Nghĩa cử cao đẹp

Ông Phạm Quang Dũng, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ thị trấn Tứ Kỳ cho biết: "Cô Nguyễn Thị Nga là trường hợp đầu tiên của tỉnh Hải Dương tình nguyện hiến giác mạc cho y học. Lúc đầu, nhiều người chưa hiểu về việc làm và nghĩa cử cao đẹp này đã dị nghị, đồn thổi. Nhưng sau khi ý nguyện của cô được thực hiện, mọi người đã hiểu được việc làm đó rất ý nghĩa, đáng trân trọng. Sau trường hợp của Nga, tại Tứ Kỳ đã có khá nhiều người đăng ký hiến giác mạc cho y học khi còn sống. Có gia đình cả ba thành viên đều đăng ký”.


Theo Đức Tùy - Gia đình và Xã hội

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X