Hotline 24/7
08983-08983

Mong mỏi tìm gặp thân nhân người đã hiến tim cứu mạng mình của cậu bé 15 tuổi

5 tháng trước, Phạm Văn Cơ (15 tuổi, Đà Nẵng) là người may mắn nhận được trái tim hiến tặng từ một thanh niên bị tai nạn giao thông không may chết não.

Điều kỳ diệu đã đến, trái tim mới đập rộn ràng trong lồng ngực Cơ

Từ một cậu bé gầy gò, xanh xao, chỉ nặng 39 kg, sau khi ghép tim, Cơ ăn được ngủ được, tăng hơn 10 kg. Cậu bé ra dáng một thanh niên, da dẻ hồng hào. Cơ tâm sự, nếu không có người trao tặng quả tim khỏe mạnh và được bác sĩ chạy đua với thời gian để ghép kịp thời, em đã không còn trên cõi đời này.

"Mẹ con em không bao giờ quên những giây phút ấy", Cơ nói.

Mẹ con Cơ đến Hà Nội sáng ngày 29/11. Ảnh: Lê Nga.
Mẹ con Cơ đến Hà Nội sáng ngày 29/11. Ảnh: Lê Nga.

Nước dâng trong mắt, bà Huỳnh Thị Ánh, mẹ của Cơ, cho biết người chồng mất sớm vì bệnh ung thư, để lại mình bà với 4 đứa con thơ dại. Đứa con trai đầu mắc bệnh giãn cơ tim, mất lúc 15 tuổi. Năm 2006, cơn bão đổ bộ vào Đà Nẵng cuốn phăng ngôi nhà cấp 4, nơi trú ngụ của mấy mẹ con bà. Không nhà, không tài sản, mẹ con dắt díu nhau tá túc khắp nơi. Được mọi người giúp đỡ, người mẹ nhặt nhạnh mấy tấm tôn che tạm thành nhà để mẹ con có chỗ chui ra chui vào.

Tưởng chừng mọi việc dần ổn định, bất ngờ cách đây hai năm, Cơ được phát hiện mắc bệnh giãn cơ tim giống như người anh đầu. Cơ được các bác sĩ đặt máy tạo nhịp tim.

Bà Ánh, sau cơn suy sụp trước tin dữ, cứ đằng đẵng hàng tháng đưa con từ Đà Nẵng vào TPHCM thăm khám, chữa trị. Sau bà chuyển Cơ về Bệnh viện Trung ương Huế cho bớt quãng đường đi quá dài. Lúc chuyển viện, Cơ đã bị suy tim giai đoạn cuối.

"Tôi hỏi bác sĩ có cách nào cứu con trai tôi không? Bác sĩ nói cách duy nhất cứu nó là thay một quả tim mới, mà việc này không hề dễ dàng. Tôi thắt cả lòng mà không dám gục ngã", người mẹ kể.

Ngày 13/6, bà Ánh nhận được điện thoại của Bệnh viện Trung ương Huế nói đã có người hiến tim phù hợp cho Cơ, bà vừa mừng vừa sợ. Trong túi không có nổi vài trăm nghìn, bà Ánh vẫn cùng con trai ra Huế ngay lập tức, tiền thì nhờ con gái ở nhà vay mượn.

"Lúc ấy tôi chỉ nghĩ, cứ đưa con ra, một là con sống, hai là cả hai mẹ con cùng chết", bà Ánh nhớ lại.

Trái tim hiến từ Hà Nội được đích thân giám đốc bệnh viện Huế cấp tốc đưa về, nhờ sự hỗ trợ của các y bác sĩ Trung tâm ghép tạng Việt Nam và Vietnam Airlines. Quả tim về đến Huế lúc 23h. Ca phẫu thuật cho Cơ kéo dài thâu đêm suốt sáng. Bà Ánh không chợp mắt phút nào, chỉ ứa nước mắt và chắp tay cầu nguyện. 

Bác sĩ cho biết bệnh nhân Phạm Văn Cơ đã có 3 lần ngừng tim. Kíp mổ ghép phải cấp cứu để hồi sức tim trong thời gian chờ đợi. Nếu không kịp ghép bệnh nhân sẽ chết.

9h sáng ngày 14/6, Cơ ra khỏi tình trạng mê, hai mẹ con được gặp nhau. Bà Ánh chỉ biết òa khóc, nắm chặt tay con.

"Cơ tỉnh dậy, nhìn thấy tôi rồi hỏi 'Mẹ ơi, vợ con con đâu rồi?'. Tinh thần nó không tỉnh táo, phải một tháng sau, con mới ổn định và trở lại cuộc sống bình thường", bà Ánh kể.

Hồi sinh nhờ ghép tim, Cơ và cả gia đình mong mỏi tìm gặp lại người thân của người đã hiến tặng trái tim cứu mạng em. Hôm qua, hai mẹ con Cơ đến dự lễ kỷ niệm 5 năm thành lập Trung tâm Điều phối Ghép tạng Quốc gia.

"Tôi ra Hà Nội chỉ mong ước được gặp ân nhân của mình, nhưng vẫn không được", bà Ánh nói trong nước mắt. "Họ đã cho cháu được sống lại lần thứ hai. Mỗi ngày tôi đều cầu nguyện cho gia đình họ được an lành".

Giám đốc Bệnh viện dừng họp Quốc hội để ghép tim

Trường hợp của Cơ là ca ghép tim xuyên Việt thứ 2. Chiều 13/6, khi nhận được thông tin từ Trung tâm điều phối ghép tạng quốc gia cho biết có nguồn tạng hiến từ người cho chết não tại BV Việt Đức, Hà Nội phù hợp với bệnh nhân Cơ, GS Phạm Như Hiệp, Giám đốc BV TƯ Huế đã xin dừng họp Quốc hội, chạy thẳng đến BV Việt Đức để tham gia lấy tạng.

Sau khi lấy tạng thành công, GS Hiệp cùng các chuyên gia bảo quản tim của BV Việt Đức và Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia trực tiếp vận chuyển tạng về Huế.

GS Hiệp (ngoài cùng bên trái) cùng các chuyên gia vận chuyển tim từ Hà Nội vào Huế
GS Hiệp (ngoài cùng bên trái) cùng các chuyên gia vận chuyển tim từ Hà Nội vào Huế

Tuy nhiên do thời gian bảo quản tim chỉ được 6 giờ, lại không có chuyến bay phù hợp nên ekip chuyển hướng bay vào Đà Nẵng sau đó vận chuyển tim bằng đường bộ vào Huế.

Ông Nguyễn Hoàng Phúc, PGĐ Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia cho biết, đây là ca ghép đặc biệt do thông thường, trước khi ghép tạng, mẫu máu của người nhận phải chuyển đến nơi có bệnh nhân hiến tạng để đọ chéo xem có phù hợp không.

Tuy nhiên, do thời gian quá gấp, lịch bay không thuận lợi nên Trung tâm Điều phối đã cử nhân viên mang mẫu máu của người hiến bay vào Huế trước để thực hiện đọ chéo. Đây là tình huống rủi ro bởi nếu kết quả xét nghiệm không tương thích, coi như quả tim được hiến tặng vô nghĩa vì không đủ thời gian chuyển cho người khác.

Trong khoảng thời gian này, BV TƯ Huế đã chuẩn bị một chiếc xe cấp cứu đặc biệt với đầy đủ trang thiết bị vào Đà Nẵng đón tim. Để kịp thời gian, các bác sĩ phải thực hiện các thao tác ban đầu liên quan đến kíp ghép ngay trên xe. Khi chiếc xe chở tim vừa với tới BV lúc 23h15 cũng là lúc kết quả đọ chéo cho kết quả tốt.

Trước khi ghép tim, bệnh nhân Phạm Văn Cơ đã 3 lần ngừng tim, bác sĩ phải cấp cứu để hồi sức tim, nếu không kịp ghép bệnh nhân sẽ chết. Quả tim cũ của bệnh nhân giãn to quá mức so với quả tim của người hiến nên ekip phẫu thuật đã phải dự phòng nhiều phương án. Cuối cùng, ca ghép đã thành công ngoài mong đợi.

Nguồn tin:
http://vietnamnet.vn/vn/suc-khoe/suc-khoe-24h/chang-trai-15-tuoi-song-lai-tu-tim-nguoi-xa-la-khoc-nuc-no-mong-gap-an-nhan-491782.html
https://suckhoe.vnexpress.net/tin-tuc/suc-khoe/cau-be-15-tuoi-khao-khat-gap-than-nhan-nguoi-hien-tim-cho-minh-3846605.html

Lê Hoa (Tổng hợp)

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X