Hotline 24/7
08983-08983

Nghịch lý kẹt xe sát làn đường trống trơn

Ở một số trục đường, việc phân luồng chưa phù hợp không những gây ra ùn ứ mà còn dẫn đến sự lãng phí.

Dự kiến trong tuần tới, một phần đoạn đường Bạch Đằng, Hồng Hà (quận Tân Bình, TPHCM) thuộc dự án đường vành đai Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài sẽ được hoàn thành. Cạnh đó, các hạng mục khác còn lại của dự án này như cầu Gò Dưa (quận Thủ Đức), nút giao Nguyễn Thái Sơn và phần đường Hồng Hà, Bạch Đằng còn lại cũng sẽ được hoàn thành, đưa vào khai thác.

Khi toàn dự án hoàn thành, tình trạng kẹt xe ở một số tuyến đường như Hoàng Minh Giám sẽ được thuyên giảm. Tuy vậy, nhiều người dân lại e ngại khả năng ùn ứ có thể tiếp diễn với mức độ nghiêm trọng hơn trên tuyến đường Phạm Văn Đồng.

Nơi chen chúc, chỗ “ế” xe

Khảo sát của PV liên tiếp trong các ngày 1, 2 và 3/10 cho thấy ùn ứ thường xuyên diễn ra ở một số đoạn, khu vực của đường Phạm Văn Đồng, nhất là đoạn qua quận Bình Thạnh và quận Gò Vấp. Thực tế cho thấy tình trạng ùn ứ đã không còn là cá biệt ở tuyến đường được mệnh danh thoáng, đẹp nhất nội đô của TPHCM.

Chiều tối 2/10, chúng tôi ghi nhận được dòng xe máy theo hướng từ sân bay về quận Thủ Đức chen chúc nhau trên hai làn đường hẹp của mình. Tình trạng dồn ứ còn diễn ra nghiêm trọng hơn ở các đoạn trước các điểm giao cắt giữa đường Phạm Văn Đồng với các đường Nguyễn Xí, Phan Văn Trị, Lê Quang Định…

Trước đó, trong buổi sáng cùng ngày, gần 7 giờ xe máy đã nêm cứng trên đường Phạm Văn Đồng hướng từ cầu Bình Lợi đến giao lộ Phan Văn Trị. Trên phần đường chật hẹp của xe máy có hàng ngàn chiếc, song ở làn đường ô tô rộng gấp nhiều lần chỉ loe hoe vài chiếc ô tô. Nhiều người đi xe máy nôn nóng tràn qua làn ô tô khiến giao thông ở đây trở nên hỗn loạn, giao lộ Phạm Văn Đồng - Nguyễn Xí bị ùn ứ nghiêm trọng.

Bà Nguyễn Thị Hương (quận 12) cho biết tuyến đường này có đến 12 làn xe nhưng ở làn đường xe máy, đoạn từ cầu Bình Lợi đến giao lộ Phan Văn Trị luôn ùn ứ vào giờ cao điểm. “Nhiều hôm làn xe máy kẹt cứng. Tôi phải mất gần 15 phút mới thoát được cái ngã tư nhưng nghịch lý là ở làn đường ô tô thì rất thông thoáng” - bà Hương nói.

Xe máy chen chúc trên phần đường hẹp, trong khi làn đường dành cho ô tô rộng thênh thang nhưng thưa vắng xe. Ảnh: NGUYỄN TÂN

Người đi xe máy bị ép

Tình trạng tương tự như trên đã và đang xảy ra trên tuyến đường Trường Chinh, Võ Văn Kiệt... Trong đó, bức xúc nhất có lẽ là ở tuyến đường Trường Chinh, đoạn qua quận Tân Bình. Đây là con đường huyết mạch để vào trung tâm nên lượng xe từ Hóc Môn, quận 12… cùng những nhánh đường nhỏ đổ dồn về khu vực mũi tàu Trường Chinh (quận Tân Bình) rồi rẽ vào đường Cộng Hòa với mật độ rất cao.

“Hết đường Trường Chinh lại đến đại lộ Võ Văn Kiệt, rồi nay đến tuyến đường Phạm Văn Đồng cũng thế. Xe máy vẫn phải chen chúc nhau trong phần đường chật hẹp. Đường Phạm Văn Đồng rất đẹp, rộng song phần đường dành cho xe máy hai bánh quá nhỏ liệu có hợp lý?

Hiện nay phương tiện giao thông chiếm tỉ lệ lớn là xe máy song việc dành phần đường cho xe máy quá hẹp trong khi làn đường cho ô tô thì rất thênh thang. Tôi đề nghị Sở GTVT nên xem xét việc tăng đường cho xe máy để tránh lãng phí” - ông Lưu Minh Tâm (phường Linh Tây, quận Thủ Đức) đề nghị.

Ông Tâm cho rằng trục đường Phạm Văn Đồng khi xong toàn tuyến thì các “nút thắt” ở khu vực gần sân bay Tân Sơn Nhất có thể được tháo gỡ. Khi đó trục đường này sẽ thu hút thêm một lượng xe lớn. Do vậy, nếu không có tính toán và có sự điều chỉnh phù hợp thì không bao lâu cảnh kẹt xe máy ở đường Phạm Văn Đồng có thể xảy ra như ở đoạn đường Trường Chinh.

Cân nhắc để xe máy vào đường ô tô

Theo ông Nguyễn Vĩnh Ninh, Giám đốc Khu Quản lý Giao thông đô thị số 1 (Sở GTVT), khi áp dụng giải pháp linh hoạt phân luồng tận dụng diện tích mặt đường cũng cần đề cao nguyên tắc bảo đảm an toàn giao thông. “Việc cho xe máy đi vào phần đường ô tô trên đường Phạm Văn Đồng như nhiều ý kiến gợi mở sẽ được xem xét kỹ. Trong đó có xem xét việc nhập làn của ô tô với xe máy ở các nút giao cắt Phan Văn Trị, Lê Quang Định nếu không các điểm giao cắt này sẽ trở thành điểm đen về tai nạn giao thông” - ông Ninh nói.

Cũng theo ông Ninh, từ tháng 6/2015, Khu 1 cũng đã thí điểm cho xe máy đi vào làn xe ô tô ở đường Trường Chinh vào các giờ cao điểm sáng, chiều. Việc này nhằm tận dụng, tăng diện tích lưu thông trên mặt đường để giải quyết ùn tắc.

Tuy nhiên, khi mở làn thì người dân không đi vào làn sát dải phân cách mà đi tràn sang cả làn ô tô nên rất nguy hiểm. Có ý kiến cho rằng nên trồng cọc tiêu mềm để phân định rõ làn xe máy được đi trong phần đường dành cho ô tô như cách làm trên đường Điện Biên Phủ. Tuy nhiên, đường Trường Chinh không đủ rộng để làm như đường Điện Biên Phủ.

“Ngoài ra, dù có trồng cọc ở đường Trường Chinh thì diện tích đường dành cho xe máy vào giờ cao điểm vẫn không đủ. Người đi xe máy vẫn sẽ tràn sang làn đường ô tô. Chưa hết, các cọc tiêu này còn làm cản trở cho xe buýt đón, trả khách. Vì vậy, khi mở rộng áp dụng giải pháp linh hoạt phân làn, luồng xe để tận dụng diện tích mặt đường thì sẽ được xem xét kỹ nhiều mặt bên cạnh nguyên tắc bảo đảm an toàn giao thông tuyệt đối” - ông Ninh giải thích.

Theo Nhóm PV - Pháp luật TPHCM

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X