Hotline 24/7
08983-08983

Phát hành thẻ hiến mô tạng

BV Chợ Rẫy vừa đưa vào hoạt động trung tâm điều phối ghép tạng và phát hành thẻ đăng ký hiến mô tạng.

Với hơn 10.000 người chờ ghép tạng trên cả nước nhưng quá hiếm người cho tạng, sự kiện này mở ra hy vọng thúc đẩy hoạt động nhân đạo rất ý nghĩa này.

GS.TS Trần Ngọc Sinh, cố vấn khoa thận - niệu BV Chợ Rẫy, chủ tịch hội Niệu - thận học TP.HCM, chia sẻ với PV Thế Giới Tiếp Thị: "Thực trạng hiến tạng ở nước ta cũng giống như trên thế giới, cung ít cầu nhiều, từ đó dẫn đến việc buôn bán tạng phủ gây nhiều hệ luỵ nguy hiểm. Thực trạng này ngày càng đáng lo vì y học hiện đại giải quyết được nhiều chứng bệnh nan y bằng ghép tạng mà trước đây bệnh nhân chỉ biết chờ chết. Bệnh nhân biết điều này nên họ phải chạy khắp nơi để tìm nguồn tạng ghép.

Vì thế mà trung tâm điều phối ghép tạng ra đời?

Nhu cầu của người bệnh là hoàn toàn chính đáng. Thời bao cấp, nước ta không đủ thuốc chữa bệnh, xuất hiện tình trạng thuốc lậu. Nay thuốc men đầy đủ, thực trạng đó không còn. Chuyện ghép tạng cũng thế, nếu nguồn cung đủ sẽ không còn chuyện mua bán tạng phủ. Thực ra tay nghề của y bác sĩ nước ta rất tốt, kỹ thuật ghép
không kém ai, vấn đề là chỉ thiếu nguồn tạng.

Một người dân xa lạ làm thẻ hiến tạng

Theo giới thiệu của GS.TS Trần Ngọc Sinh, chiều 26/10 tôi đã tìm đến đường Huỳnh Tấn Phát, phường Tân Thuận Đông, quận 7. Đó là một căn nhà chật chội, nhiều người cùng sinh sống, trong đó có bà Trần Thị Kim Oanh, sinh năm 1957, người sở hữu chiếc thẻ hiến mô tạng thứ ba.

Bà chia sẻ: "Tôi có ý định hiến xác, hiến giác mạc lâu rồi, nhưng còn phân vân. Tình cờ xem tivi biết chuyện hiến mô tạng từ người cho chết não, tôi quyết định đi làm thẻ ngay. Về nhà, tôi khoe thẻ với con cái: "Hôm nay mẹ đã làm được điều đúng với tâm nguyện".

 Thấy vậy, có đứa không đồng tình, nhưng sau khi nghe tôi giải thích chúng đều hiểu ra. Tôi nghĩ chết đi là hết, thân xác này phải trở về với cát bụi. Vì thế nếu tôi làm điều thiện, hiến tạng cứu người, công đức này góp phần giúp các đấng sinh thành của tôi được siêu thoát".



Việc ghép tạng những năm qua ở nước ta như thế nào?

Chúng ta đã ghép tạng từ người cho sống, nhưng chỉ đáp ứng được 10% nhu cầu. Ngày 1.7.2007 luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác có hiệu lực, nhưng từ đó đến nay số người tham gia hiến tạng khi chết não chưa được bao nhiêu. Những năm qua BV Chợ Rẫy chỉ tiếp nhận được bảy trường hợp hiến tạng từ người cho chết não, nguồn tạng này cứu sống được 13 người.

Trong khi đó, chỉ riêng tại BV Chợ Rẫy mỗi ngày có khoảng năm bệnh nhân chết não, ngưng tim, chủ yếu do tai nạn giao thông mà tạng phủ của họ có thể tận dụng để cứu người. Nếu tận dụng được số này, nguồn cung sẽ rất nhiều.

Nhưng như nhiều người Á Đông khác, vì lý do tâm linh người Việt Nam không dễ cho hiến tạng.

Đúng thế, theo tư tưởng "chết toàn thây" của Khổng Tử, người ta sợ nếu kiếp này cho một quả thận thì kiếp sau sinh ra họ chỉ còn một quả thận. Nhưng đây là quan niệm không đúng vì thế giới có hàng trăm ngàn người hiến thận mà số người thiếu thận vì dị tật bẩm sinh rất ít. Cũng có người nghĩ nếu làm thẻ hiến mô tạng họ sẽ bị… trù ẻo.

Đây cũng là điều không đúng vì hàng ngày có nhiều người thiệt mạng vì tai nạn giao thông nhưng họ có bị trù ẻo gì đâu. Ngược lại, nếu có thẻ hiến mô tạng, khi ra đường người ta sẽ đi đứng cẩn thận hơn.

Trung tâm điều phối ghép tạng của BV Chợ Rẫy hoạt động như thế nào?

Đây là trung tâm cấp địa phương đầu tiên, trực thuộc trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia đặt tại BV Việt Đức (Hà Nội). Sắp tới sẽ ra đời trung tâm điều phối ghép tạng Hà Nội. Ba trung tâm tạo thành một mạng lưới, khi có người chết não có nhu cầu hiến tạng, trung tâm tiếp nhận sẽ thông tin trong mạng lưới để hội đồng quản lý cung cấp tạng cho người phù hợp nhất. Sự phân phối này bảo đảm tính nhân đạo, công bằng, minh bạch và phù hợp tiêu chuẩn y khoa. Ở đây, người cho và người nhận không biết nhau, nên không thể vụ lợi.

Trung tâm điều phối ghép tạng đã tiến hành phát hành thẻ đăng ký hiến mô tạng vậy có thẻ nào được phát hành chưa?

Ngay trong ngày đầu làm thẻ (24/10), chúng tôi đã phát hành được ba thẻ, thẻ đầu tiên cho một giám đốc bệnh viện, thẻ thứ nhì cho tôi và thẻ thứ ba cho một người dân xa lạ, lúp xúp tìm đến bệnh viện làm thẻ trong một buổi chiều mưa gió khi biết được thông tin trên báo!

Thật cảm động, nhưng làm thế nào để nhiều người dân nước ta cùng tham gia và kinh nghiệm nào từ các nước chung quanh làm tốt chuyện này, giáo sư có thể chia sẻ?

Cần có quá trình để công chúng hiểu được việc làm ý nghĩa này, trong đó vai trò của giới truyền thông là rất lớn. Các nước quanh ta chịu ảnh hưởng tư tưởng Khổng Giáo như Nhật Bản, Trung Quốc đều khó phát triển được phong trào hiến mô tạng, nhưng Hàn Quốc lại làm tốt vì truyền thông của họ tham gia mạnh mẽ và người dân được giáo dục lòng nhân đạo từ hồi còn đi học. Có lẽ nước ta cần làm như thế, nên dạy cho học sinh từ trong nhà trường về sự hy sinh, lòng nhân ái để sau đó lớn lên chúng tham gia hiến mô tạng.

AloBacsi.vn
Theo Phan Sơn - Thế giới tiếp thị
/Nông thôn ngày nay

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X