Hotline 24/7
08983-08983

Suy giáp sau xạ trị, không nên mất tinh thần!

Tôi năm nay 49 tuổi. Năm 2007 tôi thấy cơ thể thay đổi, đi khám và phát hiện mình bị bệnh Basedow, được bác sĩ điều trị bằng xạ trị (2 lần).

 
 

Sau đó tôi duy trì uống thuốc Levothrox đều đặn theo chỉ dẫn của bác sĩ. Cứ ba tháng tôi khám một lần. Lúc đầu sau xạ trị qua xét nghiệm kết luận tôi bị cường giáp, rồi bị nhược giáp, bây giờ tôi đi khám bác sĩ bảo suy giáp. Các bác sĩ tuyến tỉnh nói tôi sẽ uống thuốc cả đời, bác sĩ tuyến trung ương nói uống thuốc đều theo chỉ dẫn, cơ thể khỏe mạnh không sao cả. Bác sĩ tuyến huyện lại cho rằng sau xạ trị con người không tồn tại được 15 năm.

Tôi thấy hoang mang, lo sợ quá vì tôi xạ trị đã được 8 năm, vậy phía trước bệnh của tôi sẽ đi đến đâu. Hiện tại tôi thấy khỏe mạnh, công tác tốt, nhưng mắt kém và cũng hay quên. Xin bác sĩ cho tôi một lời khuyên. Căn bệnh suy giáp của tôi có độc hại, gây ảnh hưởng đến sức khỏe của tôi không và tôi có phải ăn kiêng những loại thực phẩm gì không?

(Lê Thị Thanh, Hải Hà, Quảng Ninh)

Chào chị Thanh! Chị Thanh đã được bác sĩ chẩn đoán là bệnh Basedow.

Bệnh này có các đặc điểm: Tuyến giáp hoạt động mạnh hơn mức bình thường, biểu hiện là hội chứng cường giáp. Bướu giáp lan tỏa và có tình trạng tăng sinh mạch máu. Lồi mắt: có thể gặp.

Hiện nay y học có 3 phương pháp để điều trị bệnh này: mỗi phương pháp có ưu/nhược điểm riêng, cân nhắc chọn lựa sẽ tùy từng người bệnh cụ thể.

Dùng thuốc kháng giáp tổng hợp: khá phổ biến và thường là chọn lựa đầu tay trong hầu hết trường hợp. Nhược điểm là thời gian điều trị khá lâu: Thời gian tấn công 6-8 tuần. Thời gian điều trị duy trì trung bình 18 tháng, có thể lâu hơn. Tỉ lệ tái phát sau ngưng thuốc khá cao (hơn một phần 3 trường hợp).

Phẫu thuật: thường là chọn lựa khi: Thất bại với thuốc (dễ tái phát...). Hoặc khi bướu giáp quá lớn, hoặc nghi ngờ ung thư, hoặc không dung nạp với thuốc kháng giáp tổng hợp... Tuy nhiên, phẫu thuật an toàn khi người bệnh đã ở trong tình trạng bình giáp. Nhược: có một tỉ lệ nhỏ có thể bị khàn giọng, bị suy giáp, suy cận giáp... sau mổ.

Xạ trị (uống iode đồng vị phóng xạ): hay dùng trên những bệnh nhân lớn tuổi, hoặc đã thất bại dùng thuốc và không muốn hoặc không thể chịu được cuộc phẫu thuật...

Và cũng vì chị Thanh đã trải qua hai lần dùng iode đồng vị phóng xạ, nên tôi sẽ giải thích thêm về quá trình này:

- Cơn cường giáp cấp: nếu có thường xảy ra rất sớm, sau xạ trị 24-48 giờ.

- Suy giáp: thường xảy ra muộn, sau nhiều năm. Càng nhiều năm sau xạ trị tỉ lệ suy giáp càng tăng dần. Khoảng 25-50% suy giáp sau xạ trị từ 7-10 năm. Một khi đã có suy giáp sau xạ trị, chị cần dùng hormon giáp thay thế, gần như là suốt đời. Suy giáp sau xạ trị là một bệnh khá "hiền lành" và "dễ trị"!

Nếu được bổ sung hormon tuyến giáp kịp thời và đúng liều lượng thì chất lượng cuộc sống của người bệnh hầu như không thay đổi! (Hiện chị Thanh cũng cảm nhận được mình đang khỏe mạnh và công tác tốt đấy) Nếu chị thấy mắt kém thì nên khám bác sĩ chuyên khoa mắt để được tư vấn thêm.

Thực tế tuổi thọ của mỗi người còn tùy thuộc vào rất nhiều yếu tố khác nhau chi phối. Riêng tôi đã gặp rất nhiều bệnh nhân suy giáp sau phẫu thuật và sau xạ trị giống như chị, với tình trạng sức khỏe ổn định sau rất nhiều năm theo dõi định kỳ và dùng thuốc đúng chỉ dẫn. Về kiêng cữ cho căn bệnh này hầu như không có gì đặc biệt ngoài những lời khuyên chung để giữ gìn sức khỏe!

Kính chúc chị vui khỏe! Thân ái.

Theo BS Trương Dạ Uyên - BV Hoàn Mỹ Sài Gòn
Tuổi trẻ

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X