Hotline 24/7
08983-08983

Người mẹ 14 năm canh chừng con trong căn phòng kín

Mỗi lần nghe gọi “Mẹ ơi”, bà Nam bỏ hết việc, vội lao đến phòng con trai, bởi nếu không thấy mẹ, Cường sẽ đập đầu vào tường gào thét.

Trong căn nhà nhỏ tại thôn Xuân Biều, xã Xuân Cẩm, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang, bà Ngô Thị Nam (69 tuổi) đang đút vài sợi mỳ cho người phụ nữ ngồi ngơ ngẩn trên giường, đó là con gái bà, chị Nguyễn Bích Hạnh, năm nay 42 tuổi, bị tâm thần từ nhỏ.

"Rầm, rầm", tiếng động lớn ở phòng bên khiến bà Nam giật mình, vừa lật đật chạy lại bà vừa cất tiếng "Mẹ đây, Cường ơi". Anh Nguyễn Hùng Cường (40 tuổi) - con trai út bà Nam - vừa thức tỉnh, việc đầu tiên là đập đầu vào cánh cửa sắt đã được bọc xốp kín xung quanh, sau khi cất tiếng gọi mẹ. "Đã 5 lần Cường phải đi cấp cứu vì chấn thương vùng đầu rồi", bà Nam nói.

Sau tai nạn năm 2006, anh Cường phát bệnh thần kinh, suốt ngày hò hét, đập phá. Ảnh: Hải Hiền.

Nguyễn Hùng Cường đã tốt nghiệp đại học ngành quản trị kinh doanh tại Hà Nội và đi làm. Năm 2006, lúc 27 tuổi, anh bị xe tông trên đường khiến dập não. Ca phẫu thuật dài 3 tiếng khoét bỏ phần não dập đã giữ lại được tính mạng, nhưng không giữ lại được sự minh mẫn cho anh. Từ đó, Cường hay la hét, đập phá, chỉ thỉnh thoảng mới nhận ra người xung quanh.

Bà Nam suy sụp vì mất đi chỗ dựa duy nhất từ khi chồng qua đời. Đứa con còn lại - chị Hạnh - lúc nào cũng cần người chăm sóc. Không thể một mình chăm 2 con tâm thần, bà Nam quyết định bán nhà ở Phúc Yên, Vĩnh Phúc (nơi bà từng làm kỹ thuật viên của Bệnh viện 74) để chuyển về quê ngoại ở Bắc Giang. Tại đây, bà được em trai cắt cho mảnh đất để dựng căn nhà 3 gian.

Trong nhà, có một căn phòng luôn khóa chặt, bọc kín xốp, cửa sổ quây lưới thép, chừa một ô đủ để đưa thức ăn nước uống vào. Đây là căn phòng dành cho Cường, mỗi khi tỉnh táo anh gọi nó là "gian chó".

Phòng bên cạnh là nơi chị Hạnh sinh hoạt. Còn "phòng" của bà Nam là khoảng sân với chiếc giường được kê sát phòng Cường. Người con trai không phân biệt được ngày đêm, cứ ngủ một lúc là lại gọi mẹ. 14 năm nay con thức thì bà thức, con ngủ thì bà ngủ. Mỗi ngày được đôi ba tiếng.

Con gái bà Nam phát bệnh trầm cảm năm 14 tuổi, sau đó dần nặng thành thần kinh, chữa không thành. Cô từng lấy dao chém chân mẹ, gõ búa vào đầu bố, và hiện không thể tự chăm sóc mình. Ảnh: Hải Hiền.

Bà Nam cho biết giờ Cường tính khí như trẻ con, thích được dỗ bằng bỏng, kẹo. Nghe tiếng gọi của mẹ, Cường cà nhắc đi đến. Bà Nam luồn tay qua khe hở, đút cho con trai vài thìa bỏng: "Cường ăn ngoan, ăn xong đi ngủ một chút nhé". Người đàn ông 40 tuổi đứng phía trong há miệng ngoan ngoãn rồi mặc cả: "Mẹ cho Cường 10 thìa đấy. 1 này, 2 này...".

Bất ngờ Cường nắm chặt tay bà Nam, cướp lấy chiếc thìa rồi hất văng bỏng khắp phòng. Bà Nam nhẹ nhàng trấn an: "Cường ơi, nghe mẹ nhé, mang lại cho mẹ cái thìa nào". Cậu con trai dịu lại, nhặt đưa thìa cho mẹ.

Mỗi khi Cường đòi ra ngoài, bà Nam giao kèo con đếm đến 100 thì sẽ được ra. "Nói thế để Cường đỡ quậy phá, chứ 2 ngày tôi mới cho ra ngoài một lần để tắm rửa. Thả ra là nó chạy đi lung tung, có hôm thì ngã xuống ao, hôm thì đâm đầu vào tường ngã lăn ở ngoài đường, nguy hiểm lắm", người mẹ chia sẻ.

Cho ra ngoài thì dễ nhưng để đưa được con vào phòng, bà Nam phải nhờ người khác giúp sức, bởi Cường chống cự dữ dội. "Có lần Cường gào thét bám chặt vào thành cửa khiến 3 ngón tay bật móng, máu chảy lênh láng. Tôi khóc, còn Cường ngơ ngác bởi chẳng biết đau", người mẹ kể.

Ông Ngô Xuân Hòa, em trai bà Nam, sống cạnh nhà bên chia sẻ: "Nhiều lúc lên cơn, thằng Cường còn bóp cổ mẹ nhưng chị Nam luôn dịu dàng, nhẫn nại. Chị ấy ốm còn chẳng dám nằm, cứ bảo 'nằm đó ai lo cho hai đứa'".

Gần 30 năm qua, mọi việc chăm sóc của cô con gái thần kinh đều do bà Nam phục vụ. Từ ngày thêm con trai mắc bệnh, đến đi toilet bà Nam cũng phải nhanh chóng, đi chợ phải nhờ người khác. "Có lần tôi đang tắm nghe Cường gọi mẹ. Sợ con đập vỡ đầu tôi vội lao ra, một ống quần chưa kịp mặc khiến ngã dúi dụi", bà Nam cười buồn nhớ lại.

Ông Nguyễn Ngọc Hòa, trưởng thôn Xuân Biều cho biết, hơn một năm trước, bà Nam ngã khụy, được hàng xóm đưa đi cấp cứu. "Các bác sĩ bảo bà ấy bị tăng huyết áp, hở van tim, suy nhược cơ thể và chỉ định nằm viện. Mà nghĩ đến hai đứa con ở nhà không ai chăm sóc, bà ấy lại xin về điều trị ngoại trú", ông Hòa kể.

Hiện, 3 mẹ con họ sống nhờ vào tiền lương hưu mỗi tháng hơn 3 triệu của bà Nam, cộng thêm trợ cấp 540.000 nghìn cho mỗi đứa con tàn tật.

Nhiều lúc quá mệt mỏi, bà Nam từng mong sẽ có một giấc ngủ dài và đừng tỉnh lại. Thế nhưng nhìn thấy nụ cười ngô nghê của hai con cùng tiếng gọi "Mẹ ơi" của Cường, bà lại gượng dậy đáp. Giờ bà chỉ mong còn đủ sức khỏe để chăm cho hai đứa con, nhưng "chỉ sợ niềm vui ấy không còn được kéo dài...", bà nói.

Theo VnExpress

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X