Hotline 24/7
08983-08983

Tại sao hay bị ức chế khi chơi game?

Mất trang bị, bị xóa dữ liệu, gặp "trẻ trâu" hay lag là những nguyên nhân khiến người chơi tức tối.

Trò chơi có quá nhiều hacker

Hack là việc người chơi sử dụng các phần mềm, công cụ bên ngoài hoặc lợi dụng lỗi game để can thiệp vào hệ thống, tạo ra những lợi ích riêng cho nhân vật hay tài khoản của mình. Hành vi này thường xuất phát từ game thủ am hiểu lập trình, cũng đôi khi do người chơi vô tình phát hiện và lan truyền trong cộng đồng. Gần như 100% các trò chơi trực tuyến hiện nay cả ở Việt Nam lẫn trên thế giới đều có thể bị hacker can thiệp.

Game bắn súng trực tuyến là thể loại bị hacker can thiệp nhiều nhất.

Game bắn súng trực tuyến là thể loại bị hacker can thiệp nhiều nhất. 

Có nhiều loại hack khác nhau, như sử dụng "cheat" hoặc "bug", thay đổi file dữ liệu, thay đổi thông số trên RAM... Ngoài việc trục lợi từ hệ thống, giúp chiến thắng các thử thách, chúng còn có thể tác động tới người chơi khác nhằm tước đoạt vật phẩm hay thậm chí là toàn bộ thông tin tài khoản.

Khi nhà phát triển game không thể khắc phục và để cho tình trạng này trở nên phổ biến, game thủ sẽ cảm thấy ức chế khi thấy người khác có thể đạt thành quả cao hơn mình một cách dễ dàng. Những người bị mất tài khoản, vật phẩm vào tay hacker sẽ nhanh chóng buông bỏ trò chơi nếu không được hỗ trợ lấy lại. Nếu không bỏ game, số người chơi này sẽ tìm cách sử dụng hack để trả thù và nạn nhân sẽ là các game thủ vô tội khác.

Game bị mất cân bằng

Các trò chơi được phát triển nhằm tạo ra sự cân bằng giữa người chơi, dựa trên cách chơi và việc phân bổ tài nguyên, vật phẩm. Tuy nhiên, không phải lúc nào điều này cũng ở mức hoàn hảo. Một số trò chơi nhập vai để cho một lớp nhân vật có thể vượt trội hơn phần còn lại về cấp độ, sức mạnh từ khá sớm. Việc mất cân bằng trong các game chiến thuật thể hiện ở việc một lối chơi nào đó áp đảo các chiến thuật còn lại. Ví dụ Pokemon Go, sự mất cân bằng nằm ở việc phân bổ các phòng Gym, PokeStop giữa khu vực nông thôn và thành thị đã khiến nhiều game thủ phải bỏ việc theo đuổi trò chơi.

Nhiều game thủ ở nông thôn bỏ chơi Pokemon Go vì không thể tìm thấy các PokeStop.

Nhiều game thủ ở khu vực nông thôn bỏ chơi Pokemon Go vì không thể tìm thấy các PokeStop.

Khi game không còn cân bằng, phần đông người chơi sẽ nghiêng về việc tranh thủ lợi thế để tăng cấp độ và sức mạnh cho nhân vật, tài khoản của mình. Điều này khiến cho những game thủ muốn trải nghiệm một cách bình thường, vui vẻ cảm thấy nản lòng và sớm xóa trò chơi khỏi máy.

Nhân vật ảo bị mất trang bị

Nhiều trang bị, vật phẩm trong game online được tích lũy và tạo ra từ quá trình chơi rất lâu của game thủ. Đôi khi giá trị của một tài khoản game được xác định bằng một vài món đồ trên người nhân vật ảo và có thể quy đổi ra tiền mặt lên tới hàng chục hay cả trăm triệu đồng.

