Hotline 24/7
08983-08983

Phòng, chống bệnh nghề nghiệp - Giải pháp nào?

Bệnh nghề nghiệp là những bệnh lý mang đặc trưng của nghề nghiệp hoặc liên quan tới nghề nghiệp.

Bệnh nghề nghiệp là những bệnh lý mang đặc trưng của nghề nghiệp hoặc liên quan tới nghề nghiệp. Nguyên nhân là do tác hại thường xuyên và lâu dài của điều kiện lao động không tốt. Ngay từ khi có lao động, bệnh nghề nghiệp đã xuất hiện và gây ảnh hưởng tới người lao động. Vậy thực trạng các bệnh nghề nghiệp ở nước ta như thế nào? Chúng ta đã có giải pháp nào để phòng, chống bệnh nghề nghiệp cho người lao động?... Bà Trần Thị Ngọc Lan - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Môi trường Y tế - Bộ Y tế sẽ trao đổi với bạn đọc xung quanh vấn đề này?


Bà Trần Thị Ngọc Lan - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Môi trường Y tế - Bộ Y tế 

Phóng viên: Xin bà cho biết thực trạng về các bệnh nghề nghiệp hiện nay ở nước ta?

Bà Trần Thị Ngọc Lan: Cho đến nay, Việt Nam có 26.928 người lao động mắc bệnh nghề nghiệp đã được cấp sổ bảo hiểm và được đền bù, trong đó hơn 75% là nhóm các bệnh bụi phổi (bụi phổi-silic, bụi phổi bông, bụi phổi amiang, talc...), khoảng 12% là bệnh nghề nghiệp do các yếu tố vật lý (điếc nghề nghiệp do tiếng ồn, bệnh nhiễm xạ tia X), khoảng 5-7% là các bệnh nhiễm độc nghề nghiệp (nicotine, TNT, chì, benzen, hóa chất trừ sâu...). Các bệnh nghề nghiệp trong nhóm nghề có tiếp xúc với yếu tố vi sinh vật (viêm gan nghề nghiệp, lao nghề nghiệp...) được phát hiện và đền bù còn rất ít.

Hiện nay, nước ta mới có 25 bệnh nghề nghiệp được bảo hiểm. Cục Quản lý Môi trường Y tế đang dự thảo bổ sung thêm 6 bệnh nghề nghiệp mới cần đưa vào danh mục này, đó là bệnh nhiễm độc nghề nghiệp do Cadimi, bệnh HIV/AIDS nghề nghiệp, bệnh rung chuyển toàn thân nghề nghiệp, bệnh sốt rét nghề nghiệp, bệnh bụi phổi-Talc nghề nghiệp và bụi phổi - than nghề nghiệp. 

Nhóm bệnh ung thư nghề nghiệp sẽ tiếp tục nghiên cứu và bổ sung trong những năm tới và danh mục bệnh nghề nghiệp được bảo hiểm ở Việt Nam.

PV: Được biết, hiện nay vẫn còn có một số bệnh do nghề nghiệp mang lại nhưng chưa được đưa vào danh mục? Vậy theo bà đâu là nguyên nhân?

Bà Trần Thị Ngọc Lan: Theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) có 54 nhóm bệnh nghề nghiệp, ở Pháp có 88 bệnh nghề nghiệp được bảo hiểm, Trung Quốc có 102 bệnh nghề nghiệp so với ILO, Pháp, Trung Quốc thì danh mục bệnh nghề nghiệp ở Việt Nam mới có 25 bệnh được bảo hiểm là còn quá mỏng. Nguyên nhân ở chỗ qui định bổ sung bệnh nghề nghiệp được bảo hiểm là khác nhau giữa các nước. 

Ở nước ta, một bệnh nghề nghiệp nếu được bổ sung vào danh mục bảo hiểm cần phải có nghiên cứu thuyết minh về yếu tố nguy cơ gây bệnh nghề nghiệp đó (có ở nghề gì? đặc điểm sức khỏe của người lao động tiếp xúc với yếu tố độc hại như thế nào?... ), rồi sau đó mới đến việc xây dựng Tiêu chuẩn chẩn đoán và Tiêu chuẩn giám định cho bệnh nghề nghiệp đó. Qui trình này đòi hỏi phải có thời gian, có kinh phí, có năng lực cán bộ YTLĐ để nghiên cứu, có máy móc trang thiết bị phát hiện yếu tố nguy cơ trong môi trường lao động... Chính vì vậy số bệnh nghề nghiệp hiện nay ở nước ta được giám sát còn ít.

Trong thời gian tới đây, thực hiện Chương trình Quốc gia về An toàn Vệ sinh lao động giai đoạn 2011-2015, việc tăng cường nghiên cứu, khảo sát để bổ sung thêm nhiều bệnh nghề nghiệp có tồn tại ở trong các cơ sở lao động là một mục tiêu được ưu tiên hàng đầu của Chương trình.

 
Người lao động cần thường xuyên kiểm tra sức khỏe định kỳ.

PV: Xin bà cho biết về những định hướng cũng như những ưu tiên của ngành y tế trong việc phòng, chống các bệnh do nghề nghiệp mang lại thời gian tới?

Bà Trần Thị Ngọc Lan: Để dự phòng các bệnh nghề nghiệp, cần thực hiện nghiêm 3 biện pháp: Kỹ thuật, y tế và trang thiết bị phòng hộ - vệ sinh lao động. Lý tưởng nhất là người lao động được làm việc trong điều kiện đảm bảo vệ sinh, không có các yếu tố độc hại, nguy hiểm (sử dụng công nghệ, vật liệu sản xuất sạch, an toàn) hoặc bằng các biện pháp kỹ thuật như cách ly nguồn độc hại (như che chắn bụi, ồn, sóng vật lý...).

Biện pháp y tế là người lao động phải được khám sức khỏe khi tuyển dụng để bố trí cộng việc phù hợp. Khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm bệnh nghề nghiệp, điều trị kịp thời, và làm các thủ tục để được đền bù nếu chẩn đoán là mắc bệnh nghề nghiệp. Việc sử dụng trang thiết bị bảo hộ lao động thích hợp cũng là một biện pháp không thể thiếu trong bảo vệ và dự phòng sức khỏe nghề nghiệp.

Hình minh họa

Hiện nay, các văn bản quy phạm pháp luật về y tế lao động đã khá đầy đủ. Tuy nhiên kết quả thực hiện còn nhiều bất cập. Chỉ một phần rất nhỏ các cơ sở lao động có thực hiện công tác An toàn Vệ sinh lao động, chủ yếu là ở các doanh nghiệp lớn hoặc doanh nghiệp nhà nước, còn lại các doanh nghiệp nhỏ, tư nhân, lao động nông nghiệp, đánh bắt thủy hải sản... hầu như không chú trọng đến việc đầu tư cho công tác này. 

Như vậy cần ưu tiên cho công tác thanh tra An toàn vệ sinh lao động để các doanh nghiệp phải thực hiện nghĩa vụ trong bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nghề nghiệp cho người lao động. Đồng thời, cần chú trọng, ưu tiên trong giai đoạn tới các hoạt động về thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho giới chủ và người lao động về an toàn vệ sinh lao động; Hoạt động giám sát các nguồn nguy cơ, các yếu tố độc hại trong môi trường lao động; Giám sát sức khỏe người lao động thông qua khám sức khỏe định kỳ, khám phát hiện sớm bệnh nghề nghiệp.

PV:Xin cảm ơn bà!

AloBacsi.vn
Theo Phương Hà - Sức khỏe và đời sống

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X