Hotline 24/7
08983-08983

Nghệ An: Hóc thạch rau câu, bé trai 11 tháng tuổi tử vong thương tâm

Ngày 4/12, Khoa Hồi sức chống độc, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An tiếp nhận một bé trai 11 tháng tuổi (phường Nghi Hòa - Cửa Lò) bị hóc thạch rau câu. Theo người nhà bệnh nhi, trước đó cháu bé đang ăn thạch thì bị sặc và tím tái toàn thân.

Ngay khi bị hóc thạch rau câu, người nhà lập tức đưa cháu đến bệnh viện trong tình trạng hôn mê sâu, ngừng tim, ngừng thở phải hồi sức tim phổi nhưng đồng tử 2 bên giãn, không còn phản xạ thần kinh. Dẫu rất cố gắng nhưng các y, bác sỹ đành bất lực. Ngày 5/12, bé đã được gia đình đưa về lo hậu sự.

Món thạch hấp dẫn nhưng cũng rất nguy hiểm đối với trẻ nhỏ. Ảnh tư liệu


Thời gian vừa qua, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An liên tiếp tiếp nhận nhiều trường hợp bệnh nhân bị hóc dị vật. Gần đây nhất là trường hợp một cháu bé 16 tháng tuổi bị hóc giấy ăn trong lúc chơi đùa. Đây là tai nạn rất phổ biến nhưng có thể để lại hậu quả rất nặng nề. Cha mẹ và những người chăm sóc trẻ cần đặc biệt lưu ý khi lựa chọn và chế biến thức ăn cho trẻ cũng như các loại đồ chơi trong nhà.

Bác sĩ Nguyễn Hùng Mạnh - Trưởng Khoa Hồi sức Chống độc, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cho biết: "Thời gian vàng để cứu trẻ bị hóc dị vật chỉ trong khoảng 5-10 phút. Sau khoảng thời gian này xem như đã trễ, mọi cách cứu chữa gần như vô phương. Nếu có cứu được cũng để lại di chứng nặng nề, bệnh nhi có thể phải sống thực vật”.

Cách xử trí dị vật đường thở khác nhau ở từng độ tuổi

Việc xử trí dị vật đường thở phải thực hiện thật khẩn trương nếu không sẽ nguy hiểm tính mạng, do vậy lập tức thực hiện các biện pháp vỗ lưng, ép ngực hay ép bụng tùy độ tuổi.

Biện pháp vỗ lưng và ép ngực: Áp dụng đối với trẻ nhỏ dưới 1 tuổi:

- Biện pháp vỗ lưng: Người sơ cứu ngồi hoặc đứng, chân đưa ra phía trước. Đặt trẻ nằm sấp dọc theo mặt trước cẳng tay của người sơ cứu trong tư thế cổ ngửa, đầu thấp rồi vỗ 5 lần (lực vừa phải) vào lưng của trẻ ở vị trí giữa hai xương bả vai. Nếu dị vật chưa thoát ra thì lập tức dùng biện pháp ép ngực.

- Biện pháp ép ngực: Lật trẻ nằm ngửa dọc theo cẳng tay trong tư thế cổ ngửa, đầu thấp, dùng 2 ngón trỏ và giữa của bàn tay kia ấn vào điểm giao nhau giữa xương ức và đường nối hai núm vú 5 lần (lực ấn vừa phải). Nên làm luân phiên 2 biện pháp vỗ lưng và ép ngực cho đến khi dị vật đường thở được tống ra ngoài.

Hóc dị vật là một tai nạn có thể gặp ở mọi lứa tuổi, tỷ lệ cao nhất ở trẻ 2 - 4 tuổi. Theo thống kê của Bệnh viện Bạch Mai thì có đến 25% gặp ở trẻ dưới 2 tuổi và 95% gặp ở trẻ dưới 4 tuổi. Dị vật đường thở hay gặp nhất là hạt lạc, rồi đến hạt ngô, hạt dưa, hạt na, hạt hồng bì, hạt chôm chôm, hạt nhãn, mẩu xương, vỏ tôm, cua, đốt xương cá, mảnh đồ nhựa, kim, cặp tóc...  

Áp dụng đối với trẻ từ 1 đến 8 tuổi:

- Biện pháp vỗ lưng: Người sơ cứu quỳ, cho trẻ đứng, cúi đầu thấp, miệng há ra. Người sơ cứu quỳ một bên trẻ, 1 tay đỡ ngực, 1 tay vỗ 5 lần vào lưng trẻ ở vị trí giữa hai xương bả vai, nếu dị vật chưa ra thì phối hợp dùng biện pháp ép bụng.

- Biện pháp ép bụng: Cho trẻ đứng, đầu cúi thấp, miệng há ra. Người sơ cứu quỳ ở phía sau trẻ, vòng 2 tay về phía trước bụng của trẻ, 1 tay người sơ cứu nắm lại như nắm đấm đặt vào vị trí điểm giữa rốn và mũi ức, bàn tay còn lại nắm bọc ra ngoài bàn tay kia cho chặt lại. Sau đó ép bụng đột ngột 5 lần. Nếu dị vật đường thở chưa được tống ra ngoài, cần làm xen kẽ hai biện pháp cho đến khi dị vật được tống ra ngoài.

Biện pháp vỗ lưng và ép bụng: Áp dụng đối với trẻ trên 8 tuổi và người lớn.

- Biện pháp vỗ lưng: Cho nạn nhân đứng, cúi đầu thấp, miệng há ra. Người sơ cứu đứng ở một bên nạn nhân, 1 tay đỡ ngực nạn nhân, 1 tay vỗ mạnh vào lưng 5 lần ở vị trí giữa hai xương bả vai của nạn nhân. Nếu dị vật chưa được tống ra ngoài thì dùng biện pháp ép bụng.

- Biện pháp ép bụng như trên.



Theo Báo Nghệ An

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X