Hotline 24/7
08983-08983

5 quốc gia giữ kỷ lục kỳ lạ nhất

Đức trở thành nhà thổ lớn nhất châu Âu với hơn 300.000 gái mại dâm, hơn 1/3 dân số Áo hút thuốc lá thường xuyên, còn mức tiêu thụ cồn ở Belarus gấp 3 lần mức trung bình thế giới.

Nhà thổ lớn nhất châu Âu

Đức trở thành nhà thổ lớn nhất châu Âu với hơn 300.000 gái mại dâm. Ảnh: Listverse
Đức trở thành nhà thổ lớn nhất châu Âu với hơn 300.000 gái mại dâm. Ảnh: Listverse

Kể từ khi hợp pháp hóa mại dâm vào năm 2002, Đức trở thành “siêu thị mại dâm” khổng lồ với khoảng 300.000 người lao động tình dục. Thậm chí, một người ở bang Florida, Mỹ, còn bay tới Đức mỗi năm 3 lần để tận dụng mức giá chiết khấu.

Người ta ước tính khoảng 500 nhà thổ đang tồn tại ở Berlin trong tổng số hơn 3.000 nhà thổ trên cả nước. Doanh thu mỗi năm của ngành công nghiệp mại dâm lên đến 20 tỷ USD và Đức trở thành nhà thổ lớn nhất châu Âu, theo New York Post.

Tình trạng mại dâm bùng nổ ở Đức gây hậu quả nghiêm trọng. Nhiều kẻ lừa bán, buộc các cô gái nước ngoài tham gia vào ngành công nghiệp mại dâm ở Đức.

Chủ chứa thu lợi nhuận khổng lồ trong khi người lao động nhận mức tiền công rẻ mạt. Theo các cuộc khảo sát, khoảng 90% phụ nữ trở thành gái mại dâm do tình trạng ép buộc.

Một thành viên Quốc hội Đức cho biết: “Vào thời điểm đó, người ta cho rằng hợp pháp hóa mại dâm có thể cải thiện tình hình của những người lao động tình dục. Nhưng đó là suy nghĩ sai lầm. Giờ chúng tôi biết rằng cách nghĩ tốt chưa chắc mang lại hiệu quả tốt”.

Nước có tỷ lệ người hút thuốc cao nhất

Hầu hết mọi người đều biết hút thuốc lá là tác nhân chủ yếu dẫn đến ung thư. Tuy nhiên, khoảng 36,3% dân số nước Áo vẫn hút thuốc. Do đó, Áo trở thành quốc gia có tỷ lệ người hút thuốc cao nhất thế giới.

Theo dữ liệu thống kê, trong năm 2010, khoảng 60% dân số trong độ tuổi từ 20 đến 50 - tương đương 2,5 triệu người, và 41% thanh thiếu niên tuổi từ 15 đến 20 - thừa nhận họ thường xuyên hút thuốc.

Tình trạng nghiện thuốc lá ở Áo khiến các quốc gia châu Âu lo ngại. Năm 2009, chính phủ Áo áp dụng chính sách cấm thuốc lá của EU, yêu cầu các nhà hàng và quán bar lớn chuyển ít nhất 50% số ghế vào khu vực cấm hút thuốc, Tân Hoa Xã đưa tin. Động thái này khiến người dân phẫn nộ.

Nhiều chủ doanh nghiệp cho biết, họ sẽ công khai vi phạm luật vì sợ mất khách hàng. Năm 2010, chỉ 19% dân số ủng hộ chính sách cấm thuốc lá ở các nhà hàng và không gian khép kín. Thực tế đó đồng nghĩa với việc 3,5 triệu người ở Áo vẫn tự do duy trì thói quen hút thuốc.

Dân Belarus uống nhiều rượu nhất

Lượng rượu một người Belarus tiêu thụ mỗi năm ở mức cao nhất thế giới. Ảnh minh họa: Listverse

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bình quân một năm, mỗi người Belarus tiêu thụ khoảng 17,5 lít cồn nguyên chất, gấp 3 lần mức trung bình toàn thế giới (6,2 lít). Lượng rượu trung bình một người đàn ông uống lên tới 27,5 lít/năm.

