Hotline 24/7
08983-08983

Phải làm gì khi sống trong vùng dịch cúm gia cầm?

Dịch cúm gia cầm đang đe dọa sức khỏe người dân toàn cầu. Việt Nam cũng không nằm ngoài nguy cơ dịch cúm.

3 ổ dịch cúm gia cầm đã xuất hiện tại Sóc Trăng. Các chuyên gia cho biết, các ổ dịch có tốc độ lây lan cao nên những hộ chăn nuôi trong vùng dịch cúm cần có những hành động cần thiết để bảo vệ đàn gia cầm cũng như chính bản thân mình.

Khi có gia cầm nhiễm cúm, cần:

- Tiến hành thông báo với cơ quan thú y để xác định cũng như có phương pháp giải quyết hợp lý.

- Gia cầm chết do nhiễm cúm cần được xử lý theo hướng dẫn của thú y, không vứt bỏ ngoài đường.

Phải làm gì khi sống trong vùng dịch cúm gia cầm? - ảnh 1Dịch cúm gia cầm đã xuất hiện ở Sóc Trăng (Ảnh minh họa:TTXVN)

- Đeo găng tay, khẩu trang khi tiếp xúc với gia cầm. Dùng vôi bột, cloraminB tiêu độc, khử trùng khu vực chăn nuôi, chuồng trại cũng như các thiết bị vận chuyển.

- Tách riêng gia cầm bệnh để ngăn khả năng lây nhiễm cho cả đàn. Những cá thể khác cần được tiêm phòng càng sớm càng tốt.

- Không tự ý giết mổ gia cầm. Việc này không chỉ ảnh hưởng đến sức khoẻ cộng đồng mà còn cả những người trong chính gia đình.

- Khi đi ra khỏi nơi nuôi nhốt, cần vệ sinh cá nhân, thay quần áo, rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn. Giầy dép cũng như các dụng cụ đi kèm nên làm sạch để loại bỏ vi-rút gây bệnh.

- Nếu người nhà có các triệu chứng cúm, cần thông báo cho cơ quan thú y để xác định bệnh và có phương án chữa trị, ngăn chặn lây nhiễm.

Khi sống trong vùng dịch, cần:

- Tiến hành nuôi nhốt gia cầm trong khu vực khép kín, loại bỏ khả năng tiếp xúc với gia cầm của hộ gia đình khác. Thức ăn, nguồn nước cũng nên riêng biệt. Gia cầm cần nhanh chóng được tiêm phòng. Khu vực chăn nuôi, chuồng trại cần được tiêu độc, khử trùng.

Phải làm gì khi sống trong vùng dịch cúm gia cầm? - ảnh 2Nếu phát hiện đàn gia cầm bị bệnh cần tiêu hủy ngay lập tức để tránh lây lan (Ảnh minh họa:Internet)

- Tăng khẩu phần ăn cho gia cầm để tăng sức đề kháng, cho uống nước sạch, không lấy nước từ ao, sông trong vùng có dịch.

- Nhốt riêng từng loại gia cầm với nhau, không mua thêm con giống.

- Khi phát hiện gia cầm ốm, báo cho cán bộ thú y để xác định cũng như có phương án giải quyết, không tự ý chữa gia cầm.

- Nếu có xác chim hoang trong khu vực nuôi gia cầm, cần đeo găng tay, bịt khẩu trang cho xác vào túi nilon. Đồng thời, thông báo với cán bộ thú y để phòng lây nhiễm cúm.

- Rửa tay bằng xà phòng sau khi tiếp xúc với gia cầm. Không tự ý bán gia cầm. Việc buôn bán cần được kiểm dịch trước khi đưa ra thị trường.

- Hạn chế giết mổ gia cầm để ăn. Công đoạn giết mổ gia cầm cần được tiến hành đảm bảo an toàn vệ sinh. Không ăn thịt gia cầm tái như trứng trần, tiết canh…

- Không cho trẻ em chơi ở những nơi hay thả gia cầm như ao, ruộng…

Phải làm gì khi sống trong vùng dịch cúm gia cầm? - ảnh 3Những lò giết mổ không đảm bảo vệ sinh tạo điều kiện cho dịch bệnh lây lan (Ảnh minh họa:VTV)

- Trong thời gian có dịch nên hạn chế ăn thịt gia cầm. Không mua bán gia cầm chưa được kiểm dịch, không rõ nguồn gốc.

- Khi phát hiện người nhà có các dấu hiệu cúm gia cầm cần đi khám để xác định bệnh và có cách xử lý kịp thời.

Người tiêu dùng chú ý:

Khi ở trong vùng dịch, việc tiêu thụ sản phẩm từ gia cầm phải được hạn chế tối đa, tốt nhất không mua thịt, trứng ngoài chợ hoặc được bán giá rẻ. Chỉ nên dùng thịt, trứng của hộ gia đình nuôi nếu chắc chắn đàn gia cầm đang khỏe mạnh.

Việc làm thịt, chế biến thịt gia cầm cần phải đảm bảo vệ sinh sạch sẽ và an toàn.

Theo Thanh Nguyên - Sức khỏe và Đời sống

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X