Hotline 24/7
08983-08983

Mỹ phẩm có thể gây ung thư

Thử nghiệm một số thành phần mỹ phẩm trên tế bào nuôi cấy và động vật, kết quả cho thấy chúng chứa chất gây ung thư.

Theo Cancer, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cho biết, luật định nghĩa mỹ phẩm là các sản phẩm được cọ xát, đổ, rắc hoặc phun lên cơ thể người để làm sạch, đẹp, thúc đẩy sức hấp dẫn hoặc thay đổi diện mạo. Mỹ phẩm bao gồm: kem dưỡng ẩm da, nước hoa, son môi, sơn móng tay, trang điểm mắt, mặt, dầu gội đầu, thuốc nhuộm tóc, chất khử  mùi... Nó không bao gồm các sản phẩm như xà phòng.

Các mỹ phẩm với thành phần là thuốc được định nghĩa là sản phẩm dược liệu, dùng trong chẩn đoán, chữa bệnh.

Hiệp hội Ung thư Mỹ quy định nhà sản xuất không được phép sử dụng các hóa chất trong mỹ phẩm nếu không báo cáo về thành phần và hàm lượng cụ thể.

Tuy nhiên, theo các nhà nghiên cứu, ngay cả khi các thành phần trong mỹ phẩm được thử nghiệm, kết quả không phải lúc nào cũng rõ ràng về độ an toàn. Trên thực tế, một số loại mỹ phẩm có thể gây ra các vấn đề về sức khỏe ở người, chẳng hạn như kích ứng da, mắt hoặc bị dị ứng. Đây là những vấn đề thường gặp và chúng sẽ biến mất nếu bạn ngưng sử dụng. Một số thành phần khác được cho là gây độc hại ở nồng độ cao, tuy nhiên có rất ít thông tin về những thành phần hấp thụ vào cơ thể, hấp thụ bao nhiêu trong quá trình sử dụng, hay thành phần trong mỹ phẩm có gây ung thư hay không...

Ảnh: Dreamstime

Đối với hầu hết chất gây ung thư, phải mất nhiều năm sau khi tiếp xúc mới có thể nhận định được. Do đó, các nhà khoa học phải thí nghiệm trên các tế bào nuôi cấy và động vật. Dữ liệu nhận về xác định một số thành phần trong mỹ phẩm có chứa hóa chất gây ung thư.

Nghiên cứu này vấp phải một số phản đối. Đầu tiên, nghiên cứu trong phòng thí nghiệm trên động vật đều có liều cao hơn nhiều so với phơi nhiễm ở người. Trong khi đó liều lượng rất quan trọng khi nói về độc tính, vì thành phần mỹ phẩm đôi khi tồn tại một lượng nhỏ không đáng kể.

Thứ hai, có thể có sự khác biệt khác giữa các chất được kiểm tra trong phòng thí nghiệm và cách chúng được sử dụng, chẳng hạn như lộ trình phơi nhiễm. Ví dụ, bôi một chất lên da sẽ hấp thụ kém hơn nhiều so với khi được nuốt, hít vào hoặc tiêm vào máu.

Cuối cùng, cơ thể của động vật thí nghiệm và con người không phải lúc nào cũng xử lý các chất theo cùng một cách. Hầu như tất cả các chất được biết là gây ung thư ở người cũng gây ung thư ở động vật thí nghiệm. Nhưng ngược lại không phải lúc nào mọi chất gây ung thư trong động vật thí nghiệm đều gây ung thư ở người.

Mặc dù có những hạn chế này, các nhà khoa học cho biết, các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm là cách tốt nhất để phát hiện tiềm năng của một chất gây ung thư ở người trước khi chúng được tiếp xúc rộng rãi.

Một nghiên cứu khác của các nhà dịch tễ học, nhìn vào quần thể người để xác định yếu tố nào có liên quan đến ung thư. Con người sống trong môi trường không được kiểm soát. Người ta tiếp xúc với nhiều chất tại một thời điểm, kể cả những chất ở cơ quan, trường học, hoặc ở nhà, trong thức ăn, trong không khí... Rất ít người có thể biết chính xác những gì họ đã tiếp xúc hoặc họ nhớ tất cả những phơi nhiễm của họ. Thường là nhiều năm, có khi đến hàng thập kỷ mới tiếp xúc với chất gây ung thư và biết đến sự phát triển của ung thư. Do đó, rất khó để chỉ ra bất kỳ tiếp xúc cụ thể gây nên ung thư.

Bằng cách kết hợp dữ liệu từ cả hai nghiên cứu dựa trên phòng thí nghiệm và dịch tễ học, các nhà khoa học cố gắng đưa ra đánh giá có tính giáo dục về khả năng gây ung thư của thành phần trong mỹ phẩm. Hầu hết chuyên gia tin rằng thành phần mỹ phẩm chứa các chất gây ung thư ở động vật nên được sử dụng thận trọng vì chúng có khả năng gây ung thư ở người.

Hiện nay, tại Mỹ, cả mỹ phẩm và thuốc đều do FDA cấp phép. Các công ty mỹ phẩm chịu trách nhiệm xác nhận sự an toàn của thành phần trước khi tiếp thị. Các sản phẩm chưa được thử nghiệm phải mang nhãn, cảnh báo độ an toàn. Mỹ phẩm phải ghi danh sách các thành phần trên nhãn.

Đạo luật Mỹ phẩm an toàn California yêu cầu các công ty báo cáo thành phần mỹ phẩm được bán trong tiểu bang, để kiểm định xem có chất gây ung thư, dị tật bẩm sinh hoặc các tác hại sinh sản khác hay không.

Hiệp hội Ung thư Mỹ cho rằng những thông tin này là cần thiết. Họ ủng hộ nhu cầu giám sát quy định mở và minh bạch về mỹ phẩm và khuyến khích mở rộng thêm các nghiên cứu khoa học, đặc biệt là trên nhóm dễ bị tác động xấu như trẻ sơ sinh, phụ nữ mang thai và người cao tuổi. Hiệp hội ủng hộ sử dụng các sản phẩm kem chống nắng. Đây là một trong những biện pháp hạn chế phơi nhiễm da với bức xạ cực tím, giảm ảnh hưởng đến làn da và sức khỏe.

Theo Thúy Quỳnh - VnExpress

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X