Hotline 24/7
08983-08983

Những lưu ý về chế độ ăn khi trẻ mắc viêm cầu thận cấp

Viêm cầu thận là bệnh rất phổ biến, nhất là ở trẻ em và thanh thiếu niên, khi đã mắc bệnh viêm cầu thận thì cần phải điều trị kịp thời nếu không sẽ trở thành viêm cầu thận mãn.

Chế độ ăn uống hợp lý cũng rất quan trọng để tăng cường hiệu quả của điều trị và giúp trẻ phục hồi sức khỏe nhanh chóng.


Cho trẻ ăn nhạt khi có phù hoặc tăng huyết áp. Ảnh minh họa
Cho trẻ ăn nhạt khi có phù hoặc tăng huyết áp. Ảnh minh họa

Bệnh hay gặp ở trẻ nhỏ

Bệnh viêm cầu thận cấp là một trong những bệnh phổ biến ở thận. Bệnh thường xuất hiện sau một đợt nhiễm khuẩn cấp tính ở cổ họng, nhiễm khuẩn ngoài da do liên cầu khuẩn tan máu bêta nhóm A.

Ngoài ra, viêm cầu thận cấp có thể do tụ cầu, phế cầu và virus nhưng rất hiếm gặp. Ở nước ta có 60% người bệnh viêm cầu thận cấp xảy ra sau nhiễm khuẩn ngoài da do liên cầu và 40% người bệnh viêm cầu thận cấp xảy ra sau nhiễm khuẩn đường hô hấp trên như viêm họng.

Biểu hiện của bệnh viêm cầu thận cấp thường bao gồm viêm họng (sốt, đau họng, amygdale sưng to, mưng mủ) từ một đến hai tuần, hoặc viêm da mủ với nhiều mụn mủ trên một vùng da kéo dài từ 2-3 tuần. Người bệnh bị phù, đái ít (phù có thể rất ít, chỉ mọng mi mắt, cũng có thể phù to, trắng, mềm, ấn lõm); đái máu; tăng huyết áp (thường là 140/90 mmHg trở lên).

Ngoài ra, viêm cầu thận cấp cũng gây triệu chứng toàn thân không đặc hiệu như đau đầu, mệt mỏi, chán ăn… Một số trường hợp lại không biểu hiện ra ngoài, chỉ phát hiện tình cờ trên xét nghiệm khi nước tiểu có nhiều đạm, máu, suy chức năng thận, kháng thể kháng vi khuẩn (ASLO) tăng cao trong máu.

Bệnh này rất hay gặp ở trẻ em, tỷ lệ nam giới mắc bệnh này nhiều gấp đôi nữ. Bệnh có thể xảy ra lẻ tẻ hoặc thành dịch. Cách điều trị chủ yếu là nghỉ ngơi và có chế độ ăn, dinh dưỡng hợp lý. Bệnh có thể khỏi nhanh trong vòng 4-6 tuần.

Nếu không được điều trị, chăm sóc đúng, bệnh có thể tiến triển biến chứng nặng như phù phổi cấp do phù và tăng huyết áp, suy thận cấp, suy thận tiến triển nhanh; một số chuyển thành tiềm tàng, mạn tính.

Kiểm soát ăn uống

Chế độ ăn uống hợp lý cũng rất quan trọng để tăng cường hiệu quả của điều trị và giúp trẻ phục hồi sức khỏe nhanh chóng.

Ăn nhạt khi có phù hoặc tăng huyết áp, lượng natri là 20-25mg/kg cân nặng/ngày. Nhu cầu lượng natri trong ngày cho từng lứa tuổi là: Trẻ từ 1-3 tuổi là 325-650mg, từ 4-6 tuổi là 473-875mg, 7-9 tuổi là 625-1250mg, trẻ 10-15 tuổi là 1.000-2.000 mg.

Nước: Dùng hạn chế nước khi có phù, thiểu niệu hoặc vô niệu. Thể tích nước bằng thể tích nước tiểu cộng dịch mất bất thường cộng 35-40 ml/kg (tùy theo mùa).

Kali: Nhu cầu 40 mg/kg cân nặng/ngày khi kali ≥ 5 mmol/l, hạn chế các thực phẩm có nhiều kali.

Hạn chế các thực phẩm giàu phosphat khi lượng phosphat máu ≥ 2 mg/dl.

Bổ sung thêm các vitamin, chất khoáng.

Ăn từ 4-6 bữa/ngày, tùy theo lứa tuổi.

Một số lưu ý về chế độ ăn của trẻ viêm cầu thận cấp:

Những thực phẩm không nên dùng hoặc hạn chế:

Không được ăn muối và mì chính khi có biểu hiện bị phù (phù trắng, mềm, ấn lõm). Thay vào đó bệnh nhân có thể ăn nước mắm và xì dầu (2 thìa mỗi ngày).

Ăn hạn chế protid, không nên ăn gia vị: Hành, tỏi, ớt, uống nước ít hơn lượng nước tiểu thải ra trong ngày.

Hạn chế đường, các loại thực phẩm có nhiều cholesterol.

Nên ăn các thức ăn có nguồn gốc thực vật, giàu dinh dưỡng như hạt sen, khoai tây, đậu nành.

Những thực phẩm nên dùng: Chất bột đường: Có nguồn gốc từ các loại khoai sọ, khoai lang, miến dong, bột sắn dây.

- Nên sử dụng đạm có nguồn gốc từ động vật như: Thịt nạc, cá, sữa, trứng.

Nhu cầu về năng lượng theo lứa tuổi: Với trẻ từ 1-3 tuổi cần 1.300 Kcal/ngày, trẻ 4-6 tuổi là 1.600 Kcal/ngày, trẻ 7-9 tuổi là 1.800 Kcal/ngày, trẻ 10-15 tuổi là 2.200-2.400 Kcal/ngày. Nhu cầu về gluxit hàng ngày với trẻ từ 1-3 tuổi là 200-250g, 4-6 tuổi là 250-300g, 7-9 tuổi là 270-300g, 10-15 tuổi là 370-400g.

Lượng protein ăn vào hàng ngày cần hạn chế ở mức tối thiểu của nhu cầu. Tỷ lệ giữa protein động vật/protein tổng số là ≥ 60%.

Trẻ 1-3 tuổi cần 1-1,8g/kg cân nặng/ngày, từ 15-20g/ngày

Trẻ 4-9 tuổi cần 1-1,5g/kg cân nặng/ngày, trẻ 4-6 tuổi là 25-30g/ngày, trẻ 7-9 tuổi là 30-35 g/ngày.

Trẻ từ 10-15 tuổi cần 0,8-1 g/kg cân nặng/ngày, 30-35 g/ngày

Năng lượng do lipid đáp ứng từ 20-30% tùy theo tuổi, trong đó lượng axít béo không no 1 nối đôi chiếm 1/3, axít béo không no nhiều nối đôi chiếm 1/3 và axít béo no chiếm 1/3 tổng số lipid.

Nhu cầu lượng lipid cho từng nhóm tuổi trong ngày như: 1-3 tuổi cần 30-43g, 4-6 tuổi là 35-53g, 7-9 tuổi là 40-60g, trẻ 10-15 tuổi là 50-60g.


Theo ThS.BS Nguyễn Văn Tiến
Trung tâm Giáo dục Truyền thông dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia
Gia đình và Xã hội

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X