Hotline 24/7
08983-08983

Người dùng Mỹ 'lạc hậu' trước các công nghệ smartphone mới

Mỹ vẫn là thị trường smartphone lớn nhất thế giới, nhưng không còn là thị trường sôi động và tạo ra nhiều sự mới mẻ nhất.

Đó là nhận định của trang công nghệ Android Central khi chứng kiến Mỹ đang chậm trễ trong cuộc đua về thiết kế điện thoại. Sau cơn sốt "tai thỏ" - đặc điểm bị chê xấu xí trên iPhone X, hơn 12 tháng qua, các nhà sản xuất đã liên tục thử áp dụng nhiều cách để giảm viền màn hình.

Người dùng thế giới đã thấy những công ty của Trung Quốc như Vivo hay Oppo bán ra thị trường các mẫu điện thoại với camera "thò thụt" để khắc phục vùng đen phía trên màn hình. Chẳng hạn, mẫu Oppo Find X có camera trượt ở cả phía trước và sau. Hay phiên bản R17 Pro của hãng này không sử dụng camera giấu kín nhưng lại được trang bị công nghệ sạc nhanh 50W cùng thiết kế mặt lưng đổi màu gradient thú vị.

Điện thoại với camera "thò thụt", camera đa ống kính, sử dụng công nghệ sạc siêu nhanh... xuất hiện ít ỏi ở Mỹ. Ảnh: AndroidCentral.

Xiaomi Mi Mix 3 với thiết kế màn hình "mỏng như dao cạo" trượt xuống để lộ camera trước, sử dụng chất liệu gốm và phần cứng mạnh mẽ với giá khoảng 660 USD. Sản phẩm được bán tại châu Âu và châu Á, nhưng không hiện diện ở Mỹ.

Huawei đang bán ra thị trường một vài trong số những smartphone tốt nhất, nhưng trước lệnh cấm của chính phủ, người dùng Mỹ bỏ lỡ cơ hội trải nghiệm khả năng chụp ảnh trên hệ thống đa camera được DxOMark đánh giá ấn tượng nhất thế giới như Mate 20 Pro.

Mẫu điện thoại gập đang thu hút sự chú ý như Huawei Mate X cũng càng trở nên xa lạ ở thị trường smartphone số một thế giới. Thiết kế màn hình gập lại được giúp cho các thiết bị di động đa năng, tăng trải nghiệm của người dùng khi có thể thu gọn kích thước khi di chuyển và mở rộng không gian sử dụng lúc cần.

Chưa bàn về hiệu quả, nhưng những làn gió mới mẻ của điện thoại kể trên chưa có có cơ hội xuất hiện trên các kệ hàng tại Mỹ.

 Lĩnh vực smartphone không còn là cuộc đua song mã giữa Apple và Samsung như vài năm trước khi những tên tuổi lớn như Nokia, HTC, BlackBerry, Sony dần tuột dốc. Ban đầu chỉ là những kẻ đi sao chép một cách lộ liễu, các nhà sản xuất Trung Quốc đã vươn lên trở thành một "thế lực" mới trên thị trường điện thoại. Họ đầu tư mạnh mẽ cho nghiên cứu và phát triển, xâm nhập vào đủ mọi phân khúc từ giá rẻ tới cao cấp.

Hồi tháng 1/2019, CEO Apple Tim Cook thừa nhận một trong những nguyên nhân khiến doanh số iPhone quý cuối 2018 không như mong đợi là nhu cầu tiêu dùng tại Trung Quốc thấp. Theo 9to5mac, lý do quan trọng dẫn đến việc Apple sa sút tại Trung Quốc là vì sự cạnh tranh khốc liệt từ sản phẩm nội địa. Bảng xếp hạng những hãng smartphone dẫn đầu tại đây đều là của Trung Quốc, đứng đầu là Huawei, tiếp đến là Oppo và Vivo. Xiaomi cũng xếp thứ 5 chỉ ngay sau Apple (thứ tư). Ngay cả Samsung, công ty có thị phần smartphone đứng đầu thế giới, chỉ còn vỏn vẹn 0,1% tại thị trường này.

Cách đây 5-7 năm, nhiều người Trung Quốc coi iPhone là món đồ hạng sang mà ai cũng muốn sở hữu. Nhưng hiện suy nghĩ đó không còn bởi smartphone của Apple mất đi tính đột phá, chỉ còn vài nâng cấp nhỏ giọt. Khi thị trường điện thoại trở nên nhàm chán, đa số sự mới mẻ lại tới từ quốc gia đông dân nhất thế giới.

Không chỉ trong phân khúc cao cấp, mảng tầm trung tại Mỹ cũng "ảm đạm" không kém. Moto G7 là một trong những điện thoại tầm giá dưới 400 USD tốt nhất người dùng có thể mua ở Mỹ, và nó chỉ chạy Snapdragon 632. Một điện thoại đáng chú ý khác có thể kể đến Nokia 7.1 với chip Snapdragon 636.

Cùng số tiền đó, bạn có thể mua Poco F1 ở Anh với chip Snapdragon 845, công nghệ làm mát bằng chất lỏng và pin "khủng" 4.000 mAh. Có một thực tế là hầu như không có thiết bị nào tích hợp các nền tảng Snapdragon 660, 670 hay 675 được bán ở Mỹ.

Để có mặt ở thị trường Mỹ đòi hỏi các nhà sản xuất phải hợp tác và phân phối thiết bị thông qua nhà mạng. Do đó, các công ty Trung Quốc rất khó bán điện thoại của mình với mức giá rẻ như hiện nay và cơ hội trả nghiệm những bước tiến di động mới ngày càng ít đi với người Mỹ.

Theo VnExpress

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X