Nhưng đôi khi vì một chút đãng trí nào đó, không ít game thủ đã đặt nhầm giá trị khi "treo shop" bán đồ trong game và bị người chơi khác nhanh tay mua mất. Có lúc, vật phẩm bị phá hủy trong quá trình người chơi muốn nâng cấp, cường hóa. Không thể lấy lại món đồ giá trị, tinh thần của người chơi sẽ nhanh chóng suy sụp và phần lớn đều bỏ game hoặc chấp nhận chơi lại từ đầu ở một máy chủ khác.

Lag, mất dữ liệu từ máy chủ

Cơ sở hạ tầng của hãng phát hành không được chuẩn bị tốt là nguyên nhân gây ra hiện tượng lag, mất kết nối trong khi chơi. Phần lớn game thủ sẽ chấp nhận hiện tượng này trong một vài ngày đầu khi sản phẩm ra mắt, thời điểm mà lượng người chơi phát sinh đột biến hoặc khi game cập nhật phiên bản mới. Tuy nhiên, nếu để kéo dài, game thủ sẽ cảm thấy khó chịu khi trải nghiệm, dẫn tới việc đánh giá thấp khả năng quản lý của đơn vị vận hành.

Còn việc mất dữ liệu, hay còn gọi là "sập game", là lỗi lớn của đơn vị quản lý trong quá trình phát hành. Nếu nhẹ, hệ thống sẽ lùi cơ sở dữ liệu về trạng thái cũ trước đó một thời gian, người chơi sẽ mất đi cấp độ, trang bị và toàn bộ thông tin giao dịch trong giới hạn. Rất nhiều game online Việt đã gặp phải sự cố này.

Nếu nghiêm trọng, game thủ sẽ mất đi tất cả thông tin nhân vật, tài khoản. Sự cố "sập game" lớn nhất trong làng game Việt xảy ra tháng 10/2014 và nạn nhân là nhà phát hành Soha Game. Rất nhiều trò chơi do đơn vị này phát hành đã không còn dữ liệu, buộc phải đóng cửa hoặc cho game thủ chơi lại từ đầu.

Bị quấy phá trong khi chơi

Khác với những sự "ức chế" ở trên, vấn đề này không liên quan tới hệ thống mà xuất phát trực tiếp từ những người chơi khác. Đó là việc game thủ sẽ bị PK (đồ sát) vô căn cứ hay bỗng dưng bị mắng chửi bất ngờ. Đôi khi nhân vật bị quấy phá không cho đánh quái, luyện cấp hoặc trong những trận đấu quan trọng, thành viên khác trong đội bất ngờ quay sang hỗ trợ cho đối thủ. Những người chơi hành xử như vậy thường được ưu ái gọi bằng cái tên "trẻ trâu".

Nhiều lần như vậy, người chơi sẽ mất lòng tin vào cộng đồng. Khi mỗi lần vào game đều cảm những trải nghiệm khó chịu, game thủ sẽ không ngần ngại từ bỏ và tìm tới một cộng đồng khác thân thiện cũng như nghiêm túc hơn.

Nhà phát hành "xem nhẹ" cộng đồng

Khi gặp hacker, sự cố kỹ thuật hay có thắc mắc về các sự kiện, người đầu tiên game thủ muốn nói chuyện là đội ngũ kỹ thuật hay những người trực tiếp quản lý cộng đồng, chiếc "cầu nối" với nhà phát hành. Kênh giao tiếp thông thường là đường dây nóng, trang fanpage của game hoặc diễn đàn. Nhiều game thủ sẵn sàng lên tận trụ sở đơn vị phát hành để nói chuyện trực tiếp.

Trong trường hợp các vấn đề không được xử lý một cách triệt để, công bằng và minh bạch thì đây sẽ là những "vết sẹo" khó xóa trong lòng cộng đồng game thủ. Việc cố ý bao che các tài khoản VIP, bảo vệ nhân viên thái quá hay che giấu lỗi hệ thống sẽ khiến người chơi mất lòng tin vào nhà phát hành và xóa game không lâu sau đó.

Theo Bảo Nam - VnExpress

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X