Belarus Digest cho biết, rượu chiếm 46,6%, bia và rượu vang chiếm 22,5% trong tổng lượng đồ uống có cồn. Hơn 30% còn lại gồm rượu trái cây và vodka người dân tự nấu.

Chính phủ Belarus phủ nhận báo cáo của WHO, tuyên bố con số thực tế thấp hơn nhiều. Tuy nhiên, dư luận chỉ trích chính phủ vì họ tính cả trẻ em và trẻ sơ sinh, những đối tượng không uống rượu, để giảm tỷ lệ chung.

Dù vậy, giới chức cũng thực hiện chương trình chống rượu, bao gồm mức tiền phạt cao đối với người lái xe khi say rượu và cấm nấu rượu hoa quả. Chính phủ cũng lên kế hoạch tăng tuổi được phép uống rượu từ 18 lên 21, tăng giá rượu.

Tuy nhiên, dường như rượu đã ăn sâu vào văn hóa Đông Âu. Theo báo cáo của WHO, 5 quốc gia tiêu thụ rượu nhiều lớn nhất thế giới thuộc khu vực này.

Honduras, nơi hoạt động phá rừng diễn ra mạnh nhất

Tình trạng phá rừng diễn ra nghiêm trọng nhất ở Honduras.
Ảnh minh họa: Listverse

Nạn phá rừng là một vấn đề toàn cầu và Hondarus là nước có tỷ lệ phá rừng cao nhất. Theo Báo cáo Đánh giá Tài nguyên Rừng Toàn cầu, Honduras đánh mất vị trí thứ 4 trong số những nước có tỷ lệ diện tích rừng trên tổng diện tích lãnh thổ lớn nhất thế giới trong giai đoạn 1995 - 2005, sau Comoros, Burundi và Togo.

Thay vào đó, quốc gia Trung Mỹ này lại lọt vào danh sách 20 nước có tổng diện tích rừng bị phá cao nhất. Thực tế đó cho thấy nạn phá rừng đang diễn ra nghiêm trọng ở Honduras.

Khoảng 70% dân số Honduras sống trong cảnh nghèo, Honduras Weekly cho hay. Nhiên liệu chính của họ là củi. Các chủ trang trại cà phê không quan tâm đến việc diện tích rừng giảm dần.

Những kẻ buôn ma túy lại coi phá rừng là cơ hội kiếm tiền, bởi chúng có thể ép các nhà bảo tồn sinh thái và người dân bản địa rời khỏi mảnh đất của họ bằng cách phá rừng. Vì thế, diện tích rừng bị phá ở Honduras tăng 4 lần từ năm 2007 đến năm 2011.

Dân Chad có tuổi thọ trung bình thấp nhất

Tuổi thọ trung bình của dân Chad là 49 tuổi, thấp nhất thế giới. Ảnh: New York Times
Tuổi thọ trung bình của dân Chad là 49 tuổi, thấp nhất thế giới. Ảnh: New York Times

Cộng hòa Chad là nước có tuổi thọ trung bình thấp nhất thế giới, 49 tuổi, do tình trạng suy dinh dưỡng, theo Telegraph. Là một quốc gia sa mạc, Chad thường chịu ảnh hưởng tiêu cực từ hạn hán và các thiên tai khác.

Cuộc xung đột gần đây với nước láng giềng Sudan khiến hàng nghìn người vượt biên để tìm kiếm sự an toàn. Bên cạnh đó, Chad cũng trải qua cuộc nội chiến kéo dài nhiều thập kỷ và một cuộc xung đột tàn bạo với chế độ Gadhafi ở Lybia.

Ngoài ra, Chad đang chống chọi đại dịch HIV/AIDS. Khoảng 3,4% người trưởng thành nhiễm bệnh, hơn 120.000 trẻ em mất cha, mẹ vì căn bệnh thế kỷ. Tình trạng khan hiếm nước sạch (chỉ khoảng 4% dân số nông thôn có nước sạch để dùng) cũng là một trong những nguyên nhân khiến tuổi thọ trung bình thấp.

Tiêu chảy, dịch tả và bệnh thương hàn thường xuyên bùng phát, trở thành căn bệnh chết người tại quốc gia mà tỷ lệ bác sĩ chỉ chiếm 1/38.000 dân số.

AloBacsi.vn
Theo Nguyễn Sương - Zing.vn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X