Hotline 24/7
08983-08983

Sập cầu Ghềnh: Nhân viên gác chắn nhớ những chuyến tàu

"Khi chuông reo lên, theo thói quen, chúng em ra ngoài kéo barie chờ tàu chạy qua. Lúc đó mới nhớ là đường sắt đã bị hỏng", nữ nhân viên gác chắn đường Phạm Văn Đồng (TPHCM) kể.

Chiều 21/3, phóng viên Zing.vn tới các gác chắn dân sinh ở các tuyến đường quận 3, Phú Nhuận, Gò Vấp thì thấy các nhân viên đang nằm ngủ. Căn phòng nhỏ hẹp, chỉ đủ diện tích cho 2 chiếc xe máy và trải một chiếc chiếu đơn ở góc tường.

Tàu không chạy vẫn đến gác chắn

Thấy chúng tôi nhìn nhìn vào gác chắn đang khóa cửa trên đường Nguyễn Văn Trỗi (quận Phú Nhuận) xem có ai bên trong hay không, những người bán nước bên cạnh nói: "Họ ngủ rồi, tới 16h mới dậy. Cầu sập 2 ngày nay, không có tàu chạy thì ngủ chứ làm gì".

Tại gác chắn Nguyễn Kiệm (giao giữa đường sắt và đường Nguyễn Kiệm, quận Phú Nhuận) 3 nhân viên nữ che rèm nằm ngủ. Thấy phóng viên vào hỏi, người bán nước bên đường nói "tàu không chạy, họ ngủ hết rồi".

15h, tại gác chắn Phạm Văn Đồng 1, phóng viên ghi nhận có nhiều nhân viên nằm ngủ, còn một nhóm đánh bài. Ở gác chắn Phạm Văn Đồng 2 đối diện cũng tương tự.

Sap cau Ghenh: Nhan vien gac chan nho nhung chuyen tau hinh anh
Tàu không chạy, nhiều nhân viên gác chắn nằm ngủ đến 16h. Ảnh: Khánh Trung

Đến khoảng 16h, các nhân viên gác chắn bắt đầu thức dậy dọn dẹp vệ sinh. Nữ nhân viên 20 tuổi (xin giấu tên) ở gác chắn Phạm Văn Đồng 2 cho biết nhiều ngày nay thấy lo lắng vì đường sắt ngưng hoạt động.

Tuy nhiên, theo cô, hàng ngày vẫn đi làm vì chưa có thông báo của các cấp lãnh đạo. Theo đó, mỗi công nhân làm liên tục 12 giờ, sau đó nghỉ 24 tiếng. Mỗi ngày họ có mặt tại gác chắn nhận ca từ 6h sáng. "Các công nhân cứ xoay vòng thay nhau trực ở các gác chắn để trông coi máy móc, tài sản của cơ quan", nhân viên này nói.

Làm công việc gác chắn đã hơn 1 năm, nữ nhân viên này cho biết mỗi ngày đón 7-10 chuyến tàu ra vào, nhưng nay tàu không chạy nữa nên cảm giác rất buồn. "Khi chuông reo lên, theo thói quen, chúng em ra ngoài kéo barie gác chắn chờ tàu chạy qua. Lúc đó mới nhớ là đường sắt đã bị hỏng", nữ nhân viên này kể.

Những ngày qua, khi nghe tin cầu sập, ba mẹ cô ở Phú Yên gọi điện vào hỏi rằng phải 5 tháng nữa mới khắc phục xong sự cố thì ở lại Sài Gòn hay về quê? "Em chỉ biết nói với ba mẹ là lãnh đạo chưa có thông báo nên vẫn đi làm. Nếu tàu không chạy, kinh tế khó khăn thì em phải tìm việc gì đó làm thêm, kiếm tiền nuôi em ăn học", nữ nhân viên chia sẻ.

Nhiều nhân viên ở các gác chắn khác cũng tâm sự, rất buồn khi không thấy tàu chạy qua. "Công việc hàng ngày là đến giờ tàu chạy ra đứng chắn, thành thói quen. Thời điểm Tết có khi đón 60 chuyến tàu ngày đêm. Giờ tàu không chạy, không có việc làm, ngủ hoài cũng chán", một nhân viên nói.

Tàu không chạy, Sài Gòn bớt kẹt xe

Nhiều ngày nay, những người hay lưu thông qua đường Trần Văn Đang (phường 11, quận 3) vui vì không phải dừng xe trước barie chờ tàu. Chị Hà Duyên (người thường xuyên đi qua tuyến đường này) cho biết, tàu không chạy dân thấy vui vì đỡ phải kẹt xe. Buổi sáng đi vào khu vực đường bờ kè Hoàng Sa không phải đứng lại chờ cho tàu vào ra ga.

"Có hôm mới sáng sớm đã kẹt xe, phải mất 20 phút mới qua được. Giờ tàu không vào ga, tuyến đường trở nên thông thoáng và nhất là giải quyết ách tắc cho đường Cách Mạng Tháng Tám trước chợ Hòa Hưng (quận 10) vào giờ cao điểm. Có hôm chờ tàu lâu, 2 tuyến đường này ùn ứ kéo dài hàng km", chị Duyên cho biết.

 Khu vực các tuyến đường sắt chắn ngang như Nguyễn Văn Trỗi, Nguyễn Kiệm, Phạm Văn Đồng... cũng trở nên thông thoáng. Anh Quỳnh (sống ở đường Nguyễn Kiệm) nói: "Không có tàu chạy qua, người đi đường đâu phải dừng lại chờ. Thường ngày, cứ khi tàu chạy qua là tuyến đường này tắc kéo dài. Đoạn đường về nhà có vài trăm mét mà phải đi nửa tiếng".

Sự cố giao thông đường thủy xảy ra vào 11h30 ngày 20/3 khi chiếc sà lan nặng 800 tấn va vào trụ cầu Ghềnh bắc qua sông Đồng Nai thuộc xã Hiệp Hòa, TP Biên Hòa, Đồng Nai.

Vụ va chạm làm 2 nhịp cầu bị gãy, 3 người rơi xuống cầu nhưng đã được cứu sống. Tuyến đường sắt Bắc - Nam bị tê liệt hoàn toàn. Theo cơ quan chức năng, sau 3-5 tháng, tuyến đường sắt này mới thông suốt trở lại.

Ngày 21/3, lực lượng Công an tỉnh Đồng Nai bắt giữ Phan Thế Thượng (63 tuổi, chủ tàu đẩy sà lan), Trần Văn Giang (36 tuổi, quê Bạc Liêu) và Nguyễn Văn Lẹ (28 tuổi, quê Sóc Trăng) để phục vụ điều tra.

Trong đó Giang và Lẹ được xác định không có giấy phép lái tàu nhưng đã đứng ra lái tàu đẩy sà lan 800 tấn từ Cát Lái (Nhơn Trạch, Đồng Nai) lên TP Biên Hòa. Khi đến chân cầu Ghềnh, do thiếu quan sát nên họ để sà lan đâm trực diện vào trụ cầu số 2 làm 2 nhịp đổ sập xuống sông.


Theo Khánh Trung - Zing.vn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X