Hotline 24/7
08983-08983

Phòng bệnh tay chân miệng cho trẻ đầu năm học

Mùa tựu trường là thời điểm bệnh tay chân miệng bắt đầu gia tăng và có nguy cơ bùng phát. Vì vậy cần lưu ý các biện pháp để phòng ngừa bệnh tay chân miệng cho trẻ, đặc biệt là các trẻ mẫu giáo.

Trẻ bị bệnh tay chân miệng đang được điều trị tại Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai

Nguyên nhân và dấu hiệu của bệnh

Bác sĩ Nguyễn Thanh Quyền, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai cho biết, tay chân miệng (TCM) là bệnh lý thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi. Bệnh do siêu vi trùng đường ruột Enterovirus và Coxcakieruses gây nên. Đặc biệt là Enterovirus 71 thường gây bệnh nặng. Bệnh lây truyền trực tiếp qua đường tiêu hóa khi ăn uống chung, hoặc tiếp xúc với dịch tiết mũi họng, dịch miệng lúc trẻ hắt hơi, ho. Vì vậy ở lớp học tập thể, một trẻ nhiễm bệnh có thể dễ dàng lây lan cho nhiều trẻ khác.

Trẻ bị bệnh tay chân miệng đang được điều trị tại Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai.

Bệnh TCM gây bệnh và phát triển quanh năm nhưng thường bùng phát mạnh vào dịp từ tháng 2 đến tháng 4 và tháng 9 đến tháng 12, đây là lúc thay đổi mùa, tạo điều kiện thuận lợi để vi rút sinh sôi nảy nở và phát triển rất mạnh. Khi trẻ bị bệnh sẽ có các biểu hiện đặc trưng như sốt, nổi mụn nước trên da đặc biệt là các vùng như miệng, lưỡi, vòm họng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông...

Bệnh tay chân miệng gây biến chứng nguy hiểm

Đa phần bệnh có diễn tiến nhẹ và tự khỏi, tuy nhiên có một số trường hợp bệnh có thể biến chứng nguy hiểm như viêm não, viêng mào não, viêm cơ tim, phù phổi cấp thậm chí tử vong. Một số phụ huynh không nhận biết được nên thường dùng lá để đắp lên vết thương hoặc sử dụng một số bài thuốc dân gian, truyền miệng để tự điều trị cho trẻ điều này là rất nguy hiểm. Bởi bản thân các tổn thương ngoài da của trẻ rất lành chúng ta không phải can thiệp, chỉ khi nào các phỏng nước bị vỡ có nguy cơ nhiễm trùng nên đưa trẻ đến khám tại các cơ sở y tế, để có hướng điều trị thích hợp, giúp làm lành vết thương và không để lại sẹo. Còn nếu tự xử lý có thể gây nhiễm trùng từ nhẹ thành nặng, có thể gây nhiễm trùng huyết..

Phòng ngừa bệnh tay chân miệng cho trẻ

Để phòng tránh bệnh tây chân miệng phải luôn luôn vệ sinh dụng cụ đồ chơi của trẻ, vệ sinh sàn nhà, những nơi tiếp xúc với trẻ như tay nắm cửa cầu thang… bằng dung dịch vệ sinh thông thường để bảo đảm môi trường sạch sẽ. Đối với những người trực tiếp chăm sóc trẻ thường xuyên rửa tay bằng xà phòng với nước sạch, vệ sinh sạch sẽ đặc biệt là sau khi đi cầu và trước khi chế biến các đồ ăn cho trẻ. Nên hướng dẫn cho trẻ không nên ngậm tay vào miệng, ngậm đồ chơi, hướng dẫn cho trẻ tự vệ sinh bản thân mình, phải rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Hạn chế tối đa cho trẻ dùng chung đồ để tránh lây bệnh từ trẻ này sang trẻ kia.

Bệnh tay chân miệng hiện chưa có vắc xin phòng bệnh, vì vậy, nên tránh để trẻ tiếp xúc với nguồn bệnh. Nếu trẻ bị bệnh thì nên cho ở nhà, không cho tới trường trong vòng 10-14 ngày đầu.

Khi trẻ mắc bệnh nên ăn các món giàu dinh dưỡng, dễ tiêu. Miệng trẻ đau nên cho ăn loãng và nguội. Đồ dùng sinh hoạt và đồ chơi nên được vệ sinh bằng các dung dịch sát khuẩn. Trẻ có thể dùng nước muối loãng vệ sinh răng miệng.

Bệnh chân tay miệng chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chỉ điều trị các triệu chứng, biện pháp chủ yếu vẫn là chăm sóc vệ sinh, tránh nhiễm khuẩn và tăng cường sức đề kháng cho trẻ nhanh khỏi.

Phụ huynh cũng nên tăng cường miễn dịch cho trẻ bằng cách bổ sung vitamin A, C từ rau xanh, cà rốt, đu đủ, cháo gà…. Trẻ sơ sinh nên bú mẹ nhiều hơn để tăng lượng kháng thể tự nhiên. Ngoài ra, khuyến khích trẻ tập luyện thể dục thể thao ngoài trời, giữ vệ sinh thân thể và nơi ở sạch sẽ để tiêu diệt nguồn bệnh.

Bác sĩ Quyền khuyến cáo, nếu có bất kì một dấu hiệu nào nghi ngờ trẻ bị tay chân miệng nên đến các cơ sở y tế để được khám và tư vấn, hướng dẫn điều trị, chăm sóc, theo dõi. Không tự điều trị tại nhà, để tránh các bến chứng nguy hiểm.

 

Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM, trong tháng 8, toàn thành phố ghi nhận 3.088 ca mắc bệnh tay chân miệng, tăng 115% so với tháng trước. Tính từ đầu năm đến nay, số ca mắc bệnh tay chân miệng trên toàn thành phố là 9.718 ca.
Dù chưa ghi nhận trường hợp nào tử vong nhưng Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố cảnh báo, bệnh tay chân miệng đã bắt đầu vào mùa, sẽ lây lan rất nhanh nếu phụ huynh, các trường học không có biện pháp phòng ngừa.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM

 

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X