Hotline 24/7
08983-08983

Những cô mèo cứu tuyến đường sắt thoát cảnh đóng cửa ở Nhật

Cuối những năm 1990, cô mèo tam thể sống gần nhà ga Kishi (Nhật Bản) được nhiều người biết đến bởi vẻ đáng yêu. Sự nổi tiếng của cô đã cứu một tuyến đường sắt khỏi cảnh đóng cửa.

Vào một buổi sáng tháng 5 rực rỡ, tại nhà ga Idakiso, một cô mèo tam thể nhỏ đang nằm phơi mình dưới ánh mặt trời. Xung quanh, nhóm du khách vây kín, cố gắng chụp lại những khoảnh khắc đáng yêu.

Một vị khách nhẹ nhàng bế mèo lên âu yếm trong khi những nhân viên nhà ga bước lại gần và nhẹ nhàng chỉnh lại chiếc mũ trưởng ga để nó khỏi bị trượt xuống mắt cô.

"Sự hiện diện của cô mèo quanh nhà ga khiến mọi người vui vẻ. Thỉnh thoảng, tôi quên mất cô ấy là cấp trên của mình", người này nói.

Yontama là mèo quản lý nhà ga mới nhất ở đây, thay thế cho cô mèo Tama đã qua đời vào năm 2015. Tama và lớp kế nghiệp là một trong những nhân tố cứu tuyến đường sắt Kishigawa ở tỉnh Wakayama khỏi bị đóng cửa.

Người Nhật Bản coi mèo là con vật mang đến sự may mắn. Ảnh: BBC.

Cô mèo mang đến may mắn

Phần lớn diện tích tỉnh Wakayama là đồi núi và nông thôn. Nơi đây nổi tiếng với những sườn đồi nhiều đền thờ và những con đường hành hương linh thiêng. Phương tiện di chuyển thuận tiện nhất trong vùng là tuyến đường sắt Kishigawa dài 14,3 km với 14 trạm nối các cộng đồng nhỏ với thành phố Wakayama.

Vào giữa những năm 2000, tuyến đường sắt nông thôn này có nguy cơ đóng cửa trước những vấn đề tài chính cũng như lượng khách giảm mạnh. Tuy nhiên, Tama đã khiến kết cục của tuyến đường Kishigawa thay đổi.

Năm 2006, người dân đã yêu cầu Mitsunobu Kojima, chủ tịch của Wakayama Electric Railway, hồi sinh tuyến đường sau khi người sở hữu trước đó tuyên bố ngừng hoạt động.

Yontama hiện công tác tại ga Idakiso. Ảnh: Rob Goss.

"Chủ tịch của chúng tôi là một người yêu chó. Tuy nhiên, khi nhìn thấy ảnh của Tama, ông đã phải lòng cô mèo”, Keiko Yamaki, giám đốc điều hành của Ryobi, công ty sở hữu Wakayama Electric Railway, cho hay.

Trước đó, từ cuối những năm 1990, Tama đã khá nổi tiếng ở ga Kishi, điểm dừng cuối cùng của tuyến đường. Nhiều người yêu mến gọi cô là "trạm trưởng của Kishi".

Sau khi nhận nuôi Tama, Kojima đã đặt mua chiếc mũ trưởng ga cho mèo nhỏ của mình. Tháng 1/2007, Tama chính thức trở thành trưởng ga Kishi và trở thành mèo quản lý trạm tàu đầu tiên ở Nhật Bản.

Với tư cách là quản lý, một trong những nhiệm vụ của Tama là làm gương mặt đại diện cho tuyến đường sắt, xuất hiện trong các tài liệu quảng cáo và truyền thông. Cô mèo sống ở nhà ga, đôi khi xuất hiện trên chiếc bàn đặt ngay trước cổng bán vé hoặc ở phía sau cửa sổ văn phòng của mình để đón khách.

Cô mèo Tama sống tại ga Kishi từ cuối những năm 1990. Ảnh: Rob Goss.

Tama được yêu mến đến mức chân dung của cô mèo được vẽ và treo bên cạnh rất nhiều bức ảnh bóng loáng khác trong những cửa hàng lưu niệm, nơi du khách có thể mua mọi thứ, từ huy hiệu đến móc khóa hay kẹo, có nhãn hiệu Tama.

Năm 2008, cô mèo trở thành "siêu quản lý" nhà ga và được phong tước bởi thống đốc tỉnh. Người ta còn tặng cô mèo chiếc áo choàng nghi lễ màu xanh với đường viền cổ ren trắng. Sự nổi tiếng của Tama kéo hàng nghìn du khách đổ về nhà ga nhỏ để thấy cô.

Khi mèo trở thành nữ thần

Theo nghiên cứu của Katsuhiro Miyamoto, giáo sư của Trường Kế toán thuộc Đại học Kansai, năm 2008, Tama đã thu hút thêm 55.000 du khách sử dụng tuyến đường sắt Kishigawa so với dự kiến. Suốt thời gian giữ chức vụ từ năm 2007 đến năm 2015, cô mèo góp khoảng 1,1 tỷ yen cho nền kinh tế địa phương.

Đại diện Wakayama Electric Railway cho biết tính từ năm 2006, Tama giúp lượng khách hàng năm sử dụng tuyến đường tăng gần 300.000 người.

Con tàu được trang trí hình mèo Tama tại tuyến đường sắt Tamaden. Ảnh: Rob Goss.

Bắt sóng cơn sốt Tama, năm 2010, công ty đường sắt đã thuê Eiji Mitooka, kiến trúc sư nổi tiếng, thiết kế lại hoàn toàn thiết bị nội thất và ngoại thất của những chiếc tàu cao tốc. Nhờ vậy, tuyến đường sắt Tamaden ra đời.

Hai chiếc xe màu trắng được trang trí với 101 hình cô mèo Tama vẽ theo phong cách hoạt hình với các sắc thái khác nhau. Phía trước con tàu, người ta vẽ hình râu mèo trong khi bên trong là sàn gỗ kiểu cũ và kệ sách. Mỗi khi mở cửa, hành khách có thể nghe thấy tiếng kêu của cô mèo.

Năm 2015, khi Tama qua đời, các phương tiện truyền thông trên khắp Nhật Bản đều đưa tin về sự kiện này. Hàng nghìn người đổ về nhà ga dự đám tang. Thậm chí, sau đó, người ta còn dựng đền thờ nhỏ cho cô mèo tại trạm Kishi. Theo truyền thống của Thần đạo, Tama được nâng lên thành nữ thần của Wakayama Electric Railway.

Du khách có thể tìm thấy hình ảnh mèo Tama ở khắp nơi trên tuyến đường Kishigawa. Ảnh: Rob Goss.

Sự nổi tiếng của cô mèo cũng vượt khỏi biên giới quốc gia. Năm 2017, Google Doodle làm kỷ niệm sinh nhật lần thứ 18 của cô. Bốn năm sau khi qua đời, tài khoản Twitter của Tama có hơn 80.000 lượt theo dõi và con số vẫn đang tăng.

“Tama trở thành nhân vật nổi tiếng với mọi người ở mọi lứa tuổi, từ trẻ em đến các cụ già. Không chỉ người Nhật, nhiều du khách nước ngoài cũng lên tàu để đến thăm trưởng trạm", Yamaki nói.

Đất nước 'cuồng' mèo

Một trong những thành viên thuộc lớp kế nghiệp của Tama là Nitama (tức Tama thứ 2), 8 tuổi, đang là trưởng ga Kishi. Yontama (tức Tama thứ 4), 4 tuổi, hoạt động với tư cách là trợ lý của Nitama ở trạm Idakiso. Cả hai làm việc từ 10h đến 16h các ngày và nghỉ 2 ngày trong tuần (thứ hai và thứ sau với Yontama, thứ tư và thứ năm với Nitama).

Trong khi đó, Tama thứ 3 là nhân viên của Okayama Electric Tramway và giữ chức giám đốc ở bảo tàng Okaden.

Mèo Nitama hiện là trưởng trạm tại ga Kishi. Ảnh: Rob Goss.

Bên cạnh sự đóng góp của những cô mèo, sự hồi sinh tuyến đường Kishigawa phải nhờ đến những thay đổi của bản thân nơi đây.  Người sở hữu tuyến đường sắt cũng thuê Mitooka thiết kế một số chuyến tàu thu hút du khách như tàu dâu tây (Ichigo Densha) và tàu mận ngâm (Umeboshi Densha). Hai loại trái cây này là nông sản nổi tiếng trong vùng.

Năm 2009, Mitooka thiết kế tòa nhà mới cho ga Kishi với cấu trúc là hình đầu mèo. Đôi tai nhỏ nhô lên từ mái nhà trong khi lối ra vào tựa cái miệng. Hai cửa sổ hình bầu dục như đôi mắt, vàng rực trong đêm đen khi lên đèn vào buổi tối.

“Trong đêm, nhà ga sống động như mèo thật. Người ta nói rằng mèo xua đuổi cái ác và bất hạnh. Có lẽ, chuyện đó đúng với nhà ga này”, ông nói.

Không chỉ ở Wakayama, trong suốt lịch sử, mèo được coi là động vật tâm linh và biểu tượng may mắn ở Nhật Bản. Bức tượng mèo Maneki nổi tiếng được cho là mang lại may mắn cho các doanh nghiệp. Nhiều nơi trên thế giới đặt bức tượng này trong nhà để cầu tài.

Các đền thờ mèo giống đền Nekogama ở tỉnh Kagoshima xuất hiện ở khắp nơi. Hơn 10 hòn đảo ở xứ sở hoa anh đào là đảo mèo, nơi hàng trăm con mèo lang thang tụ tập và trở thành điểm du lịch nổi tiếng.

Như một minh chứng cho sự "cuồng" mèo của người Nhật, cà phê mèo trở nên phổ biến ở thành phố Tokyo hay Hello Kitty là một trong những nhân vật hoạt hình được yêu thích nhất đất nước này.

Tất nhiên, tại một quốc gia đặc biệt yêu mèo, Tama và lớp kế nghiệp không chỉ mang lại may mắn cho tuyến đường Kishigawa. Chúng còn giữ một vị trí quan trọng trong trái tim của người Nhật Bản.

Theo Zing.vn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X