Hotline 24/7
08983-08983

Ấn Đền Trần: Cầu thăng quan tiến chức, ai sẽ làm dân thường?

“Ai cũng muốn được thăng quan tiến chức thì ai sẽ làm dân thường? Biết điều đó vô lý nhưng người ta vẫn tranh cướp, mua bán các lá ấn”, TS Nguyễn Hồng Kiên chia sẻ.

TS Nguyễn Hồng Kiên (Viện Khảo cổ học Việt Nam) là người đầu tiên lên tiếng giải thiêng lá ấn đền Trần. Tuy nhiên, 7 năm sau, Lễ Khai ấn Đền Trần vẫn là một trong những lễ hội lớn nhất miền Bắc, thu hút hàng trăm nghìn người tham gia.

Khai ấn chỉ nhằm mục tiêu thương mại

- Năm 2011, ông là người đầu tiên lên tiếng cho rằng lễ khai ấn đền Trần là một xuyên tạc lịch sử. Nhận định này dựa trên những căn cứ nào, thưa ông?

- Tôi quê gốc Nam Định, cháu ngoại họ Trần, từng nhiều năm sống trong chùa Phổ Minh ngay cạnh đó, nhưng tôi không hề biết có cái gọi là Lễ Khai ấn Đền Trần Tức Mặc. Tôi đã đọc sách sử, nghiên cứu kỹ lưỡng mới đi đến khẳng định đó là một xuyên tạc lịch sử, mạo danh việc phục hồi lễ hội truyền thống.

An Den Tran: Cau thang quan tien chuc, ai se lam dan thuong? hinh anh 1
Hàng trăm ngàn người đổ về Khai ấn Đền Trần khiến tỉnh Nam Định phải huy động hơn 1.000 cảnh sát để giữ trật tự. Ảnh: Lê Hiếu.

Xin cố gắng tóm lược ngắn gọn như sau:

1. Không có một tư liệu lịch sử nào (từ chính sử đến thư tịch cổ) ghi nhận về cái gọi là Lễ Khai ấn thời Trần như một số báo đưa tin: “…Dưới thời Trần, Khai ấn là nghi thức mở đầu cho một năm làm việc của bộ máy chính quyền. Tục truyền, hàng năm các vua nhà Trần mở lễ khai ấn đầu năm để thưởng công, phong tước...”.

Chính sử chỉ chép việc vua Trần Anh Tông từng ban tước hơi nhiều, bị vua cha là Thượng hoàng Nhân Tông sai lấy sổ xem rồi ghi vào trong đó rằng: “Sao lại có một nước bé bằng bàn tay mà phong quan tước nhiều như thế?”.

2. Các ấn bằng gỗ ở nhiều đền thờ đức thánh Trần đã được TS Nguyễn Công Việt (tác giả cuốn sách Ấn chương Việt Nam) phân loại là ấn tín trong lĩnh vực tôn giáo tín ngưỡng. Cuối đời, khi lui về Kiếp Bạc, Hưng Đạo Vương tu theo Đạo giáo và sau khi mất đã hiển thánh. Muốn lập đền/điện thờ để thờ phụng và hành nghề đạo sĩ thì phải có con dấu của đức thánh Trần để đóng trên bùa chú. Tôi tạm gọi chung các ấn loại này là ấn phù thủy.

Việc khai ấn và phát bản in ấn “Trần miếu tự điển” (Tôn miếu của nhà Trần từ xưa) chỉ là chuyện riêng của các nhà đền hương Tức Mặc, dưới thời Nguyễn, để chống lại, giảm đi tác hại của việc đâu đâu cũng nhận là đền Chân Truyền thờ Đức Hưng Đạo Đại vương.

"Từ thực tế bịa tạc của các ấn được sử dụng, xin nói thẳng rằng: Các lễ khai ấn này có rất ít ý nghĩa văn hoá, tất cả đều nhằm mục tiêu thương mại".

TS Nguyễn Hồng Kiên

3. PGS.TS Nguyễn Văn Huy (Uỷ viên Hội đồng Di sản văn hoá quốc gia) khẳng định: “Nghi lễ này hoàn toàn mang tính tín ngưỡng của một nhà đền, nó không liên quan đến nhà nước, đến các vua Trần, đến hành động của các quan chức thời Trần xưa trong dịp trước khi nghỉ Tết và sau khi hết Tết trở lại công việc bình thường đầu năm. Vì nhiều lý do, nhiều ý nghĩa mới đã được gán cho nó sau này làm di sản bị biến dạng”.

Gần đây PGS.TS Đinh Khắc Thuân, sau khi tiếp cận hồ sơ lưu trữ nằm ở Lưu trữ hải ngoại đã cho biết, theo báo cáo bằng Pháp văn của Police indigène [Cảnh sát bản xứ], thuộc Tòa Công sứ Hà Nội, thì 4 ấn đền Trần (Mỹ Lộc, Nam Định) được lưu hành tại Hà Nội “được phát ra để dán trong nhà ở nhằm phòng ngừa bệnh tật quanh năm”.

Loạn khai ấn đầu năm

- Từ một câu chuyện lịch sử không có thật, Lễ Khai ấn đền Trần được thổi lên thành một trong những lễ hội lớn nhất miền Bắc. Theo ông, đó có phải là xu hướng chung của lễ hội hiện nay?

- Rõ ràng Lễ Khai ấn đền Trần (Nam Định) đã cực kỳ thành công về mặt thương mại. Chính Phó chủ tịch UBND tỉnh Nam Định công bố với báo chí: “Hàng năm lễ hội khai ấn mang về cho Nam Định khoảng 10 tỷ đồng”. Chắc chắn đó là lý do khiến nhiều nơi khác học tập.

Đền Trần Thương ở Hà Nam, tương truyền là nơi kho trữ lương thời Trần, cũng đã tổ chức “Lễ phát lương”. Và dù "Lễ hội đền Trần Thương" đã được "Địa chí Hà Nam" chép kỹ làkhông hề có cái gì liên quan đến khai ấn thì “Vật phẩm trong túi lương gồm ngô vàng, thóc nếp và tờ in Ấn vua Trần”.

Đến khu Văn hóa núi Bài Thơ (TP Hạ Long, Quảng Ninh) cũng có lễ Khai bút khai ấn. “Lý lịch” của lễ khai ấn ở đây rất không rõ ràng. Ấn gỗ đẽo mới năm 2014 thì đã được chỉ rõ là sai cả tên.

Cao trào khai ấn còn được tiếp tục ở khu di sản văn hoá thế giới Hoàng thành Thăng Long. Vì bất chấp lịch sử nên việc phục chế ấn từ mẫu chữ khắc trên 2 mảnh gỗ mỏng chưa đến 1 cm đã gây nhiều tranh luận. Mặc cho giới nghiên cứu còn bất đồng, một Lễ Khai ấn (thử nghiệm) đã được tổ chức năm ngoái.

Từ thực tế bịa tạc của các ấn được sử dụng, xin nói thẳng rằng: Các lễ khai ấn này có rất ít ý nghĩa văn hoá, tất cả đều vì mục tiêu thương mại.

An Den Tran: Cau thang quan tien chuc, ai se lam dan thuong? hinh anh 2
Kết quả bình chọn của bạn đọc Zing.vn về việc cầu xin khi tới đền, chùa.

Mặc cả với đức tin

- Tại sao lễ khai ấn đền Trần vẫn thu hút dù nhiều nhà nghiên cứu đã lên tiếng về ý nghĩa đích thực của nó?

- Giải ảo các huyền tích mới được sáng tác là chuyện không dễ dàng của ngày một ngày hai. Nhất là khi những điều đó đã được tuyên truyền dưới chiêu bài phục dựng lễ hội truyền thống. Đây đó, vẫn có những nhà nghiên cứu, những cơ quan nghiên cứu và quản lý tiếp tục nguỵ biện, chống chế, bênh vực cho Lễ Khai ấn.

Một nguyên nhân cơ bản khác là các Lễ Khai ấn vẫn có mặt các quan chức cao cấp. Tôi hoàn toàn tán đồng với ý kiến của PGS.TS Nguyễn Văn Huy: “Việc quản lý và tổ chức thực hành tín ngưỡng này cần được trả về cho cộng đồng, cho nhà đền; chắc chắn đó không phải là việc của các cơ quan nhà nước, lại càng không phải là việc của các vị lãnh đạo”.

Hơn nữa, tâm lý nhiều người (dù chẳng mấy tin) vẫn muốn có lá ấn như một liều thuốc trấn an tinh thần. Trong khi đó, báo chí vẫn tiếp tục đưa tin, hình ảnh nhiều lãnh đạo cao cấp về nhiều nơi để khai ấn. “Dân gian” không thể không bị ảnh hưởng về điều đó.

"Xã hội Việt Nam đang có một tâm lý đám đông rất khó lý giải. Ai cũng muốn được thăng quan tiến chức thì ai sẽ làm dân thường? Biết điều đó vô lý nhưng người ta vẫn tranh cướp, mua bán các lá ấn".

TS Nguyễn Hồng Kiên

Tôi cho rằng các quan chức trung ương và cấp tỉnh có đến các Lễ Khai ấn nói riêng và lễ hội dân gian nói chung thì nên đến với tư cách cá nhân, chỉ nên tham dự, chứ hoàn toàn không nên trực tiếp đứng đóng ấn.

- Từ hiện tượng người người nô nức đi khai ấn đền Trần đến việc chùa chiền đông nghịt người đến cầu cúng mỗi dịp năm mới. Theo ông, nguyên nhân vì hám danh lợi hay con ngườiđang thiếu lòng tin?

- Xã hội đang có tâm lý đám đông rất khó lý giải. Ai cũng muốn được thăng quan tiến chức thì ai sẽ làm dân thường? Biết điều đó vô lý nhưng người ta vẫn tranh cướp, mua bán các lá ấn.

Tôn giáo tín ngưỡng thì đang có rất nhiều lệch lạc. Đơn cử là chuyện quảng cáo bán các món chay giả thịt, thậm chí có cả hướng dẫn cách làm tiết canh chay (?!).

Các chùa thường xuyên tổ chức “dâng sao giải hạn”, dù rõ ràng việc cúng sao giải hạn không có trong giáo lý nhà Phật, không phải là văn hóa Phật giáo.

Tôi còn nhớ hoà thượng Thích Thanh Tứ (chùa Quán Sứ) viết trên báo: "Trong sách của đạo Phật không nói về việc cúng sao giải hạn. Tập quán này vốn xuất phát từ Trung Quốc, còn cha ông ta từ xa xưa chỉ làm lễ cầu an, cầu phúc đầu năm cho tất cả thành viên trong gia đình. Tục lệ này thành mốt là do hiện nay thầy cúng nhiều hơn thầy tu, thầy chùa nhiều hơn chân tu đó thôi".

Theo tôi, các tệ nạn nói trên sinh ra bởi cả hai nguyên nhân: Tâm lý hám danh lợi và khủng hoảng lòng tin. Chưa bao giờ các hướng dẫn cầu cúng lại tràn ngập trên báo chí như hiện nay!

Theo Hà Hương - Zing.vn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X