Hotline 24/7
08983-08983

Nội soi dạ dày không tìm ra nguyên nhân đau bụng ngầm, mẹ em nên làm gì?

Câu hỏi

Chào bác sĩ, Mẹ em 54 tuổi, khoảng 3 năm nay hay có triệu chứng đau bụng, 1 tuần đau bụng khoảng 4-5 lần, có khi đi phân tiêu chảy, có lúc phân bình thường nhưng đi rồi lại đau bụng ngầm mãi và cứ như vậy kéo dài đến bây giờ. Khoảng 1 năm mẹ có điều trị tại Bệnh viện Hòa Hảo và Bình Dân. Bác sĩ chẩn đoán nội soi bao tử nhưng vẫn không hết. Vậy mẹ em bị bao tử hay có vấn đề đường ruột ạ? Xin bác sĩ cho lời khuyên ạ. Giờ mẹ em muốn đến Đại học Y Dược khám lại thì nên đến cơ sở 1 hay 2 ạ? Và nên điều trị bao tử hay đường ruột cho đúng bệnh ạ? Em xin cảm ơn nhiều.

Trả lời
Nội soi đại tràng. Ảnh minh họa - Nguồn Internet
Nội soi đại tràng. Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Chào bạn,

Các triệu chứng mà mẹ bạn gặp phải không chỉ gợi ý bệnh lý của dạ dày mà rất có khả năng liên quan đến ruột. Nội soi dạ dày chỉ quan sát được đến tá tràng, không thể đi sâu thêm xuống được nữa.

Tốt nhất bạn nên đưa mẹ đến khám Tiêu hoá tại Bệnh viện Đại học Y Dược (cơ sở 1) để bác sĩ đánh giá và kê thêm các xét nghiệm cần thiết, bao gồm cả nội soi đại tràng để làm rõ chẩn đoán bạn nhé!

Thân mến.

Mời tham khảo thêm:



Nội soi đại tràng là một xét nghiệm được sử dụng để tìm kiếm và phát hiện những bất thường bên trong đại tràng (ruột già). Trong nội soi đại tràng, bác sĩ sẽ sử dụng một ống nội soi mềm với đường kính khoảng một ngón tay, có gắn camera và nguồn sáng, đưa vào từ lỗ hậu môn đi qua toàn bộ đại tràng đến tận manh tràng. Nếu cần thiết, polyp và các mô bất thường có thể được loại bỏ khi thực hiện nội soi đại tràng. Mẫu mô sinh thiết cũng được thực hiện trong quá trình nội soi đại tràng.

Bác sĩ thường yêu cầu người bệnh thực hiện nội soi đại tràng để:

- Tìm kiếm nguyên nhân gây ra các dấu hiệu và triệu chứng đường ruột: nội soi đại tràng giúp bác sĩ xác định được nguyên nhân gây đau bụng, chảy máu trực tràng, táo bón, tiêu chảy kéo dài và các vấn đề đường ruột khác.
- Tầm soát ung thư đại tràng: những người ngoài 50 tuổi hoặc lớn tuổi hơn và có nguy cơ mắc bệnh ung thư đại tràng ở mức trung bình (nghĩa là không có yếu tố nào khác ngoài tuổi tác), bác sĩ thường khuyên nên nội soi đại tràng 10 năm/lần hoặc sớm hơn để tầm soát ung thư. Nội soi là một trong những xét nghiệm được sử dụng để tầm soát ung thư đại tràng.
- Tìm kiếm các polyp: với những trường hợp đã có polyp, bác sĩ có thể yêu cầu làm nội soi đại tràng để kiểm tra và loại bỏ bất cứ polyp mới nào (nếu có).

Nội soi đại tràng có rất ít rủi ro, các biến chứng của nội soi đại tràng có thể gặp là:

- Phản ứng bất lợi của cơ thể với thuốc an thần được sử dụng khi nội soi.
- Chảy máu từ vị trí lấy mẫu sinh thiết hoặc polyp hay mô bất thường được loại bỏ.
- Thủng thành đại tràng hoặc trực tràng.

Sau nội soi, người bệnh cần  nghỉ ngơi khoảng 1 giờ để thuốc an thần hết tác dụng. Ngoài ra nên có người nhà đi cùng để đưa về nhà, không nên tự lái xe.

Nếu nội soi đại tràng để thực hiện các thủ thuật như cắt bỏ polyp hay sinh thiết, người bệnh sẽ được tư vấn điều chỉnh lại chế độ ăn uống. Bác sĩ cũng sẽ căn dặn bệnh nhân những dấu hiệu cần theo dõi nếu có biến chứng, chẳng hạn đau bụng càng ngày càng dữ dội, bụng trướng căng, hoặc đi tiểu ra máu. Khi có các triệu chứng trên cần phải tái khám ngay.

Khi soi xong, nhiều người cảm thấy hơi chóng mặt. Ngoài ra vì đại tràng vẫn còn hơi nên dễ thấy chướng bụng, khi đó chỉ cần vào toilet một lúc để xì hơi là thoải mái trở lại.


Tìm câu hỏi dịch vụ y

Được tìm nhiều:

